Đề thi “thoát ly” SGK, “xóa sổ” dự đề, học tủ?

Năm nào cũng vậy, cứ trước kỳ thi Văn là cộng đồng mạng lại được dịp xôn xao trổ tài dự đoán tác phẩm nào sẽ xuất hiện trong đề thi. Đoán cho vui, giải trí một chút giữa lúc “chạy nước rút” thì không sao, điều đáng lo là nhiều teen lại vin vào những suy đoán này để học tủ, trông chờ vào may rủi dẫn tới điểm thi “thê thảm”.

Tuy nhiên, điều này sẽ khó tiếp diễn với quy định mới của Bộ GD&ĐT về việc ra đề kiểm tra, đánh giá môn Văn từ năm 2023. Trong đó, điểm đặc biệt đáng chú ý trong công văn hướng dẫn của Bộ GD&ĐT là từ năm học 2022 - 2023 tới đây, trong các đề thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập học sinh cuối kỳ, cuối năm học, cuối cấp, đội ngũ biên soạn đề tránh sử dụng lại các văn bản đã học trong SGK để làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài, sao chép tài liệu có sẵn.

197275317-333763921483529-3245247588002659121-n-7941-4155-1661557345039456708354.jpg

Ảnh minh họa từ Internet

Bộ GD&ĐT cũng khuyến khích xây dựng và sử dụng đề mở trong kiểm tra, đánh giá để phát huy khả năng sáng tạo của học sinh; xây dựng bộ công cụ đánh giá để hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm. Ngoài ra, việc đánh giá học sinh cần đảm bảo nguyên tắc phát huy được những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, tư duy hình tượng và tư duy logic của các bạn teen.

“Nếu đề thi văn thoát ly SGK thì chúng mình sẽ có rất nhiều “đất diễn” cho sự sáng tạo, thay vì lao vào học thuộc và chăm chăm tìm cách “tái hiện” càng nhiều càng tốt những lời giảng của thầy cô. Tác phẩm văn học ngoài SGK thì vô vàn nên chẳng ai có thể đoán trước hay giới hạn phạm vi ra đề được, nhờ vậy mà khả năng tư duy, cảm nhận và tính sáng tạo của mỗi cá nhân sẽ được phát huy triệt để nhất”, bạn Minh Phương (Hà Nội) chia sẻ.

Nhiệt tình đón nhận và ủng hộ quy định mới mẻ trong cách ra đề văn, tuy nhiên nhiều phụ huynh và giáo viên lại không khỏi lo lắng chuyện teen đã quen “học gì thi nấy”, giờ thấy đề văn không sử dụng ngữ liệu trong SGK nữa sẽ chểnh mảng, lơ là giờ học ở trường. Đó là chưa kể việc ra đề thi theo hướng mới cũng sẽ gây nhiều khó khăn cho giáo viên khi phải xây dựng lại ngân hàng đề thi, đáp án chấm bài phù hợp với những tiêu chí mới.

de-van-moi-anhminh-son-9766-1661557380011558887286.jpg

Ảnh minh họa từ Internet

Với teen, bên cạnh sự hào hứng, thỏa sức sáng tạo với đề mở môn Văn cũng là những lăn tăn không biết ôn tập “bắt đầu từ đâu”, cảm thụ thế nào khi đề thi có thể là những tác phẩm ngoài SGK mà teen chưa từng đọc hay biết đến.

“Bản đồ” tránh những lối mòn, bon bon sáng tạo

Đọc càng nhiều càng ít: Việc thu thập thông tin không chỉ giúp bạn có thêm kiến thức, vốn sống, dẫn chứng để đưa vào bài viết, mà còn có thể dễ dàng xâu chuỗi, liên kết và so sánh các sự kiện, từ đó nêu ra được những quan điểm, ý kiến của riêng mình. Học cách sử dụng ngôn từ sao cho hay, viết văn cho mượt cũng là một giá trị thiết thực khi bạn tích cực đọc sách, báo.

Đề mở thì đáp án cũng mở: Đừng quá lo lắng khi cùng làm một đề văn mà mình và các bạn lại có những hướng triển khai hoàn toàn khác nhau, bởi đề mở thì thường đáp án cũng sẽ được soạn theo hướng mở. Đáp án không nên ràng buộc người viết vào một số ý có sẵn mà chỉ cần định hướng về cách giải quyết, yêu cầu học sinh xác định đúng trọng tâm, giải quyết vấn đề một cách thuyết phục.

Viết theo cách của bạn, nhưng đừng lan man: Hãy tập tư duy, sáng tạo và viết theo cách của mình, văn phong của mình thay vì mặc định bài viết phải đi theo ba-rem của một bài văn mẫu nào đó. Lưu ý phần mở bài bao giờ cũng là điểm có sức hút và tạo ấn tượng đầu tiên cho người chấm, vậy nên hãy đầu tư và phát huy khả năng sáng tạo hết mức.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022