Tại tọa đàm Game Talks chủ đề "Thay đổi góc nhìn cho ngành game tại Việt Nam", các chuyên gia trích dẫn số liệu cho thấy ngành game trong nước đang theo hướng phát triển tích cực. Trong năm ngoái, doanh thu thị trường game Việt Nam đạt 665 triệu USD, theo thống kê của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, tăng gấp 3 lần so với năm 2019.
Trong 5 năm qua, số lượt tải các game do Việt Nam sản xuất cũng tăng từ thứ 15 lên thứ 5 trên toàn thế giới, với 4,2 tỷ lượt tải.
MC (mặc vest) và hai khách mời tại tọa đàm Game Talks, hôm 19/4. Ảnh: chụp màn hình
"Game đã trở thành mũi nhọn của ngành kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam", ông Phạm Văn Thành, Giám đốc VTC Game, một trong hai chuyên gia tại talk chia sẻ. "Tuy nhiên vẫn còn cái nhìn tiêu cực về game. Nhiều người có suy nghĩ chơi điện tử mất thời gian, nhiều em học sinh nghiện game hay có những hành vi bạo lực dựa trên những nội dung trò chơi không được kiểm duyệt".
Ông Thành cho rằng, người trẻ vẫn e ngại, khó khăn trong việc tiếp cận ngành này, khiến việc truyền thông hay đầu tư cho ngành game cũng gặp nhiều trở ngại. Trong thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước cùng các doanh nghiệp chung tay tổ chức những chương trình chuyên nghiệp cho lĩnh vực game, tiêu biểu như Ngày hội Game Việt Nam (Vietnam GameVerse).
"Những chuỗi sự kiện quy mô như vậy chắc chắn sẽ giúp xã hội có nhìn nhận tích cực hơn về game", ông Thành cho biết.
Ông Phạm Văn Thành, Giám đốc VTC Game tại tọa đàm Game Talks. Ảnh: chụp màn hình
Ở góc nhìn của nhà đào tạo, ông David Holloway - Trưởng Chương trình Thiết kế và Lập trình Games tại Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) cho biết những sinh viên của mình thường chia sẻ về việc chơi game, làm việc trong ngành game thường bị gắn liền với hình ảnh gây nghiện, ảnh hưởng đến việc học hành.
"Chúng tôi đã dành thời gian để nói chuyện với sinh viên để giúp các em cân bằng giữa việc chơi game và học văn hóa", ông David nói tại tọa đàm. "Các chương trình học hay phát triển game thường được coi là đơn giản. Nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Đây là những chương trình học mới và rất thú vị".
Ông David Holloway nói rằng các sinh viên ngành thiết kế và lập trình game tại các trường đại học phải rất chăm chỉ, đầu tư thời gian rất nhiều, tính sáng tạo cao, có kiến thức nền tốt và vốn hiểu biết đa dạng. "Nhiều người cho rằng các công ty game chỉ muốn kiếm tiền. Nhưng trên thực tế đã có nhiều game mang tính giáo dục, mang lại niềm vui lành mạnh cho người chơi", ông David Holloway nói tại tọa đàm.
Ông David Holloway cho rằng, khi xã hội có cái nhìn tích cực hơn về game, nhân lực trong ngành sẽ có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển khi làm việc trong nước và quốc tế. BUV – nơi ông David Holloway giảng dạy là một trong những trường tiên phong (từ năm 2018) về đào tạo game. Theo ông chia sẻ, tất cả các cử nhân theo học chương trình này tại BUV đều có cơ hội tham gia vào các dự án sáng tạo phát triển game, dưới sự đánh giá và dẫn dắt của giảng viên và chuyên gia đầu ngành.
Trường cũng đưa mục tiêu tuyển sinh, đào tạo về đồ họa game, nhằm bù đắp khoảng trống về nguồn nhân lực trong lĩnh vực này tại Việt Nam.
Ông David chia sẻ về việc BUV theo đuổi mục tiêu góp phần vào sự phát triển của ngành này, đóng góp nhân lực cho ngành trong nước và quốc tế. Ảnh: chụp màn hình
"Chúng tôi sử dụng giáo trình, phương pháp giảng dạy từ đơn vị đào tạo game hàng đầu tại Anh, tìm kiếm các sinh viên có tố chất, đưa định hướng và đầu tư cụ thể giúp các em trở thành nhà lập trình game vững vàng", ông David Holloway chia sẻ. "Sinh viên tốt nghiệp tại BUV sẽ sở hữu bộ kỹ năng thiết kế, lập trình, quản lý dự án và các kỹ năng mềm. Với bộ kỹ năng này, các em có thể trở thành những nhà thiết kế và lập trình game thành công trong tương lai."
Trong thời gian qua, BUV đã tổ chức nhiều sự kiện, giúp sinh viên tiếp cận và giới thiệu sản phẩm của mình với hơn 50 studio phát triển game tại Việt Nam. Các doanh nghiệp cũng có hợp tác để tuyển dụng sinh viên khi ra trường, giúp tăng cơ hội việc làm. "100% cử nhân có việc làm trong 3 tháng đầu sau khi tốt nghiệp. Nhiều em còn nhận lời mời làm việc trước khi ra trường", ông David nói.
Kết thúc tọa đàm, các chuyên gia cho rằng để ngành game phát triển bền vững tại Việt Nam, công tác đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực cần được thực hiện bài bản từ nhà trường hoặc doanh nghiệp, bởi ngành game tương lai sẽ mang lại cơ hội việc làm cho nhiều bạn trẻ.
Hội An
Game Talks nằm trong chuỗi hoạt động của sự kiện Vietnam GameVerse 2024. Đây là nơi các diễn giả, khách mời, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chia sẻ góc nhìn, quan điểm, dự đoán xu hướng của ngành Game Việt Nam và thế giới trong tương lai.
Vietnam GameVerse 2024 gồm nhiều hoạt động đặc sắc xoay quanh ngành game và cộng đồng game thủ. Các hoạt động bao gồm không gian trưng bày Game Expo và khu vực B2B; đấu trường của các tuyển thủ, streamer và game thủ phong trào Game Arena; Diễn đàn Game Việt Nam - không gian chia sẻ các vấn đề nóng quanh ngành game; Cosplay Contest - cuộc thi hóa trang các nhân vật game nổi tiếng; Vietnam Game Awards - lễ vinh danh những sản phẩm xuất sắc.
Vietnam GameVerse 2024 do Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo VnExpress và Liên minh Game Việt Nam phối hợp tổ chức. Sự kiện dự kiến thu hút 40.000 người tham gia.
Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) đồng hành cùng chương trình Game Talks số 1.