Trường Đại học Y Dược Hải Phòng hôm 9/2 thông báo dừng thu khoản "kinh phí đào tạo" 21 triệu đồng một năm với sinh viên hệ liên thông. Số tiền mà sinh viên phải đóng là 14,3 triệu đồng một năm, thay vì 35,3 triệu đồng.

Trước đó, một số sinh viên hệ liên thông cho biết hồi đầu năm học, trường Đại học Y Dược Hải Phòng công bố mức thu học phí là 24,5 triệu đồng một năm, tăng 10,2 triệu đồng so với học phí năm học 2021-2022. Cuối năm 2022, Chính phủ yêu cầu các cơ sở đào tạo giữ mức thu học phí năm học này bằng năm trước, nhằm hỗ trợ sinh viên, gia đình thu nhập thấp và kiểm soát lạm phát. Đến đầu tháng 2, trường Đại học Y Dược Hải Phòng ra thông báo giảm học phí về mức cũ là 14,3 triệu đồng.

Tuy nhiên, sinh viên bất ngờ vì sau khi giảm học phí, trường dự kiến thu thêm khoản "kinh phí đào tạo" là 21 triệu đồng một năm học. Tổng số tiền họ phải đóng là 35,3 triệu đồng, cao hơn mức học phí mà trường công bố hồi đầu năm học.

z4099428514444-025cb57a2bcabad-8127-1181-1676030874.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RDwtIk_qZdJ1U3IQiOPF2w

Đại học Y Dược Hải Phòng. Ảnh: Lê Tân

Trả lời VnExpress hôm 8/2, GS.TS Phạm Minh Khuê, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược Hải Phòng, khoản kinh phí đào tạo đã có từ nhiều năm nay, áp dụng với sinh viên liên thông ngành Y, Dược và sau đại học với mức thu lần lượt là 21, 23 và 25 triệu đồng một năm. Riêng năm học 2022-2023, theo kế hoạch ban đầu với mức học phí 24,5 triệu đồng, trường Đại học Y Dược Hải Phòng không thu thêm kinh phí đào tạo.

Khi Chính phủ yêu cầu không tăng học phí, trường Đại học Y Dược Hải Phòng quay lại thực hiện tất cả các quy định về khoản phí của năm 2021, trong đó có kinh phí đào tạo. Khoản thu này áp dụng với hơn 100 sinh viên liên thông năm thứ nhất, 1.100 em khác vẫn được giảm học phí. Các khoản thu căn cứ theo Nghị định của Chính phủ và hướng dẫn của Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế.

Mỗi năm, trường Đại học Y Dược Hải Phòng tuyển khoảng 1.900 sinh viên. Trong đó, hơn 1.100 sinh viên theo học hệ chính quy, khoảng 150 sinh viên liên thông chính quy, 520 liên thông vừa học vừa làm, còn lại là học viên sau đại học.

Đầu năm học 2022-2023, nhiều trường đào tạo Y, Dược đã thông báo tăng học phí 30-70% theo Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ về quản lý và mức trần học phí đại học. Khi phải giữ mức thu cũ, nhiều trường nói khó cân đối thu chi, đảm bảo chất lượng do chi phí đào tạo cao, nhưng nguồn thu không tăng.

Hồi tháng 1, ông Khuê nhận định việc không tăng học phí năm 2023 trong khi lương giáo viên, vật tư y tế đều tăng là thách thức lớn với trường. Theo tính toán, đến tháng 7/2023, chênh lệch giữa tổng chi dự kiến và số tiền thực tế của trường là 24 tỷ đồng.

Lê Tân

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022