Trong giờ sinh hoạt lớp cách đây hơn một tuần, Vũ Mạnh Trường, lớp 5A7, từ từ giở mẩu giấy được kẹp trong cuốn vở vừa nhận lại từ cô chủ nhiệm Nguyễn Thanh Tú. Qua những dòng chữ viết tay nắn nót, cô Tú khen Trường đã tiến bộ trong học tập, kể từ khi được chuyển lên bàn đầu. Đọc xong, Trường ngẩng mặt lên nhìn cô giáo rồi nhoẻn miệng cười.
"Con bất ngờ và vui sướng vì được cô khen. Cô bảo mang vở lên để kiểm tra nhưng con thấy cô nhét gì vào trong nên rất thắc mắc", Trường kể lại, cho biết sau đó các bạn nhao lên đòi xem thư.
Trường nói đây là thư cô viết cho riêng mình nên không muốn tiết lộ, trêu các bạn rằng "muốn có thư, phải học giỏi".
Cô Nguyễn Thanh Tú, chủ nhiệm lớp 5A7, trường Tiểu học Hoàn Sơn, Bắc Ninh. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hôm đó, ngoài Trường, 5 bạn khác cũng nhận được thư kẹp trong vở. Quang Hải mở mẩu giấy, vừa đọc vừa tủm tỉm. Thư viết: "Con rất quan tâm đến lớp, là một chàng trai có kỷ luật, chăm chỉ trong việc học. Tiếp tục phát huy nhé. À, con nói to, rõ ràng hơn thì đỉnh hơn đó".
Khánh An thì tì người xuống bàn để bạn bên cạnh không nhìn thấy. Cô Tú viết cho An: "Con đang dần tiến bộ lên rồi. Trong tiết học, con mạnh dạn hơn thì chắc là tuyệt vời lắm đó". Cậu bẽn lẽn giấu thư vào cặp.
Còn Vinh lớp trưởng nhận được lời nhắn: "Cô rất tự hào vì có một lớp trưởng như em. Quản lý và quan tâm đến lớp rất tốt. Trong học tập, con tập trung hơn thì sẽ đẹp trai hơn nữa đó".
Học sinh lớp 5A7 thích thú khi nhận được thư khen của cô Tú. Video: Nguyễn Thanh Tú
Video ghi lại cảm xúc của học trò sau đó được cô Tú chia sẻ trên mạng xã hội, nhận nhiều khen ngợi về sự khéo léo trong phương pháp dạy học.
"Tôi không nghĩ các con sẽ phản ứng thế, chỉ đoán đọc xong cất đi, hoặc chìa luôn cho các bạn xem. Tôi xem lại video nhiều lần và cười theo bọn trẻ", cô Tú, 24 tuổi, nói, cho biết quay video để làm kỷ niệm vì các con sắp chuyển cấp.
Về trường Hoàn Sơn công tác ba năm trước, đây là năm đầu tiên cô Tú được giao chủ nhiệm lớp 5. Nữ giáo viên cảm nhận học trò khá rụt rè nên để tiếp cận và thấu hiểu học sinh, cô thường tham khảo các phương pháp dạy học tích cực. Việc viết thư riêng cho học trò mới được áp dụng gần đây. Tùy theo sự tiến bộ của học sinh, cô sẽ quan sát và chọn ra một nhóm để gửi thư. Nữ giáo viên viết tay vì muốn thể hiện sự chân thật và gần gũi.
"Khen bằng lời học sinh cũng thích nhưng lời thủ thỉ qua thư mới mẻ và hiệu quả hơn", cô Tú cho hay.
Chị Chu Thị Thanh Huệ, mẹ của Trường, kể trước đây con trai đi học về là vứt cặp sách một bên để đi chơi đến giờ ăn tối mới về. Con cũng chưa tự giác học bài. Nhưng từ hôm được khen, Trường có chuyển biến rõ rệt.
"Con thích học hơn, không cần bố mẹ phải nhắc nhở nhiều. Trường rất vui, giữ gìn thư cẩn thận và gặp ai cũng khoe được cô khen", chị Huệ chia sẻ.
Chị Huệ và các phụ huynh trong lớp cảm thấy yên tâm khi cô có phương pháp giáo dục hợp lý. Học sinh đón nhận tích cực và hào hứng. Có hai con học tiểu học và THCS nhưng đây là lần đầu tiên chị cảm thấy cô giáo hiểu tâm lý học sinh và có cách dạy sáng tạo.
"Tôi rất ưng", chị Huệ nói.
Cô Tú và học trò lớp 5A7. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Cô Nguyễn Thị Son, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàn Sơn, nhận xét cô Tú là giáo viên trẻ tích cực học hỏi, sáng tạo. "Cô Tú tham gia đầy đủ các chuyên đề bồi dưỡng dạy học tích cực do trường tổ chức và vận dụng tốt", cô Son nói.
Theo cô Tú, giáo viên ngày nay không chỉ dạy kiến thức trên lớp mà còn là người kết nối, giúp học sinh biết cách phát huy thế mạnh, khắc phục điểm yếu để tự tin hơn. Ngoài viết thư riêng, cô còn nhiều ý tưởng tổ chức lớp học tích cực khác. Chẳng hạn, khi họp phụ huynh đầu năm, cô chiếu video học sinh chia sẻ về công việc của bố mẹ và tình cảm của các con dành cho gia đình. Khi xem video, thấy các con cặm cụi viết thư và nói yêu thương bố mẹ, nhiều phụ huynh xúc động. Các bố mẹ cũng viết thư lại và nhờ cô chuyển cho con.
Trước đó, trong một giờ sinh hoạt lớp, cô hỏi học trò có biết bố mẹ đã vất vả như thế nào để cho mình tới trường, mặc đồng phục đẹp, bàn ghế khang trang không.
"Tôi cho các con xem video về các ngành nghề để rõ hơn tính chất của từng công việc. Nhiều con đã khóc", cô Tú nhớ lại.
Cô Tú cho hay sẽ duy trì viết thư khen ngợi hàng tuần và học hỏi thêm các phương pháp hay từ đồng nghiệp. Nữ giáo viên nhìn nhận trước đây mối quan hệ giữa học sinh và giáo viên có khoảng cách; phụ huynh cũng chỉ biết "trăm sự nhờ cô" nhưng nay các gia đình đồng hành để giáo viên hiểu các em hơn.
"Khi học sinh cảm thấy gần gũi, ấm áp với cô thì việc học tập sẽ dễ dàng và hiệu quả", cô nói.
Bình Minh