Điều này được một số trường công khai trong bảng dữ liệu tuyển sinh chung. Ví dụ: Đại học Michigan coi thư giới thiệu là "quan trọng", Đại học Northwestern đặt thư giới thiệu ở mức "rất quan trọng", trong khi để tiêu chí điểm SAT/ACT ở mức "xem xét".
Bảng dữ liệu tuyển sinh chung của Đại học Michigan cho thấy thư giới thiệu được đánh giá ở mức "quan trọng". Ảnh chụp màn hình
Lý giải, anh Đỗ Đình Thuấn, giáo sư tại Đại học Mount Union, bang Ohio, ví dụ, việc được giới thiệu nhiệt tình trong thư chứng tỏ ứng viên tạo được ấn tượng tích cực và duy trì được mối quan hệ tốt với giáo viên. Nếu đạt được thành tích nổi bật ở trung học, ứng viên được dự đoán có khả năng làm việc tốt với bạn bè và giáo sư ở trường đại học cũng như đóng góp cho trường.
Nhiều trường thường yêu cầu ứng viên có ít nhất hai thư giới thiệu từ giáo viên và counselor (cố vấn).
Sau đây là một số lưu ý của anh Thuấn với ứng viên khi chuẩn bị thư giới thiệu trong hồ sơ ứng tuyển đại học Mỹ:
Chọn người viết thư giới thiệu
Nếu xin thư giới thiệu từ giáo viên, hãy chọn thầy, cô dạy bạn ở môn bạn đạt điểm cao. Người này cần hiểu rõ khả năng, đam mê và sở thích của bạn. Thông thường, bạn sẽ cần gửi ít nhất một lá thư từ giáo viên dạy các môn học chính như Toán giải tích, Khoa học máy tính, Tiếng Anh, Vật lý hoặc Lịch sử.
Bạn cũng nên có thư từ một giáo viên làm việc trong lĩnh vực chuyên môn theo ngành mà bạn dự định học. Ví dụ, nếu đạt điểm A trong môn AP khoa học máy tính và dự định học chuyên ngành này, việc xin thư giới thiệu từ giáo viên môn này sẽ gia tăng sức mạnh cho đơn ứng tuyển của bạn.
Trong trường hợp không có giáo viên thân thiết, hãy chắc chắn người bạn nhờ phải biết rõ về bạn trong những hoạt động cụ thể nào đó. Hãy cân nhắc khi nhờ hiệu trưởng, trưởng bộ môn hay người nổi tiếng viết thư giới thiệu, bởi việc này không quá gây ấn tượng với hội đồng tuyển sinh. Nếu để người đọc thư nghi ngờ về nội dung, thư giới thiệu trở nên vô nghĩa.
Ảnh minh họa: Career
Thư giới thiệu mạnh có gì?
Thư giới thiệu viết về những sinh viên khác nhau nhưng đều có chung một số đặc điểm cơ bản: Phải cho thấy người viết hào hứng và nhiệt tình. Các giáo viên truyền đạt rõ ràng rằng họ ấn tượng với học sinh này và mong muốn giúp em vào đại học.
Người viết cần đánh giá toàn diện con người ứng viên, phù hợp với tiêu chí mà các nhà tuyển sinh tìm kiếm, bày tỏ tin tưởng mạnh mẽ vào thành công của họ trong tương lai.
Ngoài nói về khả năng trí tuệ và thái độ học tập của học sinh, thầy cô cũng nên nhắc đến những phẩm chất cá nhân, cũng như các tính cách đặc biệt khác như sự đồng cảm, tính sáng tạo hoặc kỹ năng lãnh đạo.
Các ví dụ và câu chuyện cụ thể là rất quan trọng để giúp nhân viên tuyển sinh đánh giá học sinh, đồng thời làm cho lá thư thú vị và đáng nhớ hơn.
Ví dụ, người viết không nên nói suông kiểu em này thích tìm hiểu kỹ thuật, giỏi tư duy logic, học toán giỏi... vì đây là những từ ngữ chung chung. Thay vào đó, thầy cô nên mô tả những trường hợp, câu chuyện cụ thể mà ứng viên đã thể hiện được điểm mạnh của mình.
Thư giới thiệu cũng gây ấn tượng nếu ứng viên nếu thầy cô xếp hạng cao hơn các học sinh khác. Ví dụ: Thư có cụm từ "một trong ba học sinh xuất sắc nhất tôi từng dạy trong sự nghiệp của mình" sẽ là sự khẳng định mạnh mẽ từ thầy cô, đặc biệt nếu nó đến từ một giáo viên đã dạy 20 năm ở trường.
Cuối cùng, ngôn từ trong thư phải mạnh mẽ và khéo léo, cho thấy người giới thiệu đã dành thời gian và suy nghĩ để đưa ra một lời đề nghị.
5 thông tin cần chia sẻ cho người giới thiệu
Khi nhờ ai đó viết thư giới thiệu, ứng viên nên chia sẻ với họ ý tưởng và một số thông tin về trường, ngành học định ứng tuyển:
- Danh sách trường ứng tuyển, thứ tự ưu tiên, cách nộp và hạn nộp thư của từng trường ra sao.
- Ngành học sự định ở trường đại học.
- Những điểm mạnh, niềm đam mê, phẩm chất mà bạn muốn thầy cô nêu bật trong thư.
- Những dự án hoặc kỷ niệm đặc biệt trong lớp có ý nghĩa quan trọng với bạn.
- Sơ yếu lý lịch.
Đỗ Đình Thuấn