Hơn một tháng nay, căn nhà 5 tầng của cô Lý (38 tuổi, giáo viên trường THPT Trí Đức, Hà Nội) đông đúc hơn thường lệ. Ngoài chồng, hai con trai và một cựu học sinh (nay đã là sinh viên) ở nhà cô suốt ba năm nay, còn có 12 nam sinh của lớp N7, N8 trường Trí Đức. Những em này đang trong giai đoạn ôn thi cuối cùng trước kỳ thi tốt nghiệp THPT.

"Đây không phải lần đầu tiên học sinh đến ăn ở nhà tôi nhưng là lần đông nhất. Nhiều người thắc mắc sao lại cho học sinh đến ở đông và lâu vậy bởi ai cũng hiểu cuộc sống gia đình sẽ bị đảo lộn. Thế nhưng tôi không nỡ để các con trở về nhà giai đoạn này rồi cắm đầu vào game hay những cuộc vui thâu đêm mà không học", cô Lý nói.

Dẫn lũ trẻ về nhà, chồng và hai con cô không ngạc nhiên. Dường như họ đã quá quen với việc trong nhà có cô cậu học trò nào đó bởi lâu nay cứ trò nào vi phạm kỷ luật, bị trường từ chối cho ở nội trú một thời gian, cô Lý lại đưa về nhà mình chăm sóc. Thậm chí những năm về trước, khi chỉ ở nhà cấp 4, cô cũng cho nhóm học sinh bị trường kỷ luật về nhà ở. Chục con người, cả chồng và con cùng học sinh, nằm xếp hàng dưới sàn nhà mỗi khi đêm đến.

co-dinh-thi-ly-1625311265-7957-1625312824.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5r9Q3GMuc2o_i1lmvrmwow

Cô Lý chuẩn bị bữa trưa cho nhóm 12 học sinh đang ở nhà mình hôm 3/7. Ảnh: Dương Tâm.

Cô Lý công tác tại trường Trí Đức đến nay đã gần 11 năm, nổi tiếng đến mức nhắc tên là học sinh nào cũng biết bởi năm nào cô cũng được ban giám hiệu giao cho chủ nhiệm hai lớp cuối cấp "tợn" nhất trường là 12N7 và 12N8. Ở những lớp này, số học sinh ngoan không nhiều, chủ yếu là những em ngỗ nghịch, nghiện game hay gia đình có hoàn cảnh đặc biệt.

Mọi năm, không bị ảnh hưởng bởi Covid-19, giai đoạn sát kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh vẫn ở nội trú và ôn luyện với thầy cô trong trường. Thế nhưng năm nay trường phải cho học sinh nghỉ hè và về nhà sớm theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. Việc rời trường về nhà với nhiều em đồng nghĩa với việc đi chơi lêu lổng, ngừng học và bỏ mặc kỳ thi quan trọng trước mắt bởi bố mẹ không quản được.

Ngày cuối cùng đến trường, có ba học sinh nằng nặc xin cô Lý cho về nhà ở để học. Dù ngỗ nghịch đến đâu, các em cũng muốn có được tấm bằng tốt nghiệp THPT. Cô dọa "áp dụng nội quy như ở trường", tức không được sử dụng điện thoại, laptop, ngày học ba ca, vậy mà em nào cũng đồng ý.

Rồi sau đó một số phụ huynh gọi điện nhờ cô chăm nuôi con em. Cuối cùng, 12 nam sinh đến từ một số huyện ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh hay Hải Phòng xách valy đến nhà cô ở. Cô Lý dành riêng tầng 3, gồm hai phòng ngủ và một nhà vệ sinh để các em sinh hoạt và học tập chung.

Co-Dinh-Thi-Ly-3-4517-1625312824.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=AhaNOqjBNAew5ahqGQmcjA

Không bàn, không ghế nhưng nhóm học sinh vẫn cảm thấy thoải mái khi ăn ở và học tập trung tại nhà cô chủ nhiệm. Ảnh: Dương Tâm.

Đến lớp học của cô Lý, ban đầu 12 chàng trai hoảng vì độ nghiêm khắc còn hơn ở trường. Hàng ngày, các em thức dậy, ăn sáng lúc 8h và đi ngủ khi đã 1-2h sáng hôm sau bởi phải tham gia ba ca học với sự kèm cặp của thầy cô bộ môn được cô Lý nhờ đến hỗ trợ và sự xuất hiện gần như mọi lúc của cô Lý.

Các em chỉ được sử dụng điện thoại 1,5 tiếng mỗi ngày, từ 17h đến 18h30 để giải trí, gọi cho người thân, bạn bè, sau đó lại đặt ngay ngắn trong phòng ngủ của cô dưới tầng 2. Trong phòng, máy tính bỏ túi được coi là đồ điện tử duy nhất, còn lại chỉ có sách vở, bút và các tờ đề.

"Có đứa than ở trường còn có thứ bảy được xem phim, ở nhà cô đến một buổi xem phim cũng không có. Có đứa từng nửa đêm mò xuống phòng cô lấy điện thoại dùng trộm rồi bị cả cô lẫn bạn bè nói. Thế nhưng khi tôi dọa trả về nhà cho xem thoải mái, không đứa nào muốn về", cô Lý nói.

Đổi lại với việc phải học cả ngày, nhóm học sinh ở nhà cô không phải làm bất kỳ việc gì từ nấu ăn đến giặt giũ, bữa nào bữa nấy đều rau thịt đầy đủ. Tất cả do cô Lý phụ trách. Dần dần, các em tập trung học hơn. Nhóm cũng có một số em học tốt, hỗ trợ các bạn. Đến nay, cậu học trò mà một tháng trước cô Lý vẫn phải lo "có thể trượt tốt nghiệp" cũng đã tiến bộ đáng kể.

Cô Lý bảo bản thân tự thấy sự quản lý của mình là nghiêm khắc. Thế nhưng cô quá hiểu học trò để áp dụng biện pháp "rắn" như vậy. Mỗi khi vào nhận lớp, cô đều tìm hiểu kỹ tâm lý từng em, hoàn cảnh gia đình và lắng nghe chia sẻ của phụ huynh. Em nào nghiện game, thường đi chơi đến 1-2h sáng khi ở nhà, em nào đang yêu đương, cô đều nắm được hết.

Biết học sinh ngỗ nghịch, cô phải "cứng rắn" ngay từ đầu nhưng không phải lúc nào cũng vậy. "Có lúc rắn có lúc phải mềm, tùy từng trường hợp để xử lý thì các con mới phục. Không phải ngẫu nhiên, các con sợ tôi nhưng vẫn yêu mến, ôm vai bá cổ rồi gọi tôi bằng U", cô Lý chia sẻ.

Tuấn Minh, học sinh trong nhóm ở nhà cô Lý, bảo "không muốn về" vì học với "U" và các bạn vừa vui, vừa hiệu quả. Có lực học tốt, thậm chí có cả chứng chỉ IELTS 6.5, Minh tự nhận sẽ lại sa vào game nếu trở về nhà. Em được gia đình gửi tới trường Trí Đức sau hai năm lớp 10 và 11 mê game, học hành sa sút.

"Ulya (chỉ cô Lý) ốp rất ghê, xứng danh giáo viên gắt nhất trường. Thế nên em rời được game để vào guồng học tập tốt hơn. Giờ về nhà, không có các bạn học cùng, em sẽ chán mà lại mê game mất", Minh nói. Nam sinh gọi cô Lý là "Ulya" vì ở trường các bạn cũng gọi như vậy, tức "U Lý à".

Co-Dinh-Thi-Ly-2-6315-1625312824.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zf76ZAgemNQKqPGJnAzO2Q

Học sinh chụp ảnh cùng "U Lý" trong những ngày cuối cùng ở đây. Ảnh: Dương Tâm.

Đã duy trì lớp học được một tháng rưỡi, nhưng cô Lý chưa tính toán hay thu bất kỳ chi phí gì, phần vì gia đình học sinh nhờ, phần vì các em mong muốn và cũng phần vì bản thân cô không muốn em nào phải trượt tốt nghiệp hay không vào được trường đại học mong muốn.

"Có thể sau kỳ thi, phụ huynh hỗ trợ kinh phí tùy tâm, nhưng tôi không đặt nặng vấn đề. Ở thời điểm này, tôi chỉ mong các con đạt kết quả tốt trong kỳ thi tới. Tôi đã chứng kiến nhiều con thay đổi tích cực, suy nghĩ khác về bản thân sau kỳ thi này. Các con vẫn nhớ đến tôi, vẫn đến chật kín nhà thăm cô mỗi dịp lễ Tết. Đó mới là động lực để tôi giúp đỡ các con", cô Lý nói.

Chỉ còn ba ngày nữa là học sinh bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, sáng nay cô Lý đã đến cửa hàng văn phòng phẩm, mua cho mỗi em một bộ dụng cụ học tập bao gồm bút, thước, tẩy, compa... để đem đi thi. Lớp học ở nhà cô Lý sẽ duy trì đến hết thứ hai. Sau đó, cô sẽ gọi phụ huynh tới đón, cho các em nghỉ ngơi một ngày trước khi bước vào kỳ thi chính thức ngày 7-8/7.

Dương Tâm

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022