Chu Phương (SN 1992) sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông thôn nghèo ở Từ Châu, tỉnh Giang Châu (Trung Quốc). Sau khi sinh cô, sức khỏe mẹ cô giảm sút nên Chu Phương chủ yếu được ông bà ngoại nuôi nấng. Khi cô 3 tuổi, không vượt qua được bạo bệnh, mẹ cô đã qua đời. Không chịu được cú sốc lớn nên bố cô bỏ nhà đi, bỏ lại con gái cho ông bà. Hoàn cảnh éo le là vậy nhưng Chu Phương luôn thấy may mắn vì vẫn còn ông bà – những người dành tất cả tình yêu thương cho cô.
Ông bà cô không đọc sách và họ để cô phát triển theo cách tự nhiên. Những bài học mà họ dạy cô đều từ thực tiễn cuộc sống, diễn ra ngay trên cánh đồng hay bên dòng sông hiền hòa. Tuổi thơ cô trôi qua êm đẹp với vô vàn trò thú vị như: Bắt châu chấu, nghịch đất, câu cá, bắt tôm,… Vì thế nên hồi nhỏ, Chu Phương có làn da rám nắng, sức khỏe dẻo dai.
Chân dung Chu Phương - cô gái có nghị lực phi thường
Từ nhỏ đã có tinh thần ham học hỏi, quyết không đầu hàng số phận hẩm hiu
Từ nhỏ, Chu Phương đã tỏ ra hứng thú với việc học. Mỗi lần thấy đứa trẻ khác đọc sách thiếu nhi, được cha mẹ dạy tập đếm, tập đọc, cô đều đứng từ xa quan sát và ghen tỵ. Chu Phương không ghen tỵ vì đứa trẻ khác có cha mẹ đủ đầy mà muốn được đọc những cuốn sách thú vị kia.
Lên 6 tuổi, Chu Phương mới đi học mẫu giáo. Do cá tính mạnh mẽ nên cô thường gây rối ở lớp, bắt nạt bạn học, không tập trung học. Đến khi học lớp 1, lớp 2, cô vẫn khó tiếp thu bài giảng, học chậm hơn so với các bạn, điểm số luôn lẹt đẹt xếp cuối lớp.
Thấy cháu gái như vậy, bà ngoại đã nghĩ ra một cách rất hay để giúp cô tiến bộ. Bà chưa bao giờ đọc sách, ngay cả việc cầm sách cũng cầm ngược. Vì thế, bà đã nhờ cô truyền đạt lại kiến thức đã học ở trường. Ngoài ra, bà còn tìm những bạn có thành tích học tốt, mời đến nhà dạy cho cô. Nhờ sự kiên trì của bà cùng nỗ lực không ngừng của Chu Phương, đến năm lớp 3, điểm số của cô dẫn đầu lớp, thậm chí nhiều khi đứng đầu trường.
Nhờ chăm chỉ học tập nên từ nhỏ, Chu Phương (bên trái) đã có thành tích xuất sắc.
Mỗi ngày, ông bà ngoại cho Chu Phương 50 xu tiêu vặt. Cô không tiêu mà tích cóp mua sách. Dãy hàng sách trước cổng trường là kho báu đối với cô lúc đó. Cứ với 10 xu, cô sẽ mua được một cuốn Olympic Toán học hoặc sách Văn học, tài liệu ngoại khóa,… Giờ nghĩ lại, cô phát hiện ra những cuốn sách có giá rẻ đó đều là bản in lậu. Nhưng Chu Phương biết ơn vì nhờ thế, cô mới có đủ tiền để mua.
Chu Phương tâm sự: "Tôi từng cảm thấy mình là người không có gì, trải qua mất mát lớn khi không có cả mẹ lẫn cha. Nhưng chính việc đọc sách đã giúp tôi như bước vào một thế giới mới. Đó là thế giới của tri thức khiến tôi quên đi buồn phiền. Không có cha mẹ nhưng tôi vẫn được nuôi dạy cẩn thận từ ông bà ngoại và có thành tích học tập nổi bật".
Nhờ đọc rất nhiều sách nên Chu Phương có kiến thức sâu rộng. Dù cô chỉ học bậc Tiểu học ở một ngôi trường làng nhưng vẫn nhận được lời mời tham gia cuộc thi Olympic Toán học hay sáng tác Văn học,… Mỗi lần như vậy, cô đều hăng hái tham gia và giành được giải thưởng lớn.
Đến khi lên bậc THCS, Chu Phương vẫn giữ vững thành tích. Nhà trường còn trao học bổng miễn học phí và nhiều khoản phí khác. Nhưng chi phí sinh hoạt cho cô lên thành phố học cấp 2 không phải là khoản nhỏ. Người thân trong gia đình đều khuyên ông bà cho cô nghỉ học, đi làm phụ giúp. Nhưng ông bà ngoại cương quyết để cô lên thành phố học tập.
Khó khăn chồng chất khó khăn, cô gái từng buông xuôi và phó mặc số phận
Trước khai giảng chính thức bước vào bậc THCS, Chu Phương cảm thấy chóng mặt, mệt mỏi. Cô đi bệnh viện kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán cô bị thiếu máu. Bác sĩ cũng thấy mắt cô lồi hơn so với bình thường và yêu cầu phẫu thuật sớm nếu không sẽ ảnh hưởng đến chức năng của thị giác. Còn về tình trạng thiếu máu, cô cần về nhà ăn uống đầy đủ, chú ý nghỉ ngơi.
Thế nhưng, Chu Phương từ chối làm phẫu thuật vì biết gia đình không đủ chi trả. Để nuôi cô ăn học, ông của cô dù ngoài 60 tuổi nhưng ngày nào cũng phải ra công trường khuân vác đá. Ông về nhà luôn trong tình trạng mồ hôi nhễ nhại, đế giày của ông mòn dẹt như tờ giấy. Còn bà ngoại cô thì ngoài công việc đồng áng còn phải đi nhặt phế liệu để dành từng đồng gửi cho cô. Bữa cơm hàng ngày của ông bà chỉ có dưa muối.
Trong 3 năm THCS, Chu Phương vẫn xuất hiện những triệu chứng của bệnh thiếu máu. Thế nhưng, cô luôn giữ vững thành tích học tập. Đến khi thi vào cấp 3, với số điểm vượt ngưỡng hơn 60 điểm, cô được nhận vào lớp thực nghiệm của trường, đứng thứ 2 toàn thành phố.
Chu Phương bên ông bà ngoại.
Về sau, bệnh thiếu máu của Chu Phương càng nghiêm trọng. Cô chóng mặt nhiều hơn. Có lần đến kỳ kinh nguyệt, cô đau đầu và ngất xỉu giữa đường. May mắn cô được mọi người xung quanh hỗ trợ. Một triệu chứng khác của bệnh thiếu máu nữa là cô bị mất tập trung, hay ngủ gật trong lớp. Thi thoảng, giáo viên còn ném viên phấn vào người cô để đánh thức.
Sự khó chịu về thể chất cũng mang lại một số vấn đề tâm lý. Chu Phương thường suy nghĩ tiêu cực, luôn sống trong buồn phiền. Cô biết bệnh của mình nghiêm trọng nhưng không đi viện chữa trị vì không có tiền. Cô cũng không dám nói với ông bà vì sợ họ lo lắng. Dần dần, Chu Phương bỏ cuộc, không muốn học tập nữa. Cô suy nghĩ rằng, dù có đỗ đại học cũng không có tiền đóng học, không có tiền xin việc sau khi ra trường.
Cứ thế, Chu Phương mất đi ý chí học tập, buông xuôi bản thân, cả ngày chỉ nằm ngủ. Điểm số của cô tụt dốc không phanh. Đến kỳ thi đại học, cô cũng không ôn luyện, hoàn toàn phó mặc số phận. Kết quả là Chu Phương trượt đại học. Một học sinh giỏi từng nhận được nhiều lời khen đã bỏ lỡ thời điểm quan trọng nhất trong cuộc đời. Chu Phương cảm thấy hối hận, cô nhốt mình trong phòng và khóc. Gần nửa tháng, cô không ra khỏi phòng, trốn tránh mọi người.
Nhiều người khuyên cô nên dành một năm ôn luyện lại nhưng Chu Phương không muốn. Cô biết tình trạng sức khỏe bản thân và không muốn bỏ ra thời gian, công sức, tiền bạc một lần nữa. "Tôi thấy mình dại dột, tại sao tôi phải làm lại một lần nữa, trong khi người khác chỉ làm một lần", Chu Phương chia sẻ.
Chu Phương học tập miệt mài.
Cơ hội học tập đến một lần nữa
Không học đại học, Chu Phương bắt đầu đi làm và đăng ký tham gia tình nguyện. Nhờ đó, cô biết đến chuyên ngành Y khoa của một trường cao đẳng cấp học bổng cho sinh viên. Thấy cơ hội tốt xuất hiện, lần này Chu Phương quyết không để cơ hội vuột mất. Sau khi vào học, Chu Phương đặt ra cho bản thân mục tiêu đặt học tập và chăm sóc sức khỏe. Ngoài học tập, cô cũng đi phát tờ rơi để trang trải phí sinh hoạt.
Sau khi tìm hiểu một số kiến thức Y học, cô biết cách tự điều trị bệnh thiếu máu của mình. Cô bắt đầu uống thuốc đều đặn, ăn uống đầy đủ nên sức khỏe cải thiện rõ rệt. Kỳ học cuối, Chu Phương đến bệnh viện thực tập. Do nguồn lực hạn chế của nhà trường nên cô không được sắp xếp đến bệnh viện lớn. Cô không còn nghĩ đến việc một ngày nào đó đứng trên đỉnh cao hư vinh để chứng tỏ bản thân mà chỉ muốn trau dồi chuyên môn để giúp đỡ người bệnh, cũng giống như một lần giúp đỡ chính mình.
Chu Phương nhận ra ý nghĩa thật sự của ngành Y là chữa bệnh cứu người. Nhờ đó, niềm khao khát đón nhận tri thức trong cô bùng cháy, cô đã nỗ lực học hỏi không ngừng. Đồng thời, cô học lên cao để trở thành một bác sĩ có tay nghề giỏi, được bệnh nhân tin tưởng. Cô mất 2 năm nâng cấp từ hệ cao đẳng lên đại học và học phí sẽ được tính riêng. Để có tiền trang trải, cô chọn cách vừa học vừa làm.
Cô chọn bệnh viện Ung thư Từ Châu để tham gia khóa đào tiêu chuẩn của bác sĩ đa khoa. Trong thời gian này, cô nhận ra với tư cách là bác sĩ phẫu thuật, cô phải chữa trị đôi mắt cho mình. Sau khi để dành tiền lương, Chu Phương quyết định tiến hành phẫu thuật. Nếu không sớm điều trị, mắt cô có thể bị tật và giảm thị lực.
Sau khi kết thúc ca mổ, 2 mắt của cô được băng kín, y tá phải thay cô dùng điện thoại để liên lạc với gia đình. Dù phẫu thuật nhưng mắt cô cũng giảm thị lực, cô sẽ không được trở thành bác sĩ phẫu thuật như ước mơ vì an toàn y tế. Chu Phương oán trách số phận, lại một lần nữa rơi vào trạng thái bi quan.
Sau đó, cô lấy lại tinh thần và rẽ hướng học nội khoa, huyết học. Chu Phương chăm chỉ ôn thi đại học, tự nhủ rằng đã đến lúc quay lại nơi thuộc về bản thân cô. Cô nhất định không được để trượt đại học một lần nữa. Bên cạnh học tập, cô vẫn hỗ trợ những ca cấp cứu ở viện. Chu Phương thường làm việc đến 11, 12 giờ đêm. Sau khi về nhà, cô lại tiếp tục đọc sách đến 2 giờ sáng. Tuy rất mệt mỏi nhưng cô luôn tự nhủ bản thân tuyệt đối không được bỏ cuộc.
Cuối cùng trong kỳ thi đại học sơ tuyển toàn quốc năm 2017, điểm số của Chu Phương vượt qua điểm chuẩn của khoa Y thuộc Đại học Đông Nam. Ở các vòng thi sau, cô cũng hoàn thành xuất sắc. Cuối cùng, Chu Phương đã trúng tuyển vào Đại học Đông Nam. Cô đã vỡ òa trong hạnh phúc tột cùng. Người đầu tiên cô thông báo là ông bà ngoại của mình. Ông bà cũng rất vui và tự hào vì cô. Điều này càng tiếp thêm động lực để cô tiếp tục chinh phục ước mơ.
Sau khi vào Đại học Đông Nam, Chu Phương gặp được những giảng viên tâm huyết, nhiệt tình. Họ giúp cô làm nghiên cứu khoa học và đặt ra định hướng tương lai. Cô càng vững tin tiến về phía trước. Dưới sự hỗ trợ của các giảng viên, cô nhanh chóng được xuất bản bài báo SCI đầu tiên, nhận bằng sáng chế cấp quốc gia, rồi đến bài báo thứ hai, thứ ba,… được công bố. Trong thời gian làm nghiên cứu sinh, cô cũng giành được học bổng quốc gia, tốt nghiệp chương trình Thạc sĩ xuất sắc và giành nhiều thành tích khác.
Chu Phương trong thời gian làm nghiên cứu sinh.
Trở thành sinh viên trường đại học danh giá nhất thế giới
Sau khi kết thúc chương trình Thạc sĩ, Chu Phương quyết định đăng ký chương trình liên kết đào tạo Tiến sĩ ở trường Đại học Harvard. Để vượt qua vòng sơ tuyển, cô còn viết thư gửi đến Mayo Clinic – tập đoàn Y khoa tốt nhất thế giới để trau dồi cách phỏng vấn bằng tiếng Anh, nâng cao kỹ năng để chinh phục Đại học Harvard.
Trong hơn 1 tháng, cô liên tục tham gia nhiều cuộc phỏng vấn khác nhau vào lúc nửa đêm (do múi giờ ở Trung Quốc và Mỹ chênh nhau 12 tiếng). Cuối cùng, cô cũng được nhận vào ngôi trường đại học danh giá bậc nhất thế giới.
Chu Phương cùng các nghiên cứu sinh tại Đại học Harvard.
Sang Mỹ học tập đồng nghĩa với việc mở ra cho Chu Phương nhiều cơ hội mới. Nhưng cô cũng rất lo lắng cho ông bà bởi họ đã già. Cô tự trách mình ích kỷ rồi lại hỏi bản thân điều gì là quan trọng nhất trong cuộc đời. Nhưng cuối cùng Chu Phương nhận ra chỉ bằng cách nỗ lực học tập, có công việc tốt mới có thể giúp ông bà cải thiện cuộc sống.
Khi đến Mỹ, cô tiếp tục tham gia sâu vào nghiên cứu khoa học. Ở tuổi 30, Chu Phương vẫn say sưa tận hưởng quá trình học tập giống như một đứa trẻ háo hức đến trường. Cô nghiên cứu về cách điều trị bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính cùng nhiều căn bệnh khác. Ngoài dành thời gian cho công việc, Chu Phương cũng sắp xếp đi tập thể thao và gặp gỡ các bạn. Chu Phương thấy mình đang sống một cuộc đời đáng sống.
Để có được thành quả như ngày hôm nay, Chu Phương biết ơn ông bà ngoại đã hy sinh rất nhiều để nuôi dạy cô khôn lớn. Ông bà cô chẳng có phương pháp giáo dục khoa học nào nhưng đã thành công đào tạo cô từ một đứa trẻ nghèo khó đến trở thành thực tập sinh chương trình Tiến sĩ tại Đại học Harvard. Họ đã chắp cánh ước mơ, giúp cô có một tương lai rạng ngời.