Chiều 18/7 thấy ảnh và tên mình hiện lên màn hình kèm biểu tượng huy chương vàng tại lễ công bố kết quả cuộc thi Olympic Hóa học quốc tế 2022 (IChO) ở Đại học Sư phạm Hà Nội, Trần Đức Minh, lớp 12 trường THPT chuyên Biên Hòa, Hà Nam, quay sang ôm lấy đồng đội rồi chạy đi tìm người nhà. Trông thấy mẹ, Minh khựng lại, hai mẹ con không nói gì, chỉ nhìn nhau khóc. Mẹ em mới từ TP HCM ra để cùng ông nội Minh lên Hà Nội động viên con. Mỗi năm, Minh gặp bố mẹ một lần vào dịp Tết.

Minh sinh ra trong gia đình có hai anh em ở huyện Bình Lục. Năm Minh hai tuổi, bố mẹ gửi em cho ông bà để vào Nam lập nghiệp. Tuổi thơ của Minh lớn lên trong tình yêu thương và chăm sóc của ông bà. Bà là người chăm lo sức khỏe, miếng ăn, giấc ngủ, còn ông phụ trách về tinh thần và học hành cho Minh.

"Ông, bà đều có ảnh hưởng lớn, như người cha, người mẹ thứ hai của em", Minh chia sẻ.

5-2122-1658525072.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=_rxvcnVOBgBi986nOx1YPQ

Minh nhận hoa chúc mừng của các thầy cô sau khi giành huy chương vàng Olympic Hóa quốc tế 2022 hôm 18/7. Ảnh: Bình Minh

Minh được bà dạy nấu ăn và trở thành đầu bếp chính của cả nhà từ năm cấp hai. Em nấu được nhiều món ngon, trong đó có thịt kho tàu và thịt rang cháy cạnh học từ bà. Minh cho hay, thịt kho tàu khó nhất ở công đoạn thắng nước hàng. Nước hàng phải được thắng vừa lửa, có màu nâu cánh gián rồi đổ thịt vào xào cho xăn lại mới cho hành khô. Trước khi đổ ra đĩa, em thích cho thật nhiều hành lá vào đảo đều cho dậy mùi.

Minh hay lên mạng học cách chế biến nhiều món khác nhau để thỏa mãn đam mê ẩm thực. Bí quyết các món Minh nấu nằm ở các loại gia vị như hành, tỏi.

Nam sinh cho hay, ngày nhỏ lười học thường bị ông nhắc nhở. Nhưng càng lớn, Minh sợ ông bà buồn còn hơn cả bị mắng.

"Chỉ cần thấy ông, bà bỗng buồn chuyện gì đó là em thấy lo và buồn theo. Người già thường hay suy nghĩ", Minh tâm sự.

Thương ông bà, Minh tập trung học, chỉ muốn xong nhanh để đi làm báo hiếu. Đỗ vào THPT chuyên Biên Hòa, Minh ban đầu định theo học Lý nhưng sau đó bén duyên với Hóa. Em thích Hóa học, một phần vì các thí nghiệm, một phần vì môn học này hiện diện trong mọi mặt của cuộc sống. Minh đọc nhiều sách để nắm vững lý thuyết trước khi giải bài tập.

Theo Minh, Hóa là môn khoa học thực nghiệm nên không thể học một cách máy móc mà phải linh hoạt và luôn tiếp thu những cái mới. Nam sinh không đặt ra mục tiêu nhất định về số giờ hay số bài phải giải được mỗi ngày, thường sẽ học đến lúc nào chán mới thôi. Nhiều lần gặp bài khó, Minh trăn trở vài hôm; cũng có lúc khó quá phải đi hỏi.

"Nhưng giải được thì rất thỏa mãn và vui", Minh cho hay.

Trường cách xa 20 km, em chỉ có thể về thăm nhà vào mỗi cuối tuần. Xa nhà, không có người thân kèm cặp, Minh nghĩ tới ông bà để luôn giữ được quyết tâm học tập. Em cho hay, chọn con đường học đội tuyển đồng nghĩa các môn khác bị lệch. Nếu không đạt thành tích cao ở môn Hóa, khi quay lại em sẽ đuối hơn các bạn và cánh cửa đại học cũng hẹp lại.

"Đâm lao phải theo lao, em phải thực sự quyết tâm và theo đến cùng", Minh chia sẻ.

Hai tháng lên Hà Nội ôn thi, em được sống trong sự quan tâm của thầy cô, sự đùm bọc của các thành viên khác trong đội. Bố mẹ ở TP HCM và ông bà ở quê cũng thường xuyên gọi điện hỏi thăm, động viên Minh yên tâm học tập. Ông bà không biết dùng điện thoại thông minh nên chỉ có thể nghe mà không thấy hình cháu.

"Ông bà chỉ lo em ốm", Minh kể.

IChO là cuộc thi quốc tế đầu tiên Minh tham gia. Năm lớp 11, Minh từng thi học sinh giỏi quốc gia môn Hóa.

Cô Nguyễn Thị Thu Hà, giảng viên khoa Hóa, Đại học Sư phạm Hà Nội, là một trong những thầy cô hướng dẫn đội tuyển Hóa năm nay. Đồng hành với bốn học sinh suốt hai tháng, cô Hà hiểu rõ hoàn cảnh của từng em.

"Trường hợp của Minh là câu chuyện cổ tích thực sự. Em xa bố mẹ từ nhỏ và lớn lên cùng ông bà. Sự quyết tâm và nghị lực của Minh khiến tôi xúc động", cô Hà nói.

Cô Hà nhận xét, Minh luôn là cây hài của nhóm, hay trêu đùa các bạn. Minh cũng tình cảm, thông minh và nhạy bén với các vấn đề mới. Theo cô Hà, điểm chung của bốn học sinh năm nay, ngoài sự thông minh, vững kiến thức, là sự vô tư và ham học hỏi. Sự hồn nhiên trong quá trình học, say mê với những vấn đề hóa học giúp các em giảm áp lực lớn trước cuộc thi.

6-4954-1658525072.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=eBu2owP5lmTVGQclbau5Zw

Minh (ngoài cùng bên phải, hàng đầu) cùng các thầy cô trong buổi công bố kết quả cuộc thi Olympic Hóa quốc tế 2022 tại Đại học Sư phạm Hà Nội hôm 18/7. Ảnh: Bình Minh

Trước cuộc thi vài tháng, ban tổ chức gửi bài tập chuẩn bị giới hạn nội dung ôn tập. Lúc nhận được đề, Minh sốc vì có vẻ khó nhưng sau nhận ra mọi vấn đề đều có logic và không khó như mình nghĩ.

"Đề khó nhưng hay, đề cập đến vấn đề thời sự như xét nghiệm nhanh Covid, loại bỏ CO2 trong không khí...", Minh nhớ về ngày thi 13/7.

Đề thi có 9 câu, làm trong năm tiếng và không có phần thực hành như mọi năm. Câu 3 về CO2 chiếm nhiều điểm nhất, 16 điểm, khiến Minh tốn thời gian tìm lời giải. Minh áp dụng chiến thuật làm bài "dễ trước khó sau", nên trước khi hết giờ,. em vẫn kịp soát bài và sửa lại bài sai.

"Làm xong, em cũng có chút hy vọng nhưng thấy tên mình ở hạng mục huy chương vàng, em vẫn bất ngờ", Minh nói.

Trở về nhà sau hai tháng đi xa, Minh được bà khen béo lên, còn ông hài lòng với kết quả đạt được. Vài hôm tới, Minh và em gái sẽ cùng mẹ vào TP HCM nghỉ ngơi trước khi đi học đại học. Em sẽ làm hồ sơ xét tuyển thẳng vào khoa Hóa của Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Mục tiêu sắp tới của em là giành học bổng du học và học tiếng Anh để hoàn thiện các chứng chỉ. Em muốn làm nghiên cứu và sau này có thể dạy học.

"Một người thầy từng nói với em: 'Nghiên cứu ra thứ gì đó chỉ khiến một mình mình vui nhưng mang kiến thức đến với mọi người sẽ lan tỏa niềm vui tới người khác. Em cũng muốn chia sẻ kiến thức và giúp đỡ người khác", Minh cho hay.

Bình Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022