Vào ngày 16/11 vừa qua, Hàn Quốc đã tổ chức Kỳ thi năng lực học thuật đại học (CSAT) hay còn gọi là Suneung trên toàn quốc. Suneung vốn là kỳ thi nổi tiếng về độ khó và dài đến mức năm nay, Bộ Giáo dục đã phải cắt bỏ bớt các câu hỏi siêu khó để giảm áp lực lên học sinh. Thế nhưng đề thi Suneung vẫn bị nhận xét là quá khó. Mới đây nhất, tiếp tục có một câu hỏi trong đề tiếng Anh bị lôi ra "mổ xẻ" và gây ra nhiều ồn ào vì có mức độ khó quá cao đến mức thầy cô và người bản xứ cũng chưa chắc giải được.

photo-2-17019460814451374122861.jpg

Học sinh Hàn Quốc thi CSAT

Suneung thường được coi là kỳ thi quan trọng nhất trong cuộc đời của một người Hàn Quốc vì nó quyết định khá nhiều đến định hướng tương lai của họ. Vì vậy, khi có câu hỏi khiến phần lớn học sinh dự thi không thể trả lời chính xác thì sẽ gây ra bất bình. Theo Bộ Giáo dục, từ ngày 16/11 đến ngày 20/11, có tổng cộng 288 phản đối đã được đưa ra đối với các câu hỏi của đề thi Suneung năm nay. Và câu hỏi bị khiếu nại nhiều nhất là câu hỏi số 33 của môn tiếng Anh với 13 đơn khiếu nại trong vòng 5 ngày.

Cụ thể, câu hỏi 33 là một dạng bài đọc hiểu, trong đó thí sinh phải điền một câu chưa hoàn chỉnh trong đoạn văn qua sự đọc hiểu của họ về ngữ cảnh của đoạn văn. Có 5 lựa chọn dưới dạng trắc nghiệm. Bài đọc hiểu nói về một thí nghiệm tâm lý học với nội dung khá dài nhưng chỉ được tính 1 điểm.

photo-1-170194607993590651870.jpg

Câu hỏi số 33 kiểm tra khả năng đọc hiểu đoạn văn học thuật về tâm lý học

Tạm dịch:

Đã có một số nghiên cứu tâm lý học trong đó các đối tượng được cho xem ảnh gương mặt người và được yêu cầu đoán rồi chứng minh cảm xúc hoặc suy nghĩ của họ. Kết quả thu được vô cùng đa dạng. Vào thế kỷ 17, họa sĩ và nhà lý luận người Pháp Charles Le Brun đã vẽ một loạt tranh mô tả lại các cảm xúc của con người. Điểm đáng chú ý là ____________. Điều còn thiếu trong tất cả các thí nghiệm là không có gì để xác định cảm xúc cụ thể của một người. Chúng ta cần phải biết một người là ai, những người khác là ai, mối quan hệ giữa họ là gì, hoàn cảnh lúc đó ra sao và những thông tin tương tự. Trong đời sống thật và trong những bức tranh, chúng ta không chỉ nhìn thấy những gương mặt; chúng ta gặp gỡ người khác trong tình huống cụ thể và việc hiểu về một người như thế nào không thể chỉ được xác định qua mỗi hoàn cảnh xã hội và điều kiện của họ, của chúng ta, những người đang sống và hít thở và có căn tính riêng của mình.

1. tất cả đều có thể phù hợp tương ứng với cảm xúc đã định trước của người đoán

2. tất cả mọi người đều đã được minh họa dưới độ chính xác cao của các bức ảnh

3. mỗi người chắc chắn đều được minh họa dưới góc nhìn xã hội của riêng mình

4. hầu hết mọi người đều được cho là tượng trưng cho những phẩm chất khác nhau

5. một số có thể thay thế cho người khác mà không tạo ra vấn đề gì

Khi câu hỏi được đăng lên diễn đàn Reddit, hầu hết người dùng, bao gồm nhiều người là người nói tiếng Anh như ngôn ngữ mẹ đẻ đều chỉ trích vì những câu văn quá mơ hồ và phức tạp. Một cư dân mạng còn chỉ ra rằng những đoạn như thế này được trích từ các bài tiểu luận hoặc sách mang tính học thuật mà ngay cả người bản xứ cũng chỉ học ở trường đại học trở lên. Mong đợi học sinh trung học ở Hàn Quốc hiểu được ý nghĩa của chúng khi ngồi trong phòng thi là không thực tế.

Ngoài câu hỏi cụ thể này, bài thi tiếng Anh còn nhận được thêm 41 đơn khiếu nại khác. Môn tiếng Hàn nhận 69 đơn, nghiên cứu xã hội có 67 đơn và 62 đơn khiếu nại về môn nghiên cứu khoa học. Mặc dù so với 663 khiếu nại của năm ngoái, đề thi CSAT năm nay có ít vấn đề hơn nhưng các khiếu nại vẫn được Viện Chương trình giảng dạy và Đánh giá Hàn Quốc xem xét trước khi kết quả được công bố.

Nguồn: Koreaboo

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022