Chu Văn Nam, 20 tuổi, quê ở Thạch Thất, Hà Nội đang học nghề Ứng dụng phần mềm tại khoa Công nghệ thông tin, trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội.
Nhiều năm nay, bố của Nam xử lý nguyên liệu sắt thép cho các công trình, mẹ đánh giấy ráp tại xưởng đồ gỗ. Tuy nhiên, công việc lúc có lúc không nên thu nhập hàng tháng của bố mẹ Nam cộng lại chưa đến 10 triệu đồng. Được tiếp xúc với máy tính năm lớp 3, Nam nuôi ước mơ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin để đổi đời, được làm việc trong môi trường hiện đại.
Mùa thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Nam đạt 24 điểm khối A00 (Toán, Lý, Hóa), đủ điểm trúng tuyển nhiều đại học. Mừng vì sắp được học tập và trải nghiệm môi trường đại học ao ước, nhưng Nam cũng ngay lập tức hiểu gia đình không thể lo nổi khoản học phí, sinh hoạt phí cho bốn năm tới. Đứng giữa lằn ranh đam mê và áp lực kinh tế của gia đình, Nam từ bỏ cơ hội vào đại học, theo đuổi đam mê công nghệ thông tin bằng cách học nghề.
"Khi đó mình không biết lập trình, code, HTML, CSS là gì, chỉ nghĩ đơn giản học nghề này sẽ có thu nhập tốt và không cần dùng nhiều sức như các nghề cơ khí, kỹ thuật", Nam chia sẻ.
Nam tham dự lễ vinh danh các sinh viên giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu xuất sắc nhất năm 2022, tháng 10/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Mẹ Nam sau đó vay mượn thêm họ hàng để đưa con trai 7 triệu đồng học phí kỳ học đầu tiên, cùng một khoản nhỏ để chi tiêu. Nam ở ký túc xá, quyết tâm tốt nghiệp và đi làm sớm.
Dù vậy, môi trường học đòi hỏi tính tự lập cao cùng nhiều kiến thức lập trình mới mẻ khác với tưởng tượng của Nam. Vốn mắc bệnh tiêu hóa, lại sao nhãng việc học trong thời gian đầu, em sụt 2-3 kg vì ăn uống tạm bợ và thức đêm để ôn thi cấp tốc. Để cải thiện, Nam tập trung nghe giảng, dành thêm 2-3 tiếng mỗi tối để tham khảo các bài giảng trên mạng về lập trình. Dần dần, Nam bắt nhịp được với việc học. Theo nam sinh, vì được tiếp xúc và trau dồi kỹ năng thông qua vận hành các chương trình thực tế từ sớm, em có thêm kiến thức chuyên ngành sâu về các ngôn ngữ lập trình Java, C#, HTML. Ngoài ra, Nam được rèn kỹ năng mềm như giao tiếp, đàm phán, nghiên cứu tâm lý khách hàng.
Bước ngoặt đến với Nam vào năm 2021 khi em được chọn tham gia cuộc thi Kỹ năng nghề quốc gia, nghề Giải pháp phần mềm. Nam tập trung mọi sức lực để ôn thi, thường xuyên học đến một, hai giờ sáng. "Em học theo trình tự nhận viết cấu trúc nền tảng, giao diện cơ bản vào ban ngày, sau đó thực hành vận dụng các kiến thức code nâng cao vào buổi tối", Nam nói, cho biết luôn nghĩ cách khắc phục lỗi phần mềm bất cứ khi nào có thể. Kết quả, em giành được huy chương Vàng.
Thầy Phạm Quang Hiển, Trưởng bộ môn Công nghệ phần mềm, trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, cho biết Nam luôn nỗ lực trong học tập và ôn luyện dù sức khỏe không tốt. Vì thế, thời điểm ôn thi, mỗi tuần ông đều phải xin cấp giấy đi đường để đưa Nam đi viện khám. "Nam là người cần cù, tư duy tốt, sống hòa đồng. Những gì em đạt được rất xứng đáng với sự nỗ lực vượt qua rào cản về sức khỏe và hoàn cảnh kinh tế của mình", thầy Hiển chia sẻ.
Đến tháng 4/2022, Nam trở thành học viên đầu tiên nghề Ứng dụng phần mềm của trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội được chọn thi Kỹ năng nghề thế giới. Sau khi bị trì hoãn bởi dịch bệnh Covid-19 ở Trung Quốc, tháng 8 vừa qua ban tổ chức thông báo kỳ thi sẽ diễn ra ở Hàn Quốc.
"Em dành toàn bộ thời gian và sức lực để ôn thi vì đây là cơ hội lớn nhất giúp em thực hiện ước mơ đổi đời", Nam nói.
Đội nghề Giải pháp phần mềm Công nghệ thông tin và nghề Điện toán đám mây của Việt Nam tham dự kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới 2022 tại Hàn Quốc, tháng 10/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ngày 8/10, Nam có mặt tại Hàn Quốc. Mỗi thí sinh có khoảng gần hai ngày để kiểm tra thiết bị máy móc từ ban tổ chức trước khi thi. Máy tính của Nam bất ngờ gặp lỗi kỹ thuật và mất hơn một ngày để khắc phục. Xử lý sự cố xong, Nam chỉ còn hơn một tiếng để thử máy trước lễ khai mạc. Bị ảnh hưởng tâm lý, thực hiện bảy phần thi kỹ năng, Nam quên không lưu code ở phần thi thứ tư và mất 9 điểm. Tổng kết phần thi, Nam xếp vị trí 11 trên 17 thí sinh. "Em tiếc đứt ruột vì mấy lỗi nhỏ, nếu bình tĩnh hơn em đã có thể lọt vào top 9 và được chứng chỉ nghề thế giới", Nam nói.
Nam sinh nhận định với nghề này, học cao đẳng vẫn có thể có mức lương tốt, quan trọng là năng lực tư duy và tính kỷ luật, tự giác trong học tập của mỗi người. Với kết quả học tập tốt và phần nào chứng minh được tay nghề của mình, chàng trai quê Thạch Thất vừa được nhận thử việc tại một công ty với mức lương 10-15 triệu đồng một tháng. "Em sẽ cố gắng để được tăng lương cao hơn nữa, giúp bố mẹ không còn phải vất vả nắng mưa với thanh sắt, khúc gỗ mỗi ngày", Nam nói.
Duy Phương