Nguyễn Thị Lâm Viên, 23 tuổi, quê Kon Tum tốt nghiệp với điểm trung bình 3,52/4. Trong lễ bế giảng ngày 30/9, nữ sinh được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an vì đạt danh hiệu Học viên xuất sắc toàn khoá; được thăng hàm từ Thiếu úy lên Trung úy trước thời hạn một năm.

-2850-1667119568.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=vc8r23ka7fxbkY9DyGmLlQ

Nguyễn Thị Lâm Viên, thủ khoa đầu ra của Học viện An ninh nhân dân năm 2022. Ảnh: Thanh Hằng

Nữ sinh chuyên Toán, trường chuyên Nguyễn Tất Thành (tỉnh Kon Tum) nói mình lớn lên cùng những câu chuyện về quãng thời gian tham gia kháng chiến, làm cách mạng của ông bà. Khi lựa chọn nộp hồ sơ vào Học viện An ninh nhân dân, dù lo lắng con gái sẽ vất vả khi học xa nhà hơn 1.000 cây số, bố mẹ của Lâm Viên vẫn ủng hộ con gái.

Viên chia sẻ, chương trình An toàn thông tin chuyên ngành của Học viện An ninh nhân dân không khác so với các trường ngoài khối công an. Cô thích nhất môn Cấu trúc dữ liệu và giải thuật bởi môn học này cho nữ sinh cơ hội vận dụng được nhiều kiến thức Toán vào lập trình. Ngược lại, nữ sinh Kon Tom "hãi" các môn về an toàn mạng máy tính. "Mình thấy sợ vì môn học rộng quá, kiến thức phải nhớ rất nhiều. Mình phải nắm vững lý thuyết và thực hành, luyện tập nhiều mới có thể học tốt được môn học này", Viên cho biết.

Có quan điểm "học để hiểu", Viên thường cố gắng hiểu bài tại lớp, rồi đọc lại khi về phòng. Trước mỗi môn thi, lớp Viên hay tổ chức học nhóm, cả trực tiếp và trực tuyến. Những sinh viên hiểu bài, học tốt môn nào sẽ nhận nhiệm vụ giảng lại cho các bạn trong lớp. Nếu vẫn gặp khó khăn, Viên có thể dễ dàng gặp bạn bè để được hỗ trợ. Cô đánh giá đây là lợi thế của việc cả lớp cùng ở ký túc xá.

Bên cạnh chương trình chuyên ngành, Viên được học những môn đặc thù của các trường khối công an. Trải nghiệm mới mẻ nhất của nữ sinh là được học bắn súng bằng đạn thật. Trước khi bước vào môn này, nhìn các anh chị khóa trên luyện tập, Viên thấy "thật ngầu" nên cô hào hứng với mọi bài tập khi được trực tiếp thực hành. Nhờ vậy, điểm bắn súng của Viên đều từ 40 trở lên trên thang tối đa 50, thuộc nhóm cao nhất lớp.

-6071-1667119568.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Rpb4z8mZfTkmuEymkSxRhQ

Lâm Viên (hàng đứng, thứ tư từ phải sang) cùng các thành viên Câu lạc bộ Truyền thanh C500, Truyền thông C500 và Nội san - Truyền thanh Học viện Cảnh sát, năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đảm nhận chức vụ Phó bí thư chi đoàn và thành viên câu lạc bộ MC, Lâm Viên thường góp mặt trong các sự kiện của lớp và trường. Vì yêu thích việc lập kế hoạch theo từng mốc thời gian, cô áp dụng sở thích này để cân bằng thời gian học và hoạt động ngoại khóa. Viên hay chia các buổi tối theo đầu việc cần làm: học hoặc tập văn nghệ, sinh hoạt câu lạc bộ. "Để không quá tải, mình thường xếp so le ngày học và ngày chơi. Đến mùa thi, mình cân đối lại tỷ lệ, giảm tần suất tham gia ngoại khoá", Viên nói.

Viên cho rằng nếu biết sắp xếp thời gian, việc học sẽ không đi xuống, ngược lại còn được bổ trợ. Viên đã được học kỹ năng thuyết trình, tư duy viết và nói logic khi tham gia câu lạc bộ MC. Cô cũng quen nhiều anh chị khóa trên khi hoạt động tại Đoàn trường và được giúp đỡ nhiều trong cuộc sống; giảm căng thẳng sau những giờ học căng thẳng.

"Mình luôn muốn tận dụng tối đa thời gian để làm nhiều việc nhất có thể. Nếu cả 4-5 năm đại học mà chỉ biết học sẽ rất đáng tiếc và lãng phí", Viên giãi bày.

Theo Đại úy Nguyễn Anh Tú, giáo viên chủ nhiệm của Lâm Viên, nữ sinh rất đa tài. Ngoài đạt điểm trung bình ấn tượng và trở thành thủ khoa đầu ra, Lâm Viên còn giành danh hiệu Nữ sinh tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học công nghệ năm 2021, Sinh viên 5 tốt cấp trung ương; giải thưởng cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc toàn quốc, Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN.

-7282-1667119568.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=JYHPb72UN8ZtjLz0-RVBsA

Lâm Viên phát biểu tham luận tại Hội nghị điển hình tiên tiến trong học viên Học viện An ninh nhân dân, năm 2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Là sinh viên duy nhất đến từ Tây Nguyên, Lâm Viên chỉ về nhà hai lần một năm, vào dịp hè và Tết. Dù đã chuẩn bị tinh thần đối mặt với những khó khăn khi học xa nhà, Viên đôi lúc tủi thân vì không có bố mẹ và người thân ở cạnh. Cô cho rằng để có thể vượt qua năm năm học tại thành phố cách nhà hơn 1.000 km, bạn bè là động lực tinh thần lớn.

"Những hôm được nghỉ mà mình không thể về quê, các bạn thường rủ mình về thăm nhà, không bao giờ để mình cô đơn trong những dịp lễ", Viên kể.

Nhớ lại khi mới nhận lớp, thầy Tú ấn tượng với sự lém lỉnh, chất giọng đặc biệt của cô học trò đến từ Kon Tum. Thầy giáo cho biết do đặc thù của trường, giáo viên cũng ở ký túc xá, nên ngoài lực học, thầy biết tính cách từng học trò. Lâm Viên không chỉ ham học hỏi, tìm tòi mà còn nhiệt tình, hay giúp đỡ mọi người. "Sau năm năm ở Học viện An ninh nhân dân, Viên đã trưởng thành cả về năng lực và nhận thức. Với kiến thức đã có cùng khả năng tự lập cao, tôi tin Viên sẽ đạt được những thành tích tốt trong thời gian tới", thầy Tú nói.

Sau khi tốt nghiệp, Lâm Viên đã nhận công tác tại Bộ Công an, làm việc tại Hà Nội. Đi làm bận rộn hơn, Viên nghĩ mình sẽ phải giảm số lần về thăm nhà mỗi năm, chỉ vào dịp Tết Nguyên đán. "Đây là khó khăn nhưng mình đã chuẩn bị tinh thần từ trước, cũng được bố mẹ ủng hộ. Nhờ vậy mà mình có thể yên tâm học và công tác, chưa từng hối hận về quyết định chọn học xa nhà", Viên nói.

Thanh Hằng

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022