Trận chung kết chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24 diễn ra lúc 8h30 ngày 13/10.
Bốn nam sinh tranh tài trong trận đấu cuối cùng là Trần Trung Kiên (THPT Lê Hồng Phong, Phú Yên), Nguyễn Quốc Nhật Minh (THPT chuyên Hùng Vương, Gia Lai), Võ Quang Phú Đức (THPT chuyên Quốc học, Thừa Thiên Huế), Nguyễn Nguyên Phú (THPT chuyên Đại học Sư phạm, Hà Nội).
Từ trái qua: Trung Kiên, Nhật Minh, Phú Đức và Nguyên Phú sau khi chiến thắng các trận thi quý, chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 24.
Trần Trung Kiên là thí sinh đầu tiên giành vé vào chung kết, sau chiến thắng cách biệt ở trận quý I với 235 điểm, gần bằng tổng điểm của ba thí sinh còn lại.
Trước đó, ở trận thi tuần, dù thi đấu tốt, Kiên bị bạn chơi lội ngược dòng, để vụt mất chiến thắng. Nam sinh được chọn vào vòng thi tháng với tư cách thi sinh về nhì có điểm cao nhất.
Kiên "có nằm mơ cũng không nghĩ tới" kịch bản này lặp lại trong trận tháng. Dù dẫn đầu phần lớn thời gian thi, Kiên vẫn lỡ chiến thắng trong những câu hỏi cuối cùng. Thế nhưng, may mắn tiếp tục mỉm cười với Kiên khi em vào vòng quý, với lý do tương tự lần trước.
Sau hai trận đấu giành vé "vớt", nam sinh trường Lê Hồng Phong nhận ra vấn đề của mình là thiếu quyết đoán, bấm chuông chậm. Vì vậy, đêm trước ngày thi quý, Kiên dành một tiếng để ổn định tinh thần, luyện bấm chuột để cải thiện tốc độ. Nhờ thay đổi này, Kiên đã có một trận thi ấn tượng, thắng cách biệt bạn chơi, trở thành học sinh đầu tiên của tỉnh Phú Yên vào chung kết Olympia.
Trong bốn thí sinh vào vòng cuối, Kiên là người duy nhất trả lời đúng từ khóa Vượt chướng ngại vật trong cả ba trận tuần, tháng và quý. Em được các bạn chơi đánh giá là ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch vì khả năng liên tưởng và kết nối thông tin.
Vài ngày trước trận đấu, Kiên nói đã cảm thấy tự tin và sẵn sàng.
"Ba bạn chơi đều rất mạnh, đến từ những ngôi trường có bề dày thành tích. Tuy nhiên, em sẽ coi đó là động lực để mình cố gắng hết sức, hướng đến vòng nguyệt quế của cuộc thi", Kiên chia sẻ.
Nguyễn Quốc Nhật Minh, trường THPT chuyên Hùng Vương, cũng là đại diện đầu tiên của Gia Lai vào chung kết Olympia. Cậu học sinh chuyên Anh giành 250 điểm trong trận thi quý II, thắng áp đảo khi hơn người về nhì đến 110 điểm.
"Em cảm thấy may mắn khi giành được vòng nguyệt quế", Nhật Minh nói. "Lúc đầu, em hơi áp lực vì nghĩ mình ở vùng cao, trong khi bạn chơi đến từ các ngôi trường nổi tiếng".
Ở trận tuần, Minh có màn rượt đuổi điểm số với bạn chơi, song thua ở câu hỏi phụ nên không giành chiến thắng. Cũng như Kiên, Nhật Minh vào vòng tháng với vị trí nhì cao nhất.
Tới trận tháng, Minh gặp lại người đã nhanh hơn em. Cả hai liên tục bám đuổi về điểm số. Nhưng về cuối, Minh trả lời đúng liên tiếp, giành vòng nguyệt quế một cách thuyết phục.
Trong ba trận đấu, Minh gây ấn tượng bởi sự chắc chắn. Em không bấm chuông thường xuyên trong phần Khởi động, nhưng hầu hết những lần giành quyền trả lời là đưa ra đáp án đúng. Minh cũng quyết đoán trong phần Tăng tốc, tận dụng tốt gói Về đích của mình và đối thủ để tối ưu điểm số.
Là học sinh chuyên Anh, ngoài những câu hỏi ngoại ngữ, Minh còn có thế mạnh ở môn Lịch sử. Trước trận đấu quan trọng sắp tới, Minh xem thời sự, đọc sách báo nhiều hơn để cập nhật kiến thức và hiểu biết về các vấn đề đang được quan tâm. Nam sinh nói tự tin trước trận đấu, vì luôn được thầy cô, bạn bè hỗ trợ.
Đến từ Thừa Thiên Huế, Võ Quang Phú Đức, là học sinh thứ 7 của trường chuyên Quốc học góp mặt ở trận chung kết, sau khi trải qua trận thi quý III gay cấn.
Đức phải rượt đuổi điểm số trong cả ba trận tuần, tháng, quý, trước khi giành vé vào chung kết. Em cho rằng điều này giúp mình có thêm bản lĩnh thi đấu.
Nam sinh chuyên Toán trường Quốc học được đánh giá là đối thủ đáng gờm ở phần thi Khởi động khi từng giành tới 105 điểm, hơn bạn chơi đứng vị trí thứ hai 60 điểm. Theo Đức, việc tạo ra lợi thế điểm số ngay từ phần chơi đầu tiên, kết hợp tận dụng cơ hội để giải từ khóa Vượt chướng ngại vật có thể tạo ra bước ngoặt cho cuộc thi.
Thời gian chuẩn bị cho chung kết, Đức được các thầy cô hỗ trợ tài liệu ôn tập, giải đáp những câu hỏi mà em chưa nắm vững. Nam sinh đọc thêm sách, báo để bổ sung kiến thức và cập nhật các sự kiện thời sự, giữ tinh thần thoải mái.
Ngoài mong muốn trở thành nhà vô địch Olympia năm thứ 24, Đức hy vọng hình ảnh của trường Quốc học và tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ được quảng bá rộng rãi về sự tươi mới, trẻ trung và năng động.
Vòng nguyệt quế mạ vàng, phần thưởng cho thí sinh vô địch Olympia năm 24. Ảnh: Fanpage chương trình
Vượt qua cuộc thi quý IV bằng một trận đấu kịch tính, Nguyễn Nguyên Phú, trường THPT chuyên Đại học Sư phạm, là thí sinh giành vé cuối cùng vào trận đấu cuối. Em là học sinh thứ hai của trường góp mặt trong trận chung kết Olympia.
Trong trận tuần và tháng, Phú gây "choáng" với việc trả lời đúng từ khóa Vượt chướng ngại vật khi chưa có bất kỳ gợi ý nào. Tuy nhiên, nam sinh cho rằng mình gặp may, do tình cờ chọn được câu hỏi chứa dữ kiện liên quan trực tiếp tới tự khóa.
Nam sinh chuyên Anh nói không đặt chiến thuật cụ thể ở từng trận. Ngoài kiến thức, kỹ năng duy nhất em luyện tập là bấm chuông, có thể đạt tốc độ trung bình 14-16 lần một giây. Việc này hiệu quả rõ rệt khi em thường giành điểm trong những phần thi đòi hỏi bấm chuông nhanh.
Trong 36 câu hỏi chung của phần thi Khởi động, Phú giành quyền trả lời 14 câu (gần 40%), đưa ra 12 đáp án đúng. Nam sinh nhìn nhận tốc độ là thế mạnh của mình, song cũng không quên nhắc nhở bản thân cần thi đấu chắc chắn hơn.
"Rút kinh nghiệm từ trận thi quý, với những câu không chắc chắn, đặc biệt trong vòng Về đích, thì em sẽ cân nhắc việc bấm chuông", Phú chia sẻ
Phú nói thích lĩnh vực thể thao, khoa học, và thấy Tiếng Anh là lợi thế của mình. Vì thế, em sẽ cố gắng tận dụng cơ hội để giành điểm ở những câu hỏi thuộc các lĩnh vực này, giành điểm số tốt nhất có thể.
Thí sinh vô địch Olympia sẽ được trao vòng nguyệt quế mạ vàng. Nhà sản xuất chưa công bố mức thưởng năm nay. Năm ngoái, thí sinh thắng cuộc nhận thưởng 50.000 USD (hơn 1,2 tỷ đồng), giải nhì 200 triệu đồng, hai giải ba 100 triệu đồng mỗi giải.
Thanh Hằng