Điều chỉnh này được đưa ra sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 8/10, cùng ý kiến từ nhiều giáo viên, cán bộ quản lý.
Trước đó, Bộ đề xuất miễn học phí với con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang công tác và cho biết đây là nguyện vọng của nhiều giáo viên. Căn cứ độ tuổi của giáo viên và dự tính độ tuổi con cái họ, mức chi dự kiến khoảng 9.200 tỷ đồng mỗi năm.
Nhiều giáo viên, nhà quản lý lo ngại ưu đãi này không khả thi, tạo bất công với những ngành nghề khác.
Học sinh và giáo viên trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, TP Thủ Đức, tháng 9/2023. Ảnh: Quỳnh Trần
Hiện, cả nước có hơn 1,05 triệu nhà giáo hưởng lương từ ngân sách. Từ 1/7, giáo viên nhận lương từ 4,9 đến gần 15,9 triệu đồng một tháng, tùy cấp học và ngạch bậc. Ngoài ra, họ có thể nhận một hoặc một số khoản phụ cấp: phụ cấp thâm niên (5% sau 5 năm công tác, mỗi năm cộng thêm 1%), ưu đãi nghề (30-70%), phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp đặc thù với nhà giáo là nghệ nhân, giáo viên dạy người khuyết tật, giáo viên công tác vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Dự thảo Luật Nhà giáo, do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, sẽ được thảo luận tại Quốc hội, dự kiến vào 9/11. Ban soạn thảo cho biết dự Luật gồm 5 chính sách quan trọng: định danh nhà giáo; tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; quản lý nhà nước về nhà giáo.
Về chế độ đãi ngộ, dự thảo đề xuất chính sách tiền lương của nhà giáo gồm lương và phụ cấp, được ưu tiên xếp cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp. Giáo viên mới được tuyển dụng được tăng một bậc lương so với bảng lương thông thường, tăng phụ cấp ưu đãi nghề cho giáo viên mầm non thêm 10%, tiểu học thêm 5%. Tổng ngân sách chi tăng thêm cho hai nhóm này là 12.800 tỷ đồng một năm.
Ngoài ra, ban soạn thảo đề xuất bố trí nhà ở công vụ cho giáo viên công tác ở xa, giáo viên mầm non có thể nghỉ hưu sớm 5 năm nếu có nhu cầu mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu...
Lệ Nguyễn