Học bổng Eiffel Excellence do Bộ Ngoại giao và Phát triển quốc tế Pháp chủ trì, dành cho các ứng viên muốn theo học thạc sĩ hoặc tiến sĩ. Người trúng tuyển học bổng nhận hỗ trợ lần lượt 1.181 Euro và 1.800 Euro (khoảng 32-49 triệu đồng) một tháng. Ngoài ra, họ được chi trả phí visa; vé máy bay khứ hồi Việt - Pháp; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm bổ sung và hưởng trợ cấp nhà; học phí hay phí ghi danh (hơn 100 triệu đồng) tại các trường công.

Điểm đặc biệt là ứng viên không trực tiếp nộp hồ sơ, mà phải qua một trường đại học ở Pháp, theo thạc sĩ Nguyễn Việt Anh, phó giám đốc Tổ chức Giáo dục và Du học Pháp VFE. Nếu chấp nhận, trường sẽ đề cử ứng viên đó tới cơ quan phụ trách học bổng.

"Bạn chỉ được nộp một lần trong đời nếu đã được trường đồng ý hỗ trợ và gửi lên hội đồng xét duyệt", chị Việt Anh cho biết. Hàng năm, số suất học bổng được trao cho sinh viên quốc tế là khoảng 300, khoảng 10% dành cho ứng viên tiến sĩ, còn lại là hệ thạc sĩ.

viet-anh-3552-1729074721.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=s6hqFx_d4YBsvJH0mG0E8Q

Chị Việt Anh (bìa trái) cùng các ứng viên giành học bổng chính phủ Pháp chia sẻ kinh nghiệm với sinh viên trường Đại học Ngoại thương, hôm 13/10. Ảnh: VFE

Chị Việt Anh cho hay hồ sơ ứng tuyển học bổng chính phủ Pháp gồm: Sơ yếu lý lịch, bảng điểm, thư động lực, kế hoạch học tập/nghiên cứu, chứng chỉ ngoại ngữ, thư giới thiệu của giảng viên hoặc quản lý cũ.

Trong đó, ba yếu tố đầu tiên quan trọng nhất.

Về điểm số, cơ quan cấp học bổng không đưa ra yêu cầu cụ thể về mức điểm trung bình học tập (GPA) của ứng viên, nhưng thứ hạng cao sẽ là lợi thế.

"Phần lớn ứng viên nằm trong top 3-5% của trường, khoa, lớp mới nên nghĩ đến học bổng này", chị Việt Anh nhận định. Năm 2017, chị từng giành học bổng Eiffel Excellence với thành tích tốt nghiệp thủ khoa Kinh tế Quản lý, Đại học Mohamed V Rabat ở Morocco.

Tương tự, Đỗ Thị Ngoan, sinh viên năm thứ nhất ngành Kinh tế của Đại học CY Cergy Paris, cho biết ứng là thủ khoa tốt nghiệp của Viện Quản trị Kinh doanh, trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, điểm GPA là 3.78/4. Nữ sinh cho biết thứ hạng học tập sẽ giúp ứng viên trở nên nổi bật với trường và hội đồng xét duyệt học bổng.

Ngoan dự định du học từ sớm nên cố gắng duy trì điểm số cao và tham gia nghiên cứu khoa học. Nữ sinh cũng từng đạt nhiều giải trong các cuộc thi nghiên cứu cấp quốc gia, trường và viện.

"Đôi khi GPA không cao do đặc thù ngành nhưng bạn lại đứng top của trường, khoa hoặc lớp vẫn chứng minh sự nổi trội", Ngoan nói. "Nếu ứng viên không phải thủ khoa, á khoa thì có thể xin trường xác nhận thứ hạng học tập".

Thư động lực cần giải thích lý do ứng viên chọn ngành và điểm đến du học. Chẳng hạn, Ngoan nhắm tới các trường thiên về học thuật, nghiên cứu cũng như những nước có chi phí du học thấp. Vì thế, Pháp là điểm đến phù hợp nhất.

Trong thư, Ngoan cũng nói về thành tích học tập, nghiên cứu đạt được. Cô chọn ngành Phân tích kinh tế ở bậc thạc sĩ vì thích các môn như Toán, Kinh tế lượng, và quan tâm tới lĩnh vực này.

Ở bản kế hoạch học tập, Ngoan cho biết dự định làm về phân tích chính sách trong các tổ chức phi chính phủ. Cô hy vọng những kiến thức học được ở trường sẽ giúp mình đạt được mục tiêu.

Để tăng khả năng được trường đề cử, chị Việt Anh và Ngoan còn lưu tâm đến chứng chỉ ngoại ngữ, cách viết email, thư giới thiệu...

Theo Ngoan, ngoài Tiếng Pháp, sinh viên có thể theo học chương trình bằng Tiếng Anh. Do đó, ứng viên nên có chứng chỉ DELF B2, DALF C1 hoặc TCF từ 400 điểm; IELTS 6.5 trở lên hoặc bằng cấp tương đương (TOEIC, TOEFL...), dù không phải là điều kiện bắt buộc. Khi ứng tuyển, Ngoan có IELTS 6.5, chưa có chứng chỉ tiếng Pháp.

Ngoài ra, cả Ngoan và chị Việt Anh đều chuẩn bị sẵn danh sách trường dự bị. Trong trường hợp bị trường này từ chối, ứng viên có thể nộp trường khác ngay.

"Lưu ý, việc nộp cùng lúc hai trường là tối kỵ bởi hồ sơ của bạn sẽ bị loại bỏ ngay lập tức nếu cùng được cả hai tiến cử", chị Việt Anh cho biết.

Trường hợp đã được trường đề cử, ứng viên sẽ không được nộp lại học bổng này nữa. Nhưng nếu chưa, bạn vẫn có cơ hội ở những năm sau.

1-1557-1728975733.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=32xjjBM7IzGPs9UzM7TtpA

Đỗ Thị Ngoan, sinh viên năm thứ nhất Đại học CY Cergy Paris, Pháp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo chị Việt Anh, một hội đồng gồm 7 chuyên gia (tương ứng với 7 lĩnh vực) đánh giáhồ sơ ứng viên theo ba tiêu chí: sự xuất sắc về học thuật, chính sách quốc tế của trường đại học đề xuất và chính sách ngoại giao giữa Pháp với quốc gia của học sinh đó.

Năm nay, chương trình mở đơn từ ngày 1/10. Hạn cuối các trường của Pháp gửi đề cử là ngày 8/1/2025. Kết quả được công bố sau đó chừng ba tháng.

Bình Minh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022