Tại buổi tư vấn trực tuyến tối 11/1 của các đại học, nhiều học sinh lớp 12 muốn được chia sẻ cách ôn luyện hiệu quả để tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, TP HCM và đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội trong năm 2023.
Phạm Trường Duy, lớp 12 trường THPT Tân Hiệp (Tiền Giang), cho biết đã làm các đề thi thử của một trung tâm trên mạng, nhưng thấy còn yếu Toán, Lý, Hoá, Sinh. Tương tự, Mạc Tiến Dũng, trường THPT Kinh Môn (Hải Dương), cũng đã làm một số đề Toán và thấy nhiều câu hỏi "không thực sự liên quan đến Toán".
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, nhận định đánh giá tư duy hay năng lực đều là những kỳ thi với cách tiếp cận mới, bởi chương trình phổ thông hiện nay vẫn nghiêng về đánh giá kiến thức. Do đó, việc học sinh khó hình dung về đề thi tư duy, năng lực cũng dễ hiểu và cần thời gian để các em thích nghi.
Dù vậy, hai kỳ thi đánh giá năng lực và tư duy không vì thế mà xa rời những điều thí sinh được học ở bậc phổ thông, theo ông Điền. Ông lấy ví dụ với phần đọc hiểu của đề thi tư duy, thí sinh nhận một văn bản khá dài, thường là nghiên cứu khoa học, rồi trả lời các câu hỏi trắc nghiệm. Những văn bản này có thể mới mẻ với thí sinh về nội dung, nhưng năng lực ngôn ngữ, kỹ năng đánh giá, giải quyết vấn đề đều là những điều có thể hình thành, phát triển tại bậc phổ thông khi các em học văn bản bình luận, nêu quan điểm.
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM, tháng 3/2022. Ảnh: Mạnh Tùng
Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia TP HCM, bí quyết để làm tốt đề thi đánh giá năng lực, tư duy là đọc nhiều. Ông Chính cho biết đề thi phần đọc hiểu rất dài, cung cấp nhiều dữ liệu và thông tin. Những thí sinh có khả năng đọc hiểu, xử lý thông tin tốt, suy nghĩ logic sẽ có ưu thế lớn. "Nhìn chung để có kết quả tốt, thí sinh phải có năng lực tốt. Đây là sự đúc kết của việc học trong một thời gian dài, không phải chỉ cố gắng ôn luyện trong thời gian nước rút", ông Chính nói.
Còn GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng thí sinh cần học tốt và nắm chắc kiến thức phổ thông, bám chắc bài thi tham khảo và trường công bố. Theo ông Thảo, thí sinh nên làm đề tham khảo hai lần. Lần đầu là ngay khi trường công bố, các em sẽ biết mình có ưu thế và thiếu hụt kiến thức ở phần nào để tìm cách khắc phục. Đến trước ngày thi, thí sinh có thể làm đề minh hoạ thêm một lần nữa, nhằm rèn kỹ năng làm bài và ghi nhớ các thao tác cần thiết.
Cả ba chuyên gia đều khuyên thí sinh tránh học tủ, ôn mẹo hoặc bị cuốn vào những đề thi, trung tâm ôn luyện trên mạng.
Ông Thảo nói hiện có nhiều bộ đề, trung tâm luyện thi đánh giá năng lực nhưng các câu hỏi ôn tập thiếu tính hệ thống, khiến thí sinh mông lung. Ông Thảo cho rằng câu hỏi ở các trung tâm thoạt nghe có thể thấy "na ná" đề thi năng lực, nhưng ngân hàng đề của Đại học Quốc gia năm 2023 lên tới 12.000 câu hỏi. Chưa kể, đề thi năng lực gồm những câu hỏi đa chiều, đánh giá tư duy, suy luận của các em.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Phong Điền đánh giá "cách ôn tập mẹo, nhanh chóng mà không hiểu bản chất rất khó đáp ứng hai loại bài thi đánh giá năng lực, tư duy".
TS Nguyễn Quốc Chính nhận định việc luyện thi phần nào giúp thí sinh tự tin và có kỹ năng làm bài tốt hơn, nhưng các em cần cẩn trọng bởi đề thi của những đơn vị này chưa được kiểm chứng. Ông Chính cũng cho biết Đại học Quốc gia TP HCM không tổ chức ôn tập và cũng không có đơn vị trung gian, đối tác làm việc này, nên cảnh báo thí sinh tránh bị lừa với những trường hợp mạo danh.
Tính đến tháng 1/2023, mùa tuyển sinh đại học năm nay đã có năm kỳ thi riêng do Đại học Quốc gia Hà Nội, TP HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Bộ Công an tổ chức. Trong đó, hai kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy được tổ chức với quy mô lớn, lên tới 70.000-100.000 lượt thí sinh, và được hàng chục trường đại học thông báo công nhận kết quả để xét tuyển.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, các trường dành hơn 30.000 chỉ tiêu xét tuyển từ điểm của các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Tỷ lệ nhập học theo phương thức này chiếm khoảng 2% tổng số thí sinh nhập học của tất cả các phương thức. Các chuyên gia dự đoán trong năm 2023, số trường đại học sử dụng kết quả thi tư duy, năng lực và chỉ tiêu dành cho các kỳ thi riêng đều tăng.
Thanh Hằng - Nhật Lệ