Đưa ra phản hồi lành mạnh
Dù bạn muốn đáp lại đứa trẻ ương bướng một cách mỉa mai, cay nghiệt đến mức nào, hãy cố gắng kiểm soát để không hạ thấp trình độ của con.
Thay vào đó, hãy trả lời bằng một cụm từ trung lập để cho con thấy rằng bạn đã nghe thấy những gì chúng nói nhưng bạn sẽ không phản ứng.
Các lựa chọn bao gồm “Cảm ơn ý kiến của con” hoặc “Thật thú vị”. Nếu đó là một khoảnh khắc có thể dạy dỗ được, bạn hãy sử dụng những câu nói như vậy.
Để đáp lại một phản hồi hỗn xược của con khi bạn yêu cầu chúng làm việc nhà, hãy nói: “Con sẽ tắt TV và đến giúp mẹ ngay bây giờ, đúng không?”.
Giành lại quyền lực
Một phần mục đích khiến trẻ hỗn là đạt được một chút quyền lực trong mối quan hệ cha mẹ và con cái. Nếu bạn phản ứng một cách cáu kỉnh, bạn đang tiếp thêm sức mạnh cho lời nói của con.
Thay vào đó hãy lấy lại quyền lực vốn thuộc về cha mẹ. Khi bạn bảo con mình hoàn thành một nhiệm vụ, thay vì nói ngắn gọn: “Con hãy tự làm đi”, hãy truyền đạt rõ ràng: “Mẹ đã hướng dẫn con làm và mẹ mong con sẽ làm như mẹ yêu cầu”.
Tránh rơi vào tình trạng tranh giành quyền lực khi con bạn cố gắng lôi kéo bạn vào một cuộc tranh luận.
Tranh cãi với con chỉ giúp chúng trì hoãn thời gian thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, thay vì tranh luận kéo dài, hãy áp đặt hậu quả ngay lập tức nếu con không nghe lời.
Phớt lờ hành vi ngổ ngáo
Bỏ qua có chọn lọc là một cách khác để cha mẹ lấy lại quyền nuôi dạy con cái. Nếu bạn không thừa nhận sự thiếu tôn trọng của con, con sẽ nhanh chóng nhận ra rằng phản ứng của chúng không thu hút được sự chú ý của bạn hoặc sẽ không thay đổi được hoàn cảnh.
Đơn giản chỉ cần nhìn về hướng khác hoặc bỏ đi mà không nói một lời. Đây là một thông điệp hiệu quả khi bạn biết con mình đang cố gắng thu hút sự chú ý của bạn và lời nói của chúng nhằm mục đích khiến bạn sốc.
Việc thiếu phản hồi sẽ gửi thông điệp rằng những từ ngữ không phù hợp sẽ không nhận được sự chú ý mà con đang mong đợi.
Hãy tương tác trở lại khi con bắt đầu cư xử phù hợp. Và khi mọi người bình tĩnh lại, hãy trò chuyện với con về tầm quan trọng của việc sử dụng những lời nói tử tế.
Đưa ra cảnh báo duy nhất
Đôi khi trẻ cần được nhắc nhở rằng, những câu trả lời hỗn láo là không phù hợp. Ngay cả khi con nói: “Mẹ ơi, mẹ đúng là kẻ thất bại” hoặc “Sao cũng được”, hãy giải quyết ngay vấn đề đó.
Hãy bình tĩnh và nói: “Điều đó không phù hợp. Nếu con còn có thái độ thiếu tôn trọng, chúng ta sẽ không đi dã ngoại nữa”.
Điều đặc biệt quan trọng là phải giải quyết và răn đe ngay những lời nhận xét ngổ ngáo, hỗn láo của con nếu chúng đang khoe khoang trước mặt khách hoặc cố tỏ ra ngầu trước mặt bạn bè.
Hãy nói rõ rằng bạn không chấp nhận kiểu thiếu tôn trọng đó và cho con biết điều gì sẽ xảy ra nếu con tái phạm.
Tuân thủ một hình phạt
Đặt ra một nội quy trong gia đình, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối xử tử tế và tôn trọng với người khác. (Ảnh: ITN).
Nếu hành vi ngổ ngáo của con không dừng lại sau khi bị cảnh cáo hoặc nếu chúng nói điều gì đó cực kỳ không phù hợp, hãy áp dụng hình phạt thích đáng.
Các hậu quả thích đáng có thể bao gồm không được đến chơi nhà bạn bè, không được dùng điện thoại,...
Tôn trọng quy tắc
Đặt ra một nội quy trong gia đình, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối xử tử tế và tôn trọng với người khác. Sau đó, hãy chắc chắn rằng bạn cũng tuân theo quy tắc đó.
Nếu con bạn thường xuyên nhìn thấy bạn thiếu tôn trọng những người xung quanh, cho dù đó là người thân hay người phục vụ nhà hàng, thì bạn cũng đừng mong đợi con sẽ cư xử đúng mực với bạn.
Hãy làm gương cho con bằng ngôn ngữ tôn trọng, lịch sự trong mọi khía cạnh của cuộc sống.
Đáp lại sự hỗn xược bằng hành vi tôn trọng. Hãy bình tĩnh và sử dụng những lời lẽ lịch sự để giải quyết hành vi sai trái. Chỉ cho con bạn cách đối phó với sự tức giận và thất vọng theo cách phù hợp với xã hội.
Cho dù bạn phải làm quen với hành vi ngổ ngáo trong những năm tuổi thiếu niên của con, nhưng hãy yên tâm rằng đó có thể chỉ là một giai đoạn.
Làm những gì bạn có thể để giảm thiểu sự tiêu cực và nhớ rằng các bậc cha mẹ khác cũng đang gặp phải vấn đề tương tự.
Theo verywellfamily.com