Não bộ của trẻ phát triển nhanh từ 0 – 3 tuổi. Việc kích thích não bộ bằng cách đọc sách cho trẻ nghe trong giai đoạn này sẽ giúp hình thành thói quen yêu thích việc đọc ngay từ sớm. Nhiều cha mẹ hiểu rõ tác dụng của việc đọc sách đối với tương lai của một đứa trẻ. Vì thế, ngay từ khi con còn nhỏ, họ cố gắng tìm cách giúp con mình yêu thích việc đọc sách.
Chị Lê Thanh Giang (sống tại Đà Nẵng) là mẹ của em bé có biệt danh là Ben. Sau hơn 10 năm với hai bạn nhỏ, chị Giang đã đúc kết được chút kinh nghiệm cho bản thân, hy vọng sẽ có ích với các mẹ đang mong muốn khơi gợi niềm hứng thú đọc sách cho các con của mình.
1. Bắt đầu từ thứ con thích
Các bé tuỳ độ tuổi sẽ có các sở thích khác nhau, nhưng cơ bản sẽ thích con vật, xe cộ, hoa quả, gấu bông. Như bé nhà mình, vì trước đó mình đã mua 1 số cuốn rồi và bé rất thích cuốn Chú sâu háu ăn, nên mình bắt đầu từ đó.
Vì con thích chú sâu, nên mẹ quấn luôn cho 1 chú sâu từ chỉ thêu
2. Cho con một không gian riêng để ngồi đọc
Mình chọn ghế lười vì nó êm, mềm và đặc biệt khi ghế lại có luôn hình chú sâu. Các bạn có thể chọn đệm mút, ghế cho trẻ em, miễn là êm và thoải mái khi ngồi lâu nhé.
Bày binh bố trận để dẫn dụ con vào góc đọc sách
3. Chọn cho con giá sách yêu thích
Các bạn có thể chọn giá hình ngôi nhà, hình con thuyền hay hình ô tô, hay 1 giá sách truyền thống, nhưng nên để thấp vừa tầm với của con. Điều này giúp con có thể chủ động lấy sách xem bất cứ khi nào con muốn, mà không cần nhờ tới sự giúp đỡ của người lớn.
Giá sách vừa tầm với để con tự lấy sách khi con muốn
Thời gian đầu khi cho bé làm quen với sách, mình hay có các hoạt động, con thú minh hoạ cho câu chuyện đó. Ví dụ chuyện chú sâu thì mình lấy chỉ thêu quấn thành 1 chú sâu nhìn cũng như thật để con cầm chơi và xuyên qua các rau củ quả bằng giấy.
“Đồ nghề” đóng kịch
Hay như khi kể chuyện Thân gửi sở thú, mình cũng có những con vật tương ứng như trong chuyện, cho thêm sinh động. Và mình hay cho con ra "thực địa" để con biết những điều trong sách trông như thế nào ở ngoài đời, để con thấy sách thật là gần gũi, và có thật chứ không hề xa lạ.
Mô phỏng lại 1 trang sách
4. Con cần một người đọc sách cho con
Đây là điều quan trọng nhất. Đọc một cách chuyên tâm, kiên trì dù cùng một cuốn mà đã đọc đi đọc lại bao lần. Bởi sau khi con đã có cuốn sách yêu thích, con thấy hoạt động này rất vui và hào hứng, thì bạn tha hồ giới thiệu cho con những cuốn sách khác mà bạn muốn, như về tình yêu thương gia đình, về sẻ chia, về tự lập...
Và một lợi ích nữa mình nhận thấy việc đọc sách cho con từ khi còn nhỏ mang lại, đó là sẽ tăng khả năng tự học của con khi con bước vào tuổi đi học. Con sẽ cảm thấy việc cầm một quyển sách đọc là việc rất nhẹ nhàng, sẽ khác với những bé ít hoặc chưa bao giờ có thói quen đọc sách.
Cậu bé đang kể chuyện “Xếp hàng lâu quá vậy” bằng hình ảnh
Nhìn lại quãng thời gian đó mình thực sự thấy may mắn, vì mình đã có bao nhiêu thời gian chơi với người bạn nhỏ bé mũm mĩm đáng yêu này, vì thời gian là thứ duy nhất không lấy lại được, không kiếm được thêm như bất cứ cái gì khác.
"Sau khi đã hình thành cho trẻ được niềm yêu thích, thói quen đọc sách, thì điều tiếp theo mình cân nhắc là đọc cái gì cho con. Theo lẽ thường, cha mẹ sẽ cho con làm quen với một khối lượng kiến thức khổng lồ từ xe cộ, động thực vật, địa danh lịch sử, đến những nhân vật nổi tiếng và những chuyến phiêu lưu đến những vùng đất mới. Con gần như thành một cuốn bách khoa toàn thư sống động.
Cùng con đọc sách
Tuy nhiên, qua kinh nghiệm từ con đầu lòng, bé thứ hai song song với việc đọc những sách khác, mình đã đọc cho con những cuốn về văn hoá truyền thống, về phép tắc người con, về hiếu đạo với cha mẹ và thực hành cùng con. Nếu ví một em bé như một cái cây, thì học làm người giống như bộ rễ, và các kiến thức khác giống như cành, lá của cây vậy. Bộ rễ có bám sâu vào đất, cây mới phát triển tối ưu nhất các tiềm năng và có thể đứng vững trước những tác động bên ngoài", chị Giang tâm sự thêm.