Bình Dương đứng đầu môn Sử, Địa
Môn Lịch sử năm nay có hơn 683.400 thí sinh dự thi, điểm trung bình là 6,03, giảm 0,31 so với năm 2022. Mức điểm có nhiều thí sinh đạt được nhất là 5,75, cũng giảm 1,25 điểm so với năm trước.
Top 10 địa phương dẫn đầu điểm thi Lịch sử đều có điểm trung bình dưới 6. Năm trước, mức này từ 6,6 trở lên. Bình Dương từ vị trí thứ tư năm ngoái vươn lên dẫn đầu cả nước ở điểm thi môn Sử với 5,91 điểm. Nam Định (5,886) vẫn ổn định với vị trí thứ hai. Ngoài ra, những cái tên quen thuộc khác như An Giang (5,739), Hải Phòng (5,558), Ninh Bình (5,729), Phú Thọ (5,576). Vĩnh Phúc (5,649) từ vị trí dẫn đầu năm ngoái rơi xuống vị trí thứ 7.
Trong top 10 còn có Bạc Liêu (5,651), Hà Nam (6,763), Thái Bình (5,491).
Ở chiều ngược lại, Hà Giang "đội sổ" hai năm liên tiếp ở môn Sử với điểm trung bình là 4,533. Nhóm 10 địa phương có điểm thấp nhất môn Sử năm nay có đến 5 cái tên mới ở khu vực miền Trung như Quảng Bình (4,874), Quảng Ngãi (4,790), Bình Định (4,852), Phú Yên (4,817), Ninh Thuận (4,803), thay vì hầu hết là những tỉnh miền núi phía Bắc như năm ngoái.
Với môn Địa lý, cả nước có 682.134 thí sinh dự thi, điểm trung bình là 6,15. Đỉnh của phổ điểm nằm ở ngưỡng 6,25 với hơn 60.000 thí sinh đạt mức điểm này. Môn thi này có khoảng 91.000 bài thi dưới điểm trung bình, chiếm 13,35%.
Tương tự như môn Lịch sử, Bình Dương ở vị trí thứ tư của năm ngoái vượt lên dẫn đầu điểm thi Địa lý với 7,286. Nam Định (7,283) và Ninh Bình (7,198) xếp vị trí thứ hai và ba. An Giang (7,173) vươn lên xếp thứ tư thay vì đứng thứ 7 của năm ngoái. Bạc Liêu (7,096) là cái tên mới trong top 10 năm nay.
Top 10 địa phương có điểm trung bình môn Địa thấp nhất đều là các tỉnh miền núi phía Bắc, trái ngược hoàn toàn với hai năm trước chủ yếu các tỉnh miền Trung. Hà Giang năm thứ ba liên tiếp "đội sổ" môn Địa với 4,503 điểm. Xếp sau là Sơn La (4,756), Hòa Bình (4,927), Cao Bằng (5,105).
Ninh Bình đỉnh bảng môn Giáo dục công dân
Giáo dục Công dân có điểm thi cao nhất trong 9 môn thi tốt nghiệp THPT. Với hơn 565.000 thí sinh dự thi, điểm trung bình là 8,29. Đỉnh của phổ điểm nằm ở mức 9, với hơn 54.600 thí sinh đạt mức điểm này.
Các tỉnh Ninh Bình (8,757), Bình Dương (8,748), Nam Định (8,708) tiếp tục chứng tỏ ưu thế về tổ hợp Khoa học xã hội khi lần lượt xếp nhất, nhì, ba cả nước về điểm trung bình ở môn Địa. Vĩnh Phúc (8,58) từ vị trí dẫn đầu năm ngoái rơi xuống hạng tư.
Những cái tên còn lại trong top 10 đều quen thuộc như Phú Thọ (8,660), Hải Phòng (8,605), Vĩnh Long (8,469), Long An (8,471), Hà Nam (8,552). Sau một năm vắng mặt, An Giang (8,567) quay lại nhóm dẫn đầu thay cho Thái Bình.
Hà Giang vẫn là địa phương xếp cuối bảng với 7,174 điểm. Xếp trên Hà Giang là Quảng Ngãi (7,349), Ninh Thuận (7,559), Phú Yên (7,579). So với năm ngoái, đây đều là những cái tên quen thuộc dù có thay đổi vị trí.
Sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có nhu cầu phúc khảo cần nộp đơn trước ngày 27/7, đăng ký, điều chỉnh và bổ sung nguyện vọng xét tuyển đại học đến 17h ngày 30/7, không giới hạn số lần. Từ ngày 31/7 đến 17h ngày 6/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển đại học trực tuyến.
Ngoài điểm thi và phổ điểm, VnExpress cũng cung cấp nhiều thông tin khác như top thí sinh có điểm cao nhất, danh sách nhóm ngành, trường năm ngoái lấy điểm đầu vào tiệm cận mức điểm thí sinh đạt được theo từng tổ hợp xét tuyển. Đây là kênh tham khảo giúp thí sinh đưa ra quyết định khi đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng.
Thí sinh truy cập https://diemthi.vnexpress.net/tra-cuu-dai-hoc để tìm hiểu, so sánh thông tin tuyển sinh của hơn 200 trường đại học.
Các trường đại học công bố điểm chuẩn, danh sách thí sinh trúng tuyển từ ngày 22/8. Thí sinh xác nhận nhập học trước 17h ngày 6/9.
Lệ Nguyễn