
Victor Vũ là người học làm phim chuyên nghiệp nhưng từng có giai đoạn chật vật, còn Lý Hải là "tay ngang" làm phim nhưng trở thành thế lực phòng vé
Victor Vũ học hành bài bản, chào sân với một loạt phim đậm dấu ấn cá nhân, trong khi Lý Hải mang tiếng "tay ngang" trong một thời gian dài vì "đá chéo sân" từ ca sĩ.
Điều cần công nhận là qua 20 năm của Victor Vũ và 10 năm của Lý Hải, mỗi người đều xây dựng được phong cách phim của riêng mình. Dù lúc thành, lúc bại nhưng họ đều có đóng góp cho điện ảnh Việt.
Victor Vũ vượt qua chính mình
Victor Vũ có bằng cử nhân ngành truyền thông và mỹ thuật trong sản xuất phim ở Đại học Loyola Marymount (LMU) tại Los Angeles, Mỹ. Năm nay 50 tuổi, anh có 18 năm làm phim kể từ phim ngắn Firecracker (1997).
Trong 18 năm Victor Vũ làm 20 phim, gần như không năm nào là không phát triển một kịch bản hay phim nào đó. Riêng năm 2014, anh ra mắt 3 phim: Cô dâu đại chiến 2, Quả tim máu, Scandal: Hào quang trở lại.
Là một trong những đạo diễn Việt kiều thành công nhất, Victor Vũ có đóng góp lớn với điện ảnh Việt thông qua dòng phim ly kỳ (thriller), kinh dị và trinh thám.
Trailer Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu
Những tác phẩm hay nhất của anh là Scandal: Bí mật thảm đỏ, Quả tim máu, Người bất tử, series Trại hoa đỏ, Thám tử Kiên... Với dòng phim tình cảm - thanh xuân, anh có Mắt biếc, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Về phim tình cảm hài anh có hai phần Cô dâu đại chiến, Chuyện tình xa xứ.
Nhưng tất nhiên, nhắc đến Victor Vũ là khán giả lập tức liên tưởng đến những từ khóa như trinh thám, ly kỳ, tâm linh, kinh dị...
Anh đã gọi tên đúng thế mạnh của mình: khả năng tạo nên bầu không khí đáng sợ bao trùm bộ phim mà đôi khi rất khó để phân định cụ thể nó đến từ đâu.
Thám tử Kiên đã làm tốt - dù không quá xuất sắc - so với mặt bằng chung của phim Việt ở các tình tiết gài cắm, cú twist. Nhưng điểm xuất sắc ở Thám tử Kiên là tạo nên được một bầu không khí kỳ bí, đáng sợ, cuốn hút và thôi thúc khán giả xem tiếp.
Victor Vũ kỹ lưỡng, chi tiết ở cách mô tả đời sống trong một ngôi làng thời phong kiến, với những người nam, người nữ mặc áo ngũ thân tay chẽn, đội nón quai thao, hình ảnh khu chợ buôn bán nhỏ, nhà quan, nhà dân, từ chiếc đĩa gốm bị vỡ của Thạc đến từng xác chết không đầu tím tái và thối rữa.
Anh cũng kỹ lưỡng ở những cảnh quay con thác, diễn viên cực nhọc nhưng xứng đáng, cùng hình ảnh ma da do người thật cao 2,2m đóng, đắp một đống silicon lên người để tạo hình dáng trương phình, da nhăn nheo - không chỉ để hù dọa khán giả ngắn hạn mà còn góp phần vào bầu không khí tổng thể đáng sợ.
Cách làm phim của Victor Vũ từ trước đến nay vẫn toát lên sự chuyên nghiệp, bài bản.
Chẳng hạn phim kỳ bí và phảng phất chất kinh dị nhưng màu phim rất sáng, sắc nét, con ma da, xác chết và những ảo giác chết chóc được quay rất chi tiết chứ không dùng "thủ thuật" như các phim Việt có trình độ sản xuất thấp hơn.
Đó là hạ sáng, dùng màu bệt, mờ, ám xanh, nhiều cảnh có ánh sáng tối om để che bớt những lỗi có thể lộ ra về thiết kế sản xuất, bối cảnh và đạo cụ. So với mặt bằng phim kinh dị của Việt Nam, phim của anh có thể xếp chiếu trên về trình độ sản xuất.
Thám tử Kiên là một bước tiến của Victor Vũ về nội dung so với một số phim gần đây của anh, nhưng ngay cả Người vợ cuối cùng, Thiên thần hộ mệnh, Lôi Báo hay thậm chí Mắt biếc - những phim có dư luận khen chê trái chiều - cũng vẫn giữ được phong độ chuyên nghiệp về khâu sản xuất.
Người bất tử - phim Victor Vũ đặt nhiều tâm huyết có lẽ hơn cả Thám tử Kiên - cũng rất tham vọng về quy mô sản xuất khi kể về một người đàn ông bất tử sống qua nhiều thời đại từ phong kiến đến hiện đại.
Về mặt tầm nhìn, Người bất tử (2018) đạt đẳng cấp cao nhất của Victor Vũ nhưng "bị hại" bởi cái kết kéo lùi nỗ lực sản xuất, nhưng bất khả kháng vì cái kết nhằm giúp phim dễ qua kiểm duyệt và không đúng với ý muốn của đạo diễn.

Victor Vũ và “thám tử Kiên” Quốc Huy - một trong những diễn viên tỏa sáng trong phim của anh - Ảnh: ĐPCC
Lý Hải 10 năm thành thế lực phòng vé
Lý Hải đã có cú chuyển mình đáng nể khi anh từ ca sĩ chuyển hướng thành đạo diễn phim chiếu rạp vào năm 2015, rồi sau 10 năm đã trở thành một thế lực lớn ở phòng vé Việt với series Lật mặt.
Vào năm 2024 sự thống trị của hai nhà làm phim thương mại hàng đầu lấn át toàn bộ thị trường đến mức Tuổi Trẻ từng nhận định phòng vé Việt là "Trấn Thành, Lý Hải và phần còn lại". Đó cũng là năm thương hiệu Lật mặt đạt đỉnh: Lật mặt 7 thu đến 482 tỉ đồng, là phim trụ rạp lâu nhất Việt Nam (khoảng ba tháng rưỡi).
Trailer phim Lật mặt 8: Vòng tay nắng
Trong 10 năm phát triển Lật mặt, Lý Hải - Minh Hà và ê kíp đã đưa thương hiệu này từ những định kiến "phim hài nhảm, nghiệp dư" thành loạt phim được coi là "bom tấn" ở phòng vé Việt, nhiều bên muốn ra phim phải né Lật mặt.
Năm nay Lật mặt 8 không mạnh như Lật mặt 7 nhưng vẫn giữ được một số điểm đặc trưng trong cách làm phim của Lý Hải: hoành tráng, diễn viên đông, thích đại cảnh 1.000 người (ở đây là một đêm concert - theo xu hướng mê concert của giới trẻ Việt).
Đặc biệt trong câu chuyện có cảnh tai nạn ngặt nghèo, thương tâm, là tình tiết đinh của phim khiến nhiều khán giả khóc như mưa vì cảm động, điều này được giữ từ các phần Lật mặt đầu tiên đến tận hôm nay.
Riêng ở Lật mặt 8, cảnh nhân vật chính là ông Phước (Long Đẹp Trai) bị cuốn trôi được Lý Hải lấy cảm hứng từ trận lũ quét thương tâm ở Làng Nủ (xã Bảo Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) năm ngoái.
Phong cách phim Lý Hải thường bị nhận xét "lúa lúa", nhiều chỗ tình tiết hơi tùy tiện, kịch bản nhiều khiên cưỡng, đường dây tâm lý không nhất quán và không có sự phát triển hợp lý.
Cá nhân Lý Hải thường bị gọi là "tay ngang" do không tốt nghiệp ngành làm phim hay đạo diễn mà chỉ từng học diễn viên. Bất chấp những nhược điểm rõ ràng đó, Lý Hải vẫn thu hút được một lượng khán giả trung thành đông đảo qua từng năm làm phim.
Tuy nhiên ở năm thứ 10, một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp, Lý Hải đang đối mặt với thách thức lớn mang tính bước ngoặt: anh buộc phải nâng tầm loạt phim Lật mặt về chất lượng.
Khán giả cần được thích thú và lan tỏa Lật mặt vì họ thỏa mãn, tâm đắc với nội dung phim (như điều Lật mặt 7 đã làm được dù phim này vẫn không thuộc dạng xuất sắc) chứ không đơn thuần vì họ yêu mến và muốn xem để ủng hộ cá nhân Lý Hải.
Hoặc nếu thực sự mạnh dạn, Lý Hải nên khép lại loạt phim Lật mặt và mở ra một thương hiệu hoàn toàn mới để tiếp tục con đường điện ảnh của mình.
Bởi Lật mặt ban đầu gắn với dòng phim hành động, hài, kinh dị nên nhiều tình tiết mang tính "lật mặt" liên tục, "lật qua lật lại" vẫn gây cảm giác thú vị và phù hợp, nhưng khi Lật mặt chuyển sang dòng phim thiên về tâm lý, tình cảm gia đình như các phần gần đây, tính "lật qua lật lại" có phần giảm sút và cũng không phù hợp.
Victor Vũ tạo ra ngôi sao, Lý Hải là ngôi sao
Trong 15 năm trở lại đây, "ngôi sao phòng vé" Việt thường là các đạo diễn, trong đó Lý Hải, Victor Vũ và Trấn Thành nổi bật.
Nhưng điểm khác nhau rất lớn ở Victor Vũ và Lý Hải là: trong khi Lý Hải luôn luôn là ngôi sao lớn nhất, tâm điểm truyền thông trong các dự án phim thì Victor Vũ không nổi tiếng với công chúng bằng Lý Hải, nhưng tạo ra được những vai chính ấn tượng, tỏa sáng cho các diễn viên của mình.

Lý Hải là ngôi sao tâm điểm trong các phim của mình - Ảnh: NVCC
Có những "nàng thơ" của Victor Vũ như Vân Trang, Tăng Bảo Quyên, Đinh Ngọc Diệp đến Trúc Anh. Về phía nam có Thái Hòa, Quốc Huy, Quý Bình, Quách Ngọc Ngoan, Trần Nghĩa... Trong khâu casting, Victor Vũ có "con mắt xanh" tìm ra các diễn viên mới nhưng rất hợp vai.
Lý Hải cũng đầu tư casting, những năm gần đây, mỗi dịp casting của anh và Lật mặt thu hút hàng trăm, hàng ngàn người tham gia. Nhưng các vai diễn trong phim thường được chia nhỏ, hơi "xé lẻ" về thời lượng và cả dấu ấn trong tính cách nhân vật.