avatar1663981279869-1663981280933210879151-0-207-533-1059-crop-16639813772361229476466.jpgUyên Linh phản hồi việc hát 'Bên trên tầng lầu' chưa xin phép

Đại diện của Uyên Linh khẳng định chỉ hát giao lưu ngẫu hứng vài câu trong bài hát "Bên trên tầng lầu" do fan yêu cầu. Đây không phải màn trình diễn có yếu tố thương mại.

uyenlinhquanquandungdinhnhatshowbizvietvisomotdieu165466124931-1664092327362-16640923277321970665308.jpg

Uyên Linh vướng tranh cãi khi hát Bên trên tầng lầu. Ảnh: FBNV.

Mới đây, video ghi lại cảnh Uyên Linh hát ca khúc Bên trên tầng lầu trong một đêm nhạc phòng trà được chia sẻ trên mạng xã hội. Cùng thời điểm, nhiều ca sĩ thể hiện ca khúc này ở những chương trình khác nhau. Việc này làm dấy lên tranh luận các ca sĩ hát Bên trên tầng lầu không xin phép.

Việc ca sĩ thể hiện bài hát của người khác đã nhiều lần gây tranh cãi ở Vpop. Khi nào Vpop có bài hát mới nổi là nó lập tức được cover tràn lan trên mạng xã hội và đặc biệt các đêm nhạc phòng trà. Cách đây không lâu, cả Đan Trường và Lệ Quyên - những ca sĩ lâu năm - cũng bị tố sử dụng ca khúc của đàn em không xin phép.

Tranh cãi tác quyền liên tục xảy ra

Trong trường hợp của Bên trên tầng lầu, Tăng Duy Tân là tác giả, ca sĩ thể hiện và chủ sở hữu bài hát. Quản lý của Tăng Duy Tân cho Zing biết các ca sĩ Phương Thanh, Ali Hoàng Dương, Hiền Hồ… đã xin phép. Uyên Linh là ca sĩ duy nhất chưa xin phép nhưng đã biểu diễn.

Sau đó, trao đổi với Zing, đại diện của Uyên Linh giải thích nữ ca sĩ chỉ hát ngẫu hứng vài câu theo yêu cầu của khán giả trong đêm nhạc. Tuy nhiên, khi tranh cãi nổ ra, đại diện của Uyên Linh đã liên hệ với quản lý Tăng Duy Tân để giải thích và tránh hiểu lầm không đáng có.

Việc cover ngẫu hứng theo yêu cầu của khán giả trong các đêm nhạc nhiều lần gây tranh cãi. Giữa năm 2020, nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường bức xúc khi Văn Mai Hương hát Hoa nở không màu trong một show bán vé. Nữ ca sĩ thậm chí đăng video ghi lại tiết mục lên kênh cá nhân. Khi bị nhạc sĩ chỉ đích danh, Văn Mai Hương xin lỗi và cho biết cô hát theo yêu cầu của khán giả chứ không có chủ đích. Video đăng lên mạng xã hội cũng không bật kiếm tiền nên không thể xem là vi phạm bản quyền.

Vào tháng 6, khi Ai chung tình được mãi nổi tiếng trên mạng xã hội, nhiều ca sĩ bị tố vi phạm bản quyền vì hát “chùa” ca khúc. Ai chung tình được mãi, sáng tác của Đông Thiên Đức do Đinh Tùng Huy hát, là một trong những ca khúc nhạc Việt gây sốt những tháng đầu năm.

lequyenmissworldvietnam1486054851646043470-1664092333336-16640923335721812813573.jpg6-1664092336343-1664092336532236988252.jpg

Lệ Quyên và Đan Trường bị tố vi phạm bản quyền. Ảnh: NVCC.

ACV Entertainment - công ty nắm bản quyền ca khúc này - thông tin Đan Trường, Lệ Quyên và Tùng Dương biểu diễn bài hát khi chưa được sự đồng ý. Cụ thể, Lệ Quyên hát Ai chung tình được mãi trong ba chương trình vào 29/4, 30/4 và 14/5; Tùng Dương biểu diễn ở một live show tại Hà Nội hôm 24/5; còn Đan Trường thể hiện tác phẩm trên chương trình ở Bến Tre. Trước đó, ACV Entertaiment chỉ cho phép Đan Trường cover ca khúc và chia sẻ bản thu lên mạng xã hội.

Tùng Dương giải thích đêm nhạc không phải show riêng của anh. Do đó, việc xử lý bản quyền thuộc về đơn vị tổ chức.

Ít ngày sau, Đan Trường tiếp tục vướng tranh cãi. Nam ca sĩ bị nhạc sĩ Nguyễn Đình Dũng tố sử dụng trái phép ca khúc Từng yêu suốt 2 năm. Sau đó, phía Đan Trường giải thích đã nhắn tin xin phép chủ sở hữu để cover Từng yêu và đăng lên mạng xã hội.

Nhạc sĩ Nguyễn Đình Dũng phản pháo Đan Trường chỉ xin phép cover chứ không phải biểu diễn trong các sự kiện có tính chất thương mại. Tuy nhiên, nam ca sĩ đã biểu diễn bài hát ở nhiều sự kiện, từ phòng trà, trường học tới nước ngoài.

Sau những tranh cãi, Đan Trường lên tiếng xin lỗi đồng thời gỡ bản cover Ai chung tình được mãi, Từng yêu. Nam ca sĩ cũng tuyên bố không trình diễn hai ca khúc này trên sân khấu một lần nào nữa dù ê-kíp của anh đã đóng tiền bản quyền ca khúc Ai chung tình được mãi cho VCPMC.

Trước đó, nhiều ca sĩ như Hiền Thục, Lê Thiện Hiếu… bị tố hát những ca khúc do đồng nghiệp khác đã mua độc quyền trong đêm nhạc có yếu tố thương mại. Đây là vấn đề nhức nhối, tồn tại suốt nhiều năm qua ở Vpop.

Sử dụng tác phẩm với mục đích gì cũng phải xin phép

Trao đổi với Zing, luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết theo Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2019, tác phẩm âm nhạc cũng là một trong những đối tượng được bảo hộ quyền tác giả và người trình bày tác phẩm đó được bảo hộ quyền liên quan.

Nếu muốn sử sụng ca khúc của ca sĩ khác bắt buộc có sự cho phép của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả, trừ một số trường hợp quy định tại Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ như sau: Tự sao chép 1 bản để nghiên cứu khoa học, giảng dạy; Biểu diễn tác phẩm trong các buổi sinh hoạt văn hóa, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới mọi hình thức; Chuyển tác phẩm sang chữ nổi hoặc ngôn ngữ khác cho người khiếm thị…

Trong đó, có trường hợp phải trả thù lao, nhuận bút cho tác giả, người sở hữu quyền tác giả. Tuy nhiên, trong trường hợp nào việc dùng ca khúc cũng phải: Không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường bài hát; Không gây hại đến quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; Phải ghi đầy đủ tên tác giả, nguồn gốc, xuất xứ của bài hát.

Trong trường hợp chỉ hát ngẫu hứng vài câu theo yêu cầu của khán giả như Uyên Linh, luật sư nhận định: “Cover bài hát được hiểu là việc hát lại một bài hát đã có trước đó. Bởi vậy, đây cũng có thể coi là một dạng của tác phẩm phái sinh. Tuy nhiên, việc chỉ hát ngẫu hứng vài câu theo yêu cầu của khán giả như Uyên Linh có thể coi không vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Vì việc hát vài câu không nằm trong kế hoạch tổ chức đã được sắp đặt trước, không nhằm mục đích thương mại”.

Trước câu hỏi: “Nếu ca sĩ hát theo yêu cầu của khán giả nhưng lại hát dài hoặc cả bài thì có cần xin phép chủ sở hữu ca khúc không?”, luật sư cho biết bài hát được ví như đứa con tinh thần vô giá của tác giả. Chính vì vậy, pháp luật luôn tôn trọng việc sáng tạo nghệ thuật không ngừng nghỉ của các tác giả thông qua việc bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm.

z3747414418356372bcb288bcd3fe06eb1d3f677d0e493-1664092339340-16640923395362049322893.jpg

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết việc sử dụng ca khúc với mục đích gì cũng cần xin phép. Ảnh: NVCC.

Bài hát sẽ được bảo hộ quyền tác giả. Quyền tác giả của tác phẩm phát sinh khi bài hát được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, dù bài hát có được tác giả công bố hoặc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay chưa. Trong một số trường hợp, cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm với mục đích gì cũng phải xin phép.

Bên cạnh đó, theo điểm b Khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ, về nguyên tắc khi biểu diễn tác phẩm cho công chúng xem, ca sĩ hoặc đơn vị tổ chức phải xin phép, trả tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Khi hết thời hạn bảo hộ, tác phẩm sẽ thuộc về công chúng, tức ai cũng có thể khai thác, sử dụng mà không cần xin phép, trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả nhưng phải tôn trọng các quyền nhân thân của tác giả.

Việc hát lại ca khúc của người khác không xin phép ở các sự kiện thương mại có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 12, 13 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, cụ thể như sau: Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi biểu diễn trực tiếp tác phẩm trước công chúng.

Trường hợp biểu diễn tác phẩm thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào công chúng có thể tiếp cận mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định, bị phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng. Như vậy, mức phạt cao nhất cho hành vi này có thể lên tới 15 triệu đồng.

Nói thêm về việc các ca sĩ cover rồi giải thích khán giả yêu cầu, quản lý của Tăng Duy Tân không đồng tình.

“Việc hát trong sự kiện, bắt buộc xin phép chủ sở hữu bản quyền. Trong trường hợp khán giả yêu cầu, ca sĩ có thể phản hồi là bài hát không thuộc quyền sở hữu và sẽ hát cho họ nghe trong dịp phù hợp hơn. Chúng tôi không cấm cản việc cover bài hát trên mạng xã hội, do đó, ca sĩ có thể thể hiện để khán giả nghe trên đó. Theo tôi, việc giải thích cho khán giả là nghĩa vụ của ca sĩ. Nếu cứ hát trong show sau đó mới liên hệ cho chủ sở hữu và giải thích đó là hát theo yêu cầu của khán giả thì sẽ tạo tiền lệ xấu. Ai cũng có thể làm theo cách đó. Thời gian qua tôi được nhiều bên thông báo Bên trên tầng lầu đang bị hát tràn lan trong các sự kiện. Chúng tôi không chấp nhận việc hát ca khúc ở sự kiện thương mại mà chưa xin phép”, quản lý của Tăng Duy Tân cho biết với Zing.

ava-uyen-linh-1654566879778940575929-0-0-375-600-crop-16545671137821318488592.jpgUyên Linh: Hiện tượng gây cảm xúc của Vietnam Idol 2010 và sự nghiệp "đủng đỉnh" không bứt phá

GiadinhNet - Uyên Linh đã có những màn trình diễn xuất thần trong Vietnam Idol năm 2010. Tuy nhiên, sau 12 năm tham gia làng nhạc sự nghiệp của cô vẫn chậm rãi đến khó tin.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022