Trước năm 1983, Talking Heads vốn nổi tiếng với âm thanh punk và đa tiết nhịp, lấy cảm hứng từ nhạc châu Phi. Khi This Must Be the Place (Naive Melody) ra đời vào năm đó, bước ngoặt âm thanh và cả ca từ đã tới với nhóm, đưa khúc tự tình riêng tư này lên hàng kinh điển của nhân loại.

Sự giản dị của This Must Be the Place (Naive Melody) là ví dụ điển hình rằng đơn giản là điều tuyệt vời nhất.

Bước ngoặt âm thanh

Trong tất cả các ca khúc tuyệt vời của Talking Heads, This Must Be The Place (Naive Melody) được đánh giá là ca khúc nổi tiếng nhất của họ. Ca khúc nằm trong album phòng thu thứ 5 của nhóm, Speaking in Tongues, được phát hành vào năm 1983, và trở thành đĩa đơn thứ 2 - cũng như cuối cùng - của bản thu.

Bìa đĩa đơn giản dị nhưng có phần trừu tượng của “This Must Be the Place (Naive Melody)”

Khi bắt tay vào album này, cả nhóm đang đi lưu diễn. Thế nên, các ca khúc ban đầu đều chỉ thu âm phần giai điệu sơ khai với nhạc cụ. Sau đó, khi hoàn thành lưu diễn, họ sẽ tới phòng thu và thêm vào những phần còn thiếu khác, bao gồm ca từ. Trưởng nhóm David Byrne là người đảm nhiệm phần viết lời này. "Anh ấy hát phần ca từ, chúng tôi bổ sung bộ gõ hay bất cứ thứ gì chúng tôi muốn" - theo tay trống Chris Frantz.

This Must Be the Place (Naive Melody) cũng không phải ngoại lệ. Phần giai điệu sinh ra trong 1 tình huống rất ngẫu hứng ở phòng thu Compass Point ở Nassau, Bahamas. Khi đó, các thành viên đã thử đổi nhạc cụ: Tay bass Tina Weymouth chơi guitar giai điệu, keyboard Jerry Harrison chơi keyboard bass, Byrne thử đàn synthesizer Prophet-5, tạo ra âm thanh bằng cách xoay vòng biến điệu.

Nổi tiếng với âm thanh phức tạp nhưng lần này, bản thu giai điệu chỉ có tiếng guitar và bass lặp đi lặp lại 1 nhạc tố chủ cho toàn bộ ca khúc. Theo Byrne, đây là điều mà các nhạc sĩ chuyên nghiệp sẽ không làm, và do đó, họ đặt tên khúc nhạc này là Naive Melody (giai điệu ngây thơ). Sau này, khi Byrne hoàn thành phần lời, anh gọi nó là This Must Be The Place nhưng quyết định giữ lại Naive Melody như 1 phần của tiêu đề, để trong ngoặc đơn, dù từ này không hề xuất hiện trong ca từ.

Giai điệu ngây thơ của “This Must Be the Place (Naive Melody)”

Ban đầu, phiên bản chính thức của ca khúc dài tới 4 phút 46 giây, trong suốt 1 phút 4 giây đầu chỉ có nhạc không lời là phần điệp khúc lặp đi lặp lại, với mục đích để khán giả được hòa mình trọn vẹn vào giai điệu ngây thơ này. Tuy nhiên, đó rõ ràng không phải là công thức của 1 hit. Thế nên, trong đĩa đơn gửi đài phát thanh, phần mở đầu bị cắt xuống chỉ còn 16 giây và ca khúc còn 3 phút 50 giây.

"Đó là bản tình ca được tạo thành gần như hoàn toàn bằng các cụm từ không theo trình tự nào, có thể tạo ra cộng hưởng cảm xúc mạnh mẽ nhưng không có bất kì phẩm chất kể chuyện nào" - David Byrne, trưởng nhóm Talking Heads

Rũ bỏ mọi khuôn sáo

Dù khi đó đã là nhân vật tiếng tăm, David Byrne luôn giữ kín cuộc sống cá nhân trước báo giới. Trong âm nhạc, anh cũng thường né tránh chủ đề tình yêu vì thấy nó "khá lớn".

Thế nên, This Must Be the Place (Naive Melody) ra đời quả là bom tấn khi là "tình khúc vô cùng cá nhân" - như anh nói - khi Byrne viết về 1 người cụ thể. Rõ ràng, anh đang hướng tới 1 mối quan hệ thật sự, không cần hư cấu như mọi khi. Người đó có khả năng là Adelle Lutz, nhà thiết kế trang phục mà anh mới gặp hồi đó. Sau đó, họ kết hôn năm 1987, có 1 con gái chung nhưng đáng tiếc, đường ai nấy đi vào năm 2004.

Trong 1 lần đầu quan trọng như vậy, Byrne cũng đặt ra tiêu chuẩn rất cao cho bản thân: "Lần này, tôi không nỗ lực thỏa hiệp và nói: tình yêu thật tuyệt". Quả thật, This Must Be the Place (Naive Melody) thể hiện 1 cấp độ mới về cảm xúc trung thực, thẳng thắn nơi thủ lĩnh Talking Heads.

talking-heads-2-16863874076431330700478.jpg

Các thành viên Talking Heads

Nghe có vẻ hàn lâm và phức tạp, nhưng điều Byrne hướng tới chính là sự đơn giản chân thực. "Đó là bản tình ca được tạo thành gần như hoàn toàn bằng các cụm từ không theo trình tự nào, có thể tạo ra cộng hưởng cảm xúc mạnh mẽ nhưng không có bất kì phẩm chất kể chuyện nào. Đó là kiểu tình khúc thật sự trung thực. Tôi không nghĩ mình từng viết tình khúc nào trước đó. Các ca khúc của tôi luôn là kiểu tiết chế hoặc có cú ngoặt. Tôi đã cố thử viết 1 ca khúc không ngô nghê, không có vẻ ngu ngốc hay khập khiễng như kiểu nhiều người vẫn làm. Tôi nghĩ tôi đã thành công. Tôi khá hạnh phúc với nó" - theo Byrne.

Quả thật, sự đơn giản đôi khi lại chính là điều khó nhất. Giống như các bậc thầy Ấn Độ cổ xưa đã biết được những âm thanh đơn giản nào có thể tạo ra được cộng hưởng, tác động mạnh mẽ. Cũng như thế, This Must Be the Place (Naive Melody) được đánh giá như bước tiến xuất thần của Talking Head, như 1 bài thôi miên âm nhạc tinh tế, bỏ lại những điệu đa nhịp, những trích dẫn hoa mỹ. Họ đã đưa âm nhạc của mình xuống tới mức gốc rễ tối thiểu, cả về âm thanh và ca từ. Cũng giống như trong tình yêu đích thực: 1 hơi thở nhẹ hơn muôn vạn lời nói ra.

Dù đơn giản là vậy nhưng This Must Be the Place (Naive Melody) vẫn tỏa ra sức mạnh kì bí, gián tiếp, giúp nó thoát khỏi mọi căng thẳng gò bó thường thấy ở các tình khúc khác. Phần hình ảnh cũng giữ đúng chất trừu tượng của Talking Heads. MV chính thức, do Byrne đạo diễn, cho thấy mọi người quây quần ngồi xem phim gia đình, tuy nhiên phim lại là bộ sưu tập khá kì lạ những thợ săn và cao bồi. Trong bộ phim âm nhạc Stop Making Sense, Byrne nhảy với 1 cây đèn trong suốt ca khúc.

Người hâm mộ nhanh chóng kết nối với This Must Be the Place (Naive Melody) nhưng ban đầu, nó chỉ là 1 hit nhỏ. Theo thời gian, ca khúc mới lộ dần sức mạnh tiềm tàng, thu hút được lượng khán giả lớn hơn khi thể hiện những cảm xúc mà không ca khúc nào khác có được.

Sự hồi sinh phổ biến của nó bắt đầu vào năm 1994 khi được Shawn Colvin hát lại. Nó lần nữa trỗi dậy trong thập kỷ tiếp theo nhờ phần cover của Arcade Fire, phiên bản có sự góp giọng của chính Byrne. Ca khúc cũng xuất hiện trong danh sách nhạc của nhiều nghệ sĩ khác như MGMT, The String Cheese Incident, The Lumineers,… cũng như các tác phẩm điện ảnh. Hiện nay, This Must Be the Place (Naive Melody) được coi là 1 trong những ca khúc của Talking Heads được yêu thích nhất.

"Tôi nghĩ mọi người nghe và thấy trái tim ấm áp bởi nó là ca khúc mang thông điệp về hạnh phúc và an bình. Bản thân tôi yêu ca khúc nay. Nó rất ngọt ngào - quả là 1 thành tựu với 1 ban nhạc như chúng tôi" - tay trống Frantz ca ngợi This Must Be the Place (Naive Melody).

Lộ ra nghệ thuật gốc rễ

Năm 2014, Pitchfork xếp hạng This Must Be the Place (Naive Melody) đứng thứ 22 trong danh sách 200 Ca khúc hay nhất thập niên 1980, ca ngợi Talking Heads đã loại bỏ những rườm để lộ ra nghệ thuật gốc rễ: Năng khiếu không thể bắt chước về giai điệu của David Byrne và khả năng độc đáo của anh trong cách làm mọi hình tượng âm nhạc trở nên vừa quen thuộc lại vừa gắn với tư tưởng trữ tình, và cú thức tỉnh vào phút chót. Trong danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại vừa cập nhật vào năm 2021, Rolling Stone xếp This Must Be the Place (Naive Melody) vào vị trí thứ 123.

Ca khúc 'Once In A Lifetime' của Talking Heads: Sự phi lý hấp dẫn trong âm nhạc

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022