tempest-2-9-24-read-only-17249262378521255119548.jpg

Nhóm nhạc Hàn Quốc TEMPEST đội nón lá tại live concert đầu tiên ở Việt Nam vào tháng 6-2024 - Ảnh: @kang_2703/X

Sau hơn một năm, ngành này dù vẫn sôi động và thu hút nhiều nghệ sĩ nước ngoài đến Việt Nam, cũng như ghi nhận "làn sóng ngược" là một số ít nghệ sĩ Việt Nam ra nước ngoài làm đêm nhạc riêng, nhưng không sôi nổi và đạt hiệu ứng lớn như mong đợi.

Show nước ngoài ở Việt Nam: nhiều nhưng nhọc nhằn

Nửa đầu năm 2024 đánh dấu sự nở rộ của các show diễn K-pop tầm nhỏ và tầm trung ở Việt Nam; những sự kiện fancon (gặp gỡ người hâm mộ kết hợp concert của ca sĩ) với quy mô khán giả xấp xỉ vài nghìn người; fanmeeting (gặp gỡ người hâm mộ, biểu diễn âm nhạc của diễn viên) chỉ vài trăm hoặc dưới 1.000 người.

Đó là các show của Super Junior-D&E, Super Junior-L.S.S (đều là nhóm nhỏ của Super Junior), nhóm lớn Super Junior (thông qua chuỗi concert Super Show - Spin-off).

Các show này đều ở quy mô nhà thi đấu Phú Thọ, Rạch Miễu với số khán giả là hàng nghìn nhưng không phủ kín.

Hay show của nhóm nhạc TEMPEST với thành viên người Việt là Hanbin tại nhà thi đấu Phú Thọ cũng không bán hết vé vì nhóm còn mới mẻ và chưa có nhiều ca khúc hit phổ biến tại Việt Nam.

Đó là các đêm nhạc riêng của Kim Jae Joong (cựu giọng ca chính của nhóm nhạc DBSK, thành viên hiện tại của nhóm JYJ) tại nhà thi đấu Quân khu 7 và anh còn hứa hẹn sắp tới sẽ trở lại trong khuôn khổ chuyến lưu diễn của mình;

Baekhyun - thành viên được coi là nổi tiếng nhất nhóm nhạc EXO, với hai đêm tại nhà thi đấu Phú Thọ; ca sĩ Daesung - thành viên nhóm nhạc BigBang tại nhà thi đấu Quân khu 7…

Các show này được tổ chức tạm ổn, để lại ấn tượng tốt cho khán giả dù không phải đêm diễn nào cũng kín vé.

Điểm chung của các ca sĩ solo đến Việt Nam nằm ở chỗ họ đều là giọng ca chính, giọng ca dẫn dắt trong nhóm nhạc của mình nên hát rất tốt và có thể một mình cân cả đêm nhạc riêng, danh mục nhạc có cả hit riêng của bản thân lẫn hit của nhóm.

kim-jae-joong-2-9-24-read-only-1724926237848449622071.jpg

Kim Jae Joong, cựu thành viên nhóm nhạc DBSK, đến Việt Nam hồi tháng 4 và sẽ trở lại với concert riêng vào tháng 9

Nhóm nhạc của họ cũng có chỗ đứng vững chắc, thậm chí được coi là huyền thoại K-pop nên có nhiều fan lâu năm có nhu cầu xem thần tượng biểu diễn. Các đêm diễn vài nghìn khán giả không bị coi là quá sức với những cái tên này.

Hiện tại, đang có tin đồn nhóm nhạc nữ lâu năm 2NE1 sẽ có concert tại Việt Nam vào khoảng những tháng cuối năm nay, nhân dịp nhóm trở lại hoạt động chung sau nhiều năm vắng bóng.

2NE1 từng đến Việt Nam hai lần vào năm 2011 và 2014, còn trưởng nhóm CL từng biểu diễn riêng tại Việt Nam vào năm 2022.

Bên cạnh những show đã diễn ra với những khó khăn, thách thức nhất định, các show nước ngoài tại Việt Nam năm nay cũng có show khó bán vé phải hủy như fanmeeting của diễn viên Kim Seon Ho (Hometown Cha-Cha-Cha), hay fanmeeting của diễn viên Lee Jong Suk (Big Mouth) được tổ chức tại một trung tâm tiệc cưới với quy mô khá nhỏ, bị cho là chưa xứng tầm tên tuổi của anh.

Dư âm đáng buồn từ năm 2023 vẫn còn khi show K-pop Giáng sinh mang tên Open Air #2 X-mas Festival in Hanoi của đơn vị Bom Entertainment bất ngờ hủy. Show này dự định tổ chức trong hai ngày 23 và 24-12.

Hàng loạt ca sĩ, nhóm nhạc Hàn bức xúc hủy show vì ban tổ chức làm không đúng thỏa thuận hợp đồng, tiếc nuối vì không thể sang Việt Nam biểu diễn như nhóm Infinite, The Wind, Highlight, Kim Jae Joong, Nichkhun và Jun.K (2PM), TRI.BE… cũng như các ca sĩ Việt thông báo bỏ show như Tóc Tiên, Tăng Duy Tân, Chi Pu, Đức Phúc…

Đến nỗi khi sang Việt Nam vào tháng 4-2024, ca sĩ Kim Jae Joong cho biết anh vẫn còn buồn vì sự cố hủy show này và tổ chức đêm nhạc riêng để bù đắp tổn thương của người hâm mộ.

Điều đó cho thấy các ca sĩ Hàn Quốc vẫn giữ mong muốn đến Việt Nam, khi đến đây họ thường dành lời khen cho sự thân thiện, gần gũi và gắn bó của những người hâm mộ trung thành.

Trong buổi họp báo đêm nhạc của TEMPEST tại Việt Nam, đại diện đơn vị tổ chức concert cũng thừa nhận công tác tổ chức gặp nhiều khó khăn và nhận những hoài nghi, lo ngại từ khán giả. Các ban tổ chức cũng đối mặt với bài toán tài chính và năng lực vận hành.

Hiện tại khán giả không quá tin vào sức hút của các concert nước ngoài nói chung, concert K-pop nói riêng (vì số lượng đông đảo nhất, chiếm phần lớn) tại Việt Nam, một phần lớn vì chưa có nghệ sĩ khiến một bộ phận lớn xã hội phải quan tâm, khiến những người không phải fan cũng phải háo hức và săn vé.

Trên các diễn đàn K-pop, khi được khảo sát với câu hỏi hiện những cái tên nào sẽ tạo cơn sốt giống như BlackPink năm ngoái khi đến Việt Nam, câu trả lời vẫn xoay quanh hai nhóm nhạc K-pop nổi tiếng toàn cầu là BTS và BlackPink, và đâu đó là G-Dragon - người được mệnh danh ông hoàng K-pop nhưng đã mấy năm không hoạt động âm nhạc.

Show Việt Nam ở nước ngoài: chưa có sức hút lớn

Về show nhạc Việt Nam ở nước ngoài có Hà Anh Tuấn mang thương hiệu riêng đêm nhạc của mình là Sketch a Rose đến các khán phòng nổi tiếng của thế giới: nhà hát trái sầu riêng Esplanade (Singapore) ngày 11, 12-6 vừa qua và sắp tới là nhà hát con sò The Opera Sydney (Úc) ngày 29-9.

Với số lượng 3.200 ghế tại Singapore và 2.600 ghế tại Úc, đây là những đêm nhạc có quy mô nhỏ hơn nhiều so với các đêm nhạc trong nước của ca sĩ.

Các đêm nhạc này cũng cần sự đồng hành của doanh nghiệp thân thiết với Hà Anh Tuấn, chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào khâu bán vé.

ha-anh-tuan-2-9-24-read-only-17249262378372100925572.jpg

Ca sĩ Hà Anh Tuấn Hà Anh Tuấn tổ chức trọn vẹn hai đêm diễn riêng Sketch a Rose tại Singapore, là nỗ lực của một tập thể

Bên cạnh ca sĩ chính, toàn bộ ca sĩ khách mời trong đêm diễn ở Singapore đều là người Việt (gồm Phan Mạnh Quỳnh, Vũ. và Trần Duy Khang - giọng ca chính của ban nhạc Chillies) nên sức lan tỏa đến khán giả quốc tế không cao.

Một số khán giả nhận xét việc chất lượng âm thanh trong khán phòng nhà hát Esplanade quá tốt cũng là một thử thách cho các ca sĩ Việt trong việc hát live, khó che giấu những nhược điểm.

Sắp tới, khi Hà Anh Tuấn đến Úc, khán giả đang mong chờ sẽ có sự thay đổi về khách mời sao cho đêm diễn mang tính quốc tế hơn.

Đây không phải là hy vọng vô cớ, mà lý do là Hà Anh Tuấn từng mời được Kitaro - huyền thoại âm nhạc Nhật Bản - biểu diễn trong hai đêm nhạc Chân trời rực rỡ tại Ninh Bình vào năm 2023.

Dù sao, việc Hà Anh Tuấn mạnh dạn mang đêm nhạc riêng sang nước ngoài, kéo khán giả Việt sang nước ngoài, đối mặt những thách thức trong khâu bán vé… cũng là nỗ lực lớn đáng ghi nhận. Anh cũng truyền cảm hứng cho các ca sĩ khác trong ước mơ tổ chức show.

Ca sĩ Phan Mạnh Quỳnh, khách mời trong đêm diễn, chia sẻ: "Tôi cũng như Vũ. hay Khang là thế hệ đàn em và rất hạnh phúc khi có một dịp đặc biệt như vậy. Chúng ta đi sang đây cũng vất vả, là sự nỗ lực của rất nhiều anh em. Để có chương trình hôm nay, mọi người đã làm rất nhiều việc".

Trong khi đó với quy mô "nhẹ nhõm" hơn là khoảng 800 khán giả, đêm nhạc của Văn Mai Hương là TKO Concert 01 - "Hương" Live in Tokyo đã diễn ra chỉn chu tại Nhật Bản hồi tháng 4. Ban tổ chức thừa nhận dù đã tổ chức xong, họ vẫn cảm thấy việc thực hiện đêm nhạc tại Nhật là một quyết định liều lĩnh.

Bởi ca sĩ chính Văn Mai Hương vẫn biểu diễn được nhưng đã có sự cố xảy ra khiến một vài khách mời không kịp đáp chuyến bay đến Tokyo, hai ca sĩ Hoàng Dũng và Lâm Bảo Ngọc không thể tham gia đêm diễn.

Ngoài ra còn những khó khăn mà khi tổ chức đêm nhạc ở nước ngoài sẽ dễ gặp hơn trong nước như khán giả phải bay ra nước ngoài nên gặp trục trặc trong khâu visa, gần ngày vướng công việc không thể đi được, việc bán lại vé cho người khác cũng khó khăn hơn trong nước… nên nhiều người phải cân nhắc.

Với các khán giả người Việt Nam đang sống tại quốc gia nơi tổ chức đêm nhạc, không phải ai cũng là fan của ca sĩ nên việc mua vé cũng đắn đo nhiều hơn.

ha-tran-2-9-24-read-only-17249262378431481360194.jpg

Việc Hà Trần hủy hai đêm diễn kỷ niệm 30 năm sự nghiệp là cú sốc lớn không chỉ với cô mà còn với ngành tổ chức biểu diễn

Concert của ca sĩ trong nước cũng gặp khó

Về những thách thức của việc tổ chức một đêm nhạc riêng của ca sĩ trong thời điểm hiện nay, ca sĩ lâu năm Lam Trường nhận định với báo chí: "Làm show không khó về chuyện thực hiện, nhưng chuyện bán vé rất căng thẳng.

Đó là khó khăn thực tế mà ai cũng đương đầu. Nhiều bạn chấp nhận số tiền đầu tư vào sẽ nhiều hơn doanh thu nhận lại, nhưng tôi tin các bạn lo ở chỗ đêm diễn có đông khán giả đến nghe mình hát không.

Bây giờ các show đều có nhà tài trợ, một số đơn vị có lượng khách hàng ổn định riêng. Các bạn ca sĩ trẻ cũng có đủ chất liệu để làm show".

Live concert Thiên hà tinh khôi của ca sĩ Hà Trần ban đầu phải đổi địa điểm ở TP.HCM ngày 10-8 từ nhà thi đấu Quân khu 7 sang nhà hát Hòa Bình với lý do ê kíp đưa ra là để dàn dựng sân khấu trên mặt nước.

Nhưng giữa hai địa điểm này cũng có chênh lệch về sức chứa, cụ thể là giảm từ 4.000 - 5.000 chỗ ngồi xuống chỉ còn trên 2.000 chỗ ngồi. Do đó nhiều khán giả suy đoán ê kíp muốn giảm sức ép về việc bán vé.

Nhưng cuối cùng, đáng tiếc hơn nữa, vào cuối tháng 7, Hà Trần và ê kíp buộc phải thông báo hủy hai đêm diễn Thiên hà tinh khôi tại TP.HCM ngày 10-8 và Hà Nội ngày 24-8 mà không có lịch tổ chức mới, cùng lời hứa sẽ hoàn tiền cho khán giả.

Những động thái này làm thu hẹp khả năng live concert sẽ được tổ chức trong tương lai.

Không chỉ Hà Trần, live concert 1689 của ca sĩ Trung Quân năm nay cũng được tổ chức tại TP.HCM và Hà Nội, tiếp nối live concert 1589 vào năm ngoái, nhưng bị cho là bán vé chậm hơn hẳn.

Vào giai đoạn cuối, show phải dời ngày hai lần do lịch trình trùng với sự kiện quốc tang khiến ê kíp bị động, tuy nhiên cuối cùng Trung Quân và ê kíp vẫn tổ chức xong xuôi chứ không phải "đứt gánh giữa đường".

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022