Sáng mùng Một Tết, sau khi đã thắp hương cúng Thần linh và Gia tiên rồi hạ lễ để cả nhà cùng nhau chạm ly rượu Xuân ăn bữa cơm đầu tiên của năm mới, tôi đưa bố lên nhà thờ để ông đến thắp hương đủ ba nơi: nơi thờ cúng ông bà nội, nơi thờ các cụ trong chi họ và nhà thờ lớn - nơi đặt gia phả và thờ tự tổ họ Lê.

Thắp hương khấn vái trà nước xong xuôi, ông bảo tôi đi tiếp: Có nội cũng phải có ngoại, đưa bố vào thắp hương cho ông bà ngoại của bố. Ngôi nhà của cụ ngoại ngày xưa được chia cho nhà bác thứ năm, anh trai sát kề bố và cũng là người bố thân nhất trong số năm ông anh của ông.

anh-nghe-thuat-2-1711616483847498341785.jpg

Hai bác cũng mới mất được vài năm, bác trai mất trước, đã cải táng, bác gái mới đi nên còn thờ riêng chếch phía dưới. Hai cha con kính cẩn thắp hương vái các cụ các ông các bà các bác rồi bố lầm rầm khấn khứa. Lúc xong, bố chỉ vào di ảnh của người đàn ông còn trẻ trông rất sáng sủa, đẹp trai, bức ảnh cỡ nửa trang A4 nhưng vẫn giữ được nước ảnh sắc nét, rõ ràng, nói với tôi: Anh Tiến mà bố kể cho con nghe hôm trước đấy.

Hồi ức của ông cụ U90 hai tai giờ phải dùng máy trợ thính, đi đâu phải chống gậy, là những mảnh ghép lúc mờ lúc tỏ, lúc rõ ràng lúc mơ hồ, mỗi khi hai cha con ngồi với nhau, tôi chỉ ngồi ngoan nghe ông kể chuyện như tự sự, trí não ông như trôi về một miền dĩ vãng xa xăm nào đó, để không ngắt mạch tư duy của ông, tôi không hỏi gì thêm (mà có hỏi ông cũng khó nghe được), chỉ chăm chú nghe, rót nước châm trà để ông biết con trai ông đang tập trung vào từng lời ông nói.

Bố kể, anh Tiến là con trai thứ của bác thứ năm. Hồi bố mẹ sinh tôi, anh đã đi làm ở Công ty lương thực của huyện (hay của một cụm xã nào đó không rõ nữa). Vậy chắc anh hơn tôi khoảng 20-30 tuổi. Thời những năm cuối thập kỷ 70 đầu 80, được làm cho một Công ty lương thực là niềm mơ ước của bao nhiêu người, nhất lại là một vùng đất quanh năm đói khổ rét mướt bão lũ như Hà Trung (Thanh Hóa). Bố nói, khi biết chú sinh được cậu con trai, anh Tiến mừng lắm, thay vì thi thoảng mới gửi biếu chú thím ít gạo ít mì thì những ngày đó anh tìm đủ mọi cách để có được càng nhiều lương thực càng tốt. Gom được lúc 5 cân lúc 10 cân anh lại chở về nhà cho chú thím nấu cơm lấy nước cơm đút cho em trai thiếu sữa. Gạo kiếm được có khi là gạo cháy – loại gạo chứa trong kho thời còn chiến tranh bị bom Mỹ thả trúng, cháy xém, vì đói nghèo túng thiếu nên vẫn bảo quản giữ gìn để chia nhau sử dụng lúc giáp hạt đói kém.

anh-nghe-thuat-10-17116164843781021900637.jpg

Bố kể, sữa hộp loại "sữa ông già" (chắc là sữa ông Thọ?) hay sữa con chim (chắc là vỏ hộp in hình con chim?) hồi đó là mặt hàng "xa xỉ phẩm", không biết phải ví với cái gì bây giờ mới tương xứng (nước yến hay đông trùng hạ thảo bây giờ có tiền là mua được ngay). Có hôm anh Tiến đem về năm hộp sữa đưa cho bố, bảo chú ạ, hôm nay cháu tìm mãi mới kiếm được ngần nấy sữa cho em, chú cầm tạm cho em ăn, kiếm thêm được cháu lại đem về đưa chú.

Năm hộp sữa đặc có đường của cách đây hơn bốn mươi mấy năm ở xứ đồng chiêm trũng Bắc Trung bộ quanh năm ăn khoai ăn sắn ăn cơm độn, nó quý báu giá trị đến ngần nào, nhất là với một sản phụ 40 tuổi vừa sinh nở lần thứ 5 ra một thằng bé quặt quẹo là tôi…

Bố khẽ lắc đầu cùng dòng hồi tưởng rồi hơi chồm người dậy như cố nhớ lại những ký ức tỏ mờ gần nửa thế kỷ trước: Nhà có năm ông anh trai, có bao nhiêu đứa cháu, nhưng nó (anh Tiến) là đứa mà bố thân nhất, nó là đứa tử tế, biết điều và thương chú nhất. Con được như bây giờ là một phần nhờ những cân gạo, hộp sữa của anh họ con từ những ngày mà giờ có kể lại, bọn nhỏ như con bé Hải Vân nhà con nó lại tưởng ông Nội đang kể chuyện Thần thoại hay cổ tích.

- Anh con đẹp trai lắm – ông lại tiếp dòng hồi tưởng miên man về người cháu ruột thân thương nhất của mình với tràn đầy tiếc nuối – Nó học giỏi, mắt sáng, dáng dong dỏng cao, nhìn thông minh đĩnh đạc. Chuyện tình yêu của nó cũng trắc trở, hai đứa yêu nhau nhưng gia đình hai bên không đồng ý, nhưng anh con vẫn quyết tâm đến với người yêu. Vợ là cái con bé tên Ngoan ở xã bên cạnh. Con bé đấy đẹp lắm. Sau khi anh con chết, mãn tang chồng, nó đi bước nữa rồi sinh cho người ta được một đứa con, xong cũng ra đi. Người ta cứ bảo hai vợ chồng nó yêu nhau tha thiết nên sớm muộn gì cũng về với nhau. Cũng chả biết anh con về dắt vợ đi hay vợ nhớ thương chồng quá mà lìa trần khi còn trẻ đẹp…

Kể đến đó, giọng ông đã ướt sũng, tay run run gỡ cặp kính lão đã mờ nhòe ra lau vội giọt nước như sương đọng trên khóe mắt, lần lần đặt cặp kính xuống bàn rồi tiếp tục dòng hồi tưởng của mình.

- Những người tốt bụng, đẹp đẽ chả hiểu sao phận số lại mong manh. Một ngày bố đang đi dạy thì thấy bác con nhắn lên Bệnh viện huyện, anh Tiến con đang nằm viện. Vội vàng đạp xe lên thì thấy nó xanh xao hốc hác, hỏi bị bệnh gì thì anh con nói người ta bảo cháu bị xuất huyết dạ dày và một vài thứ khác nữa. Thời đó ăn uống thì kham khổ, lao động thì cực nhọc mà nó lại là đứa chăm chỉ cần cù. Chữa trị một thời gian ở Bệnh viện huyện mãi không khỏi, mà hồi đó cả điều kiện sống lẫn trang thiết bị y tế không được một phần như bây giờ, vô cùng thiếu thốn. Có phải cứ muốn là có thuốc điều trị, có thể chuyển lên Bệnh viện Tỉnh, chuyển ra Hà Nội như bây giờ được đâu. Cứ đều đặn một hai ngày bố lại đạp xe lên với anh, đem đồ ăn thức uống nhưng nó không ăn được, chạy khắp nơi hỏi cách điều trị, hỏi việc chuyển lên tuyến trên điều trị cũng không được.

 Một hôm, lên thăm anh con thì thấy nó đang nằm truyền, chắc nước hay đạm gì đó. Nó thấy bố lên, thì thào nói: Họ nói cố mãi mới có được bình này truyền cho cháu, vì cháu chả ăn được gì và chả còn sức lực gì chú ạ. Có khi truyền xong bình này thì cháu chết mất, chú ơi. Mà đúng thế, người ta truyền xong cho anh con bình đạm cuối cùng đó, một buổi sau thì nó ra đi…

anh-nghe-thuat-1-17116164837061733508251.jpg

Tôi ngồi nghe, tai dần lùng bùng và đôi mắt mờ nhòe theo những gì ông lão kể. Đưa tay gạt nước mắt rồi vội quay qua đỡ bố đang chống bàn tay đầy những vệt đồi mồi gục đầu xuống nức nở.

Đàn ông họ Lê ai cũng thương yêu con cái thiết tha, chắp nối những câu chuyện tôi đã từng nghe mẹ, nghe các chị kể, lúc đưa anh từ bệnh viện về, bác ruột tôi thấy hai chị họ tôi còn bé đang chơi thơ thẩn ở đầu làng, ông nhảy xuống ôm chặt hai chị mãi không rời, chỉ sợ mất anh rồi, hai cô con gái bé bỏng lại như chim bay đi mất. Lúc đưa anh ra đồng trở về, đau khổ quẫn bách suy sụp quá (vì trong một thời gian ngắn mất đi mấy người thân), bác tôi đang nằm bẹp trên giường bỗng nhiên ngồi bật dậy bước đi, anh em họ mạc thấy lạ bèn chạy theo, ông lừ lừ đi ra bờ giếng rồi định đâm đầu xuống giếng, may mà mọi người ôm chặt cản kịp rồi khiêng vào nhà an ủi khuyên can…

Máu mủ ruột rà, thúc phụ tình thâm. Bao nhiêu năm rồi ký ức về người cháu ruột thân thiết tốt bụng hiền lành vẫn in hằn trong tâm trí bố. Dù anh đã ra đi bao nhiêu năm thì những điều tốt đẹp anh làm, vẫn ở lại cùng người thân của anh, vẫn không mờ phai theo năm tháng. Và tôi hiểu, mỗi người được sống, có được như ngày hôm nay – như tôi - đều đã từng được hưởng bao thương yêu, ân huệ của bao người.

Kể lại chuyện cũ không phải để khơi lại đau thương, mà để hiểu thêm rằng: dưới những vạt cỏ mướt xanh kia, dưới tán lá xanh non đầy sức sống, những bông hoa tươi thắm lộng lẫy kia là những vạt đất nâu trầm im lặng, là những vất vả hy sinh oằn mình ngày xưa cũ.

Tác giả Lê Hồng Lam sinh năm 1978 tại Thanh Hóa. Là dân kỹ thuật nhưng anh có đam mê văn chương, làm báo từ khi còn trẻ. Anh từng xuất bản cuốn tản văn “Những mảnh ký ức viết bằng bút chì” do NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành và cộng tác với nhiều tờ báo như: Thời nay, Văn nghệ Quân đội, Phụ nữ, Hà Nội Mới, Tiin, Khánh Hoà, Hà Giang, Petrotimes, VOV, VTC, Văn hoá Quân sự, Lao động, Nghệ An, Năng lượng mới, Tạp chí Dầu khí, Nhà văn & Cuộc sống, Văn nghệ, Gia đình và Xã hội nnhiều năm qua… Tính đến nay, số lượng bài viết của anh đã lên đến hàng trăm bài.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022