gloriamundi-anasdemoustierandarianeascaridecredits-exnihiloagatfilms-read-only-15806094022701372789892.jpg

Ariane Ascaride (trái) trong phim Sic transit Gloria Mundi. Bà đoạt giải nữ diễn viên xuất sắc nhất tại LHP Venice với vai diễn này - Ảnh: Awardsdaily

Trên những hình ảnh lộng lẫy và nhạc nền huyền ảo đó xuất hiện tên phim: Sic transit Gloria Mundi/Quang vinh rồi cũng đi qua - thành ngữ Latin nhắc nhở con người tính phù du, nhất thời của vinh quang trên thế gian này.

Thảm kịch gia đình

Bé gái vừa sinh ra có tên Gloria/Quang Vinh. Tất cả thành viên trong gia đình - mẹ Mathilda, ba Nicolas, bà ngoại Sylvie, ông ngoại Richard, dì Aurore, dượng Bruno - mừng vui tề tựu quanh em.

Sự ra đời của Gloria trùng hợp với sự kiện ông ngoại ruột của em - Daniel - được trả tự do sau 30 năm bị giam do ngộ sát trong một cuộc ẩu đả. Thời gian đó, Sylvie chung sống với Daniel và có thai Mathilda. Cô con gái đầu lòng này được Richard, chồng sau của bà, nuôi nấng cùng với Aurore, cô em một mẹ khác cha.

Gloria Mundi (2019) - Trailer (French)

Gloria ra đời sẽ mang đến gì mới cho các thành viên gia đình? Cho mẹ Mathilda - bán quần áo ở một cửa hàng chỉ thuê bà tạm bợ chứ không ký hợp đồng lao động? Cho ba Nicolas - lái xe tự do kiểu Uber, tức không được bảo hộ xã hội mà phải chi trả vay tín dụng mua xe?

Cho bà ngoại Sylvie - công nhân vệ sinh làm việc ban đêm? Cho ông ngoại kế Richard - tài xế xe buýt? Cho dì dượng Aurore và Bruno - chủ cửa hàng thu mua đồ vật của kẻ nghèo túng? Cho ông ngoại ruột Daniel - người chỉ biết làm thơ Haiku về một thế giới đã trở thành xa lạ với ông sau 30 năm tù tội?

Tai nạn xảy đến khi Nicolas bị nhóm tài xế taxi chính quy hành hung vì cho rằng Uber cạnh tranh bất chính. Bị đánh gãy tay, cha của Gloria không thể tiếp tục lái xe, không được hưởng bảo hiểm lao động mà hằng tháng vẫn phải trả nợ mua xe. Nicolas thất nghiệp, gia đình của Gloria mất nguồn thu nhập chính, trong lúc việc làm của Mathilda thì bấp bênh.

Nài nỉ xin một chân quản lý trong cửa hàng của em gái Aurore, Mathilda chấp nhận ngoại tình với em rể Bruno hầu đạt mục tiêu. Vụng trộm đổ bể, anh em cột chèo ẩu đả nhau và Bruno thiệt mạng. Cha Gloria rơi vào đúng tình cảnh của cha Mathilda 30 năm trước!

Là linh hồn của đại gia đình, Sylvie cương quyết không để thảm kịch năm xưa tái diễn, thú nhận khi Daniel đi tù, bà đã phải bán dâm để nuôi con gái Mathilda cho đến khi gặp được Richard.

Bà ngoại Sylvie cũng nhất quyết không để Gloria sống lại cuộc đời không cha của mẹ nó. Đáp án duy nhất cho vấn đề Sylvie đặt ra là Daniel - kẻ vừa được tự do - nhận tội sát hại Bruno, đi tù thay cho cha của cháu ngoại.

Kết thúc mà đạo diễn Guédiguian chọn cho phim - sự hi sinh của Daniel - quả chặn đứng vòng luân hồi mà Sylvie muốn phá vỡ. Nhưng đây chỉ là giải pháp cá biệt của một gia đình, chứ không thể phá luân hồi xã hội nếu trật tự của chủ nghĩa tư bản tân tự do vẫn nguyên vẹn. Tư tưởng chủ đạo/thật sự của "Quang vinh rồi cũng đi qua" là ở đây.

Ấn tượng nghệ thuật mạnh mẽ

Từ câu chuyện gia đình Sylvie, bộ phim của Guédiguian nêu lên những đặc điểm của chủ nghĩa tư bản ở thời kỳ "uberisation - uber hóa", các thành quả điều kiện lao động của phong trào công nhân giành được đang bị xóa dần, các giá trị biểu tượng mà phong trào công nhân từng giương cao - đoàn kết, huynh đệ, chia sẻ - đang bị phai nhòa:

Ngoài lời đề từ đặt ở đầu phim "Sự thống trị đạt đến tột đỉnh khi kẻ bị trị chấp nhận và lập lại diễn ngôn của kẻ thống trị", trong phim, đạo diễn cho Mathilda nói: "Tôi biết bà chủ sẽ đuổi tôi sau giai đoạn thử việc. Nếu ở chỗ bà ấy, tôi cũng làm như vậy".

Và sau bao nhiêu năm dấn thân đấu tranh công đoàn, Sylvie giờ đây từ chối tham gia mọi cuộc đình công bởi áp lực gia cảnh của con cháu: "Tôi không cho phép tôi mất một ngày lương". Bé Gloria trong phim đáng yêu bao nhiêu, cay đắng xã hội vò xé bấy nhiêu.

Là một trong những nhà đạo diễn hiếm hoi thủy chung với lý tưởng cộng sản và niềm tin vào con người, Robert Guédiguian chưa từng đề xuất một tác phẩm bi quan, nếu không nói là bi thảm như Quang vinh rồi cũng đi qua; nhưng cũng có thể nói, trong bối cảnh bi quan, đôi khi tuyệt vọng của xã hội Pháp, điểm sáng/điểm "lạc quan cách mạng" chính là sự ra đời của Sic transit Gloria Mundi với ấn tượng nghệ thuật mạnh mẽ.

Là lực lượng điện ảnh tài năng mà Guédiguian đã tập hợp quanh ông, đặc biệt nhóm nghệ sĩ bốn mươi năm đồng hành với ông - Ariane Ascaride (Sylvie), Gérard Meylan (Daniel), Jean-Pierre Darroussin (Richard)... Sic transit Gloria Mundi, theo chia sẻ của đạo diễn, như một thử nghiệm "hợp tác xã" độc nhất vô nhị trong điện ảnh Pháp.

Guédiguian - Ascaride

64000014x99p-15806094022681725460683.jpg

Robert Guédiguian sinh năm 1953 tại Marseille, Pháp và Sic transit Gloria Mundi là phim thứ 21 của ông. Sự nghiệp điện ảnh của Guédiguian khởi đầu với tác phẩm Dernier été (giải phim đầu tay Georges Sadoul 1981), nổi danh từ tác phẩm Marius et Jeannette (giải Un certain regard LHP Cannes 1997, giải phim Pháp xuất sắc nhất Louis Delluc 1997). Guédiguian vừa là biên kịch, đạo diễn và nhà sản xuất của tất cả các phim ông nhờ hãng phim hợp tác xã Agat Films & Cie - Ex Nihilo do ông thành lập cùng bạn bè.

Cũng sinh ở Marseille, Ariane Ascaride là bạn đồng hành trong cuộc sống lẫn sự nghiệp nghệ thuật bốn mươi năm của Robert Guédigiuan. Bà là diễn viên của hầu hết các phim ông là tác giả. Ascaride nhận giải thưởng César diễn viên nữ xuất sắc nhất của điện ảnh Pháp với phim Marius et Jeannette, và giải diễn viên nữ xuất sắc nhất của LHP Venice với Sic transit Gloria Mundi.

collagefotor-1507472835948-0-0-2022-3600-crop-1507472942529.jpgCinema chủ nhật: Những cuộc truy tìm sự thật

TTO - Không hẹn mà gặp, hai bộ phim chiếu rạp tại Việt Nam cuối tuần qua đều có hơi hướng của những câu chuyện trinh thám kể về những cuộc truy tìm và những sự thật bị ẩn giấu.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022