Ngoài Đoàn Kịch nói Kim Cương, Lê Công còn có một mái ấm khác, gồm 5 huynh đệ là Lê Xuân Hoàng (đạo diễn), Trọng Hải (đạo diễn), Lâm Thế Thành (quay phim), Phạm Thành Công (diễn viên) và Lê Công là… chú út. Họ kết tình huynh đệ rất tình cờ: từ một lần casting (tuyển vai) vai nam chính bị đạo diễn Lê Xuân Hoàng đánh trượt. Để rồi họ gắn kết với nhau như hình với bóng.
Từ cậu bé bị bỏ rơi đến vai chính “đo ni đóng giày”
Lê Công Tuấn Anh là chàng diễn viên có cách sống mộc mạc, chân thành và biết yêu thương người xung quanh. Phẩm chất đáng quý ấy của Lê Công cũng xuất phát từ một tuổi thơ đặc biệt. Đạo diễn Trọng Hải kể: “Lê Công thực sự vẫn còn đủ bố mẹ, nhưng chuyện tình của họ đứt gánh trong nỗi thất vọng của tuổi trẻ, cặp đôi chưa từng làm đám cưới. Lê Công và đứa em gái đã phải vào trại trẻ mồ côi, dù bố mẹ vẫn còn sống trên đời, sau đó được chị ruột của ba (cô Hai -PV) đón ra, đưa về ở trên đường Huỳnh Tịnh Của. Vì thời điểm ấy, cô Hai không đủ tiền chuộc em gái Lê Công. Đó là thứ tổn thương khủng khiếp, đeo đẳng trong đời Lê Công, bởi còn bố mẹ mà em gái phải sống cảnh mồ côi. Chính điều này khiến chàng trai trẻ luôn sợ làm người khác phải tổn thương, luôn sống tốt với mọi người và luôn thấy lòng tốt và sự tử tế của mình bao nhiêu cũng không đủ”.
Tài tử Lê Công Tuấn Anh
Gần cuối thập niên 1980, ban sáng tác trẻ gồm có Hồ Ngọc Xum, Lê Xuân Hoàng, Việt Linh, Phạm Ngọc Châu, họ thực hiện chùm phim có tựa đề Tìm vàng, giao cho anh Lê Xuân Hoàng làm đạo diễn. Phim Tìm vàng gồm 4 tập: Tìm vàng, Đường đi, Coi chừng nguy hiểm…
Hôm đầu tiên tuyển vai, diễn viên đến thử vai nhiều vô kể. Thời điểm ấy Lê Công Tuấn Anh đang hoạt động trong Đoàn Kịch nói Kim Cương, chuyên đóng vai phụ. Hôm tuyển vai, Lê Xuân Hoàng bảo Lê Công đứng trước máy quay nhìn nghiêng, thẳng và nhìn sang trái, sang phải, sau đó thì loại ngay, không đắn đo.
Cơ hội đóng phim đã hiếm, lại bị đánh trượt rất phũ phàng, khiến Lê Công buồn bã. Chàng diễn viên trẻ đã tìm đến phó đạo diễn Nguyễn Trọng Hải bằng lời tâm sự gan ruột như thế: “Em vừa lấy được tiền cát-sê 11 đồng ở đoàn kịch, em mời anh Hải uống nước với em”.
Trọng Hải không thể ngờ rằngtừ giây phút Lê Công bộc bạch về tuổi thơ dữ dội ấy, có một cảm xúc tên là tình thương cứ nhen nhóm trong anh. Trước mặt phó đạo diễn đầy quyền lực khi ấy (chỉ sau đạo diễn Lê Xuân Hoàng) là một chàng thư sinh hiền khô, thật thà, mộc mạc, ngày nào cũng rủ rỉ kể cho anh nghe về cuộc đời, về ước mơ được đóng phim. Cứ chiều đến, Lê Công lại đạp xe đến đường Ngô Thời Nhiệm, nơi đoàn phim đang tuyển diễn viên để tâm sự với đàn anh Trọng Hải.
Ngày thứ ba khi đạp xe tới, Lê Công thủ thỉ hỏi: “Vai anh Hải đang cần tuyển là như thế nào?”. “Đó là một chàng họa sĩ ngây thơ, trong sáng, tốt bụng”, Trọng Hải vừa dứt lời, Lê Công đứng dậy quả quyết: “Em diễn được vai này”. Lê Công đứng phắt dậy, diễn vai nhân vật không có trong kịch bản khiến Trọng Hải nổi hết da gà. Từ một anh chàng hiền lành ngoài đời, phút sau Lê Công có thể lột xác như thế.
Lê Công Tuấn Anh trong một vai diễn
Phút ấy, Trọng Hải mới biết hôm tuyển vai, đạo diễn Lê Xuân Hoàng mới đi tìm hình hài phù hợp với nhân vật. Hôm nay, Trọng Hải đã nhìn thấy thần thái của nhân vật trong diễn xuất của Lê Công.
Sướng quá, Trọng Hải kéo Lê Công vào trong gặp Lê Xuân Hoàng và năn nỉ đạo diễn cho Lê Công diễn lại. Lúc ấy Lê Công run lắm, nhưng vẫn cố gắng diễn, sau đó Lê Xuân Hoàng bảo: “Lê Công chỉ đạt 60% yêu cầu của vai diễn thôi”. Nghe đến vậy, Lê Công nhảy cẫng lên sung sướng vì từ lúc bị đánh trượt đến khi nghe diễn xuất được 60% yêu cầu, giống như có một tia hy vọng mong manh đang cháy lên trong đốm tro tàn buồn bã. Đúng là có ngày tuyệt vọng cũng nở ra một đóa hoa xinh đẹp, một đóa hoa vô thường, sớm nắng chiều mưa! Nhưng Lê Công đâu biết rằng 60% kia vẫn thiếu 40% nữa để Lê Công được nhận vai nam chính. Đây là bộ phim rất quan trọng, không dễ gì anh Hoàng trao cơ hội cho một người chưa đạt điểm 10. Nhưng để động viên Lê Công, Trọng Hải nhắn nhủ: “Anh không hứa trước, nhưng cố gắng nói thêm vào cho em. Nếu anh Hoàng vẫn chưa có lựa chọn nào tốt hơn thì em sẽ cố gắng thuyết phục anh Hoàng”.
Trọng Hải từ buổi gặp Lê Công lần thứ ba ấy, cứ mang trong mình cảm xúc đinh ninh về một chàng diễn viên trẻ yêu nghề, thánh thiện và trong sáng như một hồ nước trong veo, trong một sớm mai có tia nắng đùa giỡn. Nước hồ dường như có thể nhìn thấy đáy, giống như sự chân thật của Lê Công có thể tường tận mà không cần dùng phép thử. Điều ấy thôi thúc Trọng Hải phải làm gì đó để giúp Lê Công!
Một đêm quay phim đến 3h sáng, Trọng Hải phi xe máy về nhà Lê Xuân Hoàng ngủ (Trọng Hải là em kết nghĩa của Lê Xuân Hoàng, nhóm khi ấy mớicó 4 người). Thấy anh Hoàng đã quay lưng vào trong ngủ, Trọng Hải như một kẻ mộng du, cứ kể về Lê Công cho anh Hoàng cả đêm bằng sự đồng cảm, tiếc nuối. Đồng thời anh cũng cam kết rằng Lê Công sẽ đảm nhận vai chính đó, Trọng Hải đứng ra bảo lãnh 40% còn lại cho Lê Công.
Thấy đàn anh Lê Xuân Hoàng nằm im không nói gì, vẫn thở đều đều như đang say giấc. Thuyết trình về Lê Công xong, Trọng Hải mệt quá đi ngủ mà không biết rằng “dị nhân” Lê Xuân Hoàng đã nghe tường tận không sót một chữ nào. Mới sáng sớm, anh Hoàng đã lôi Trọng Hải dậy, giọng rất nghiêm trọng: “Hải! Anh đã có một quyết định rất hệ trọng về sự thành bại của phim. Vì câu chuyện em kể suốt đêm qua nên anh quyết định chọn Lê Công cho vai nam chính. 60% là lựa chọn của anh, 40% là của Hải”.
Đạo diễn Trọng Hải có nhiều hồi ức về Lê Công Tuấn Anh