Những năm 2000, Nguyễn Nhất Huy là tên tuổi rất quen thuộc với giới trẻ qua những ca khúc gần gũi, trẻ trung. Là một trong nhiều gương mặt trẻ nổi lên từ chương trình âm nhạc Làn sóng Xanh của Đài tiếng nói TP.HCM, Nguyễn Nhất Huy thường viết về những tình cảm thân quen: về cha mẹ, thầy cô, tình yêu tuổi trẻ...
Những ca khúc của anh như nói giùm nỗi lòng của khán giả. Có lẽ vì vậy, chúng đã được hát trong nhiều dịp, như bài Người thầy đã là ca khúc được hát rất nhiều trên các sân khấu học đường, vào những dịp tri ân thầy cô. Ca khúc này đã được đưa vào sách Âm nhạc 11, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.
Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
Như một "nhạc hiệu" của dịp 20/11
* Được biết, hình ảnh người thầy trong ca khúc "Người thầy" của anh là một nguyên mẫu ngoài đời. Khi viết ca khúc này, anh để cảm xúc dẫn dắt mình đi một cách tự do hoặc có chút băn khoăn nào đó? Liệu rằng những hình ảnh như áo sờn vai, con đò xưa, dõi theo bước chân học trò... đã cũ đối với người nghe?
- Như nhiều người đã biết, hình mẫu trong bài hát là thầy Trí Thanh - thầy dạy nhạc của tôi. Khi đến nhà thầy, lúc nào cũng thấy thầy mặc chiếc áo sờn vai, nên đã để lại trong tôi một cảm xúc đặc biệt, tôi cứ thế mà viết thôi: "Vẫn chiếc áo xưa sờn đôi vai/ Thầy vẫn đi buồn vui lặng lẽ".
Tôi nhớ hoài về những hình ảnh ân cần của thầy đối với học trò và với riêng tôi. Tôi đã mô phỏng thêm từ hình ảnh có thật đó và cộng thêm với những "cành hoa trắng", "con đò xưa"... Đó là những hình ảnh chung về người giáo viên của thế kỷ trước.
Vì hình ảnh thầy cô thời chúng tôi đi học giản dị như vậy, nên tôi cố ý viết ca khúc này bằng kỹ thuật đơn giản, dùng hợp âm la thứ - hợp âm rất căn bản, phải gọi là sơ đẳng - và phát triển giai điệu cũng đơn giản, âm vực không quá rộng, nên gần như ai cũng có thể hát được, thậm chí tôi đã thấy các bé tiểu học hát cũng được luôn…
* Khi ca khúc này ra đời đã được công chúng đón nhận và đến nay vẫn được hát nhiều, anh có bất ngờ về điều này không?
- Khi viết một ca khúc thì nhạc sĩ nào cũng mong muốn được nhiều người đón nhận, nhưng tôi không nghĩ nó chiếm được nhiều cảm tình như vậy, gần như đã trở thành bài hát "nhạc hiệu" vào mỗi dịp 20/11. Đó là một bất ngờ và cũng là niềm vui đối với tôi. Từ một hình ảnh, một câu chuyện có thật của riêng tôi đã trở thành hình ảnh chung về thầy cô giáo của nhiều người. Có lẽ vì vậy mà đã gần 1/4 thế kỷ, Người thầy vẫn được hát và được nghe.
* Cảm xúc của anh thế nào khi ca khúc này được đưa vào chương trình dạy nhạc cho học sinh trung học?
- Tôi bất ngờ và vui lắm. Trước giờ, bài hát này đã được in ấn, xuất bản nhiều trong các chương trình dạy nhạc, nhưng đây là lần đầu tiên xuất hiện trong sách giáo khoa và được dạy trong chương trình chính khóa. Tôi vui vì thông điệp mình gửi gắm - rằng hãy nhớ những người thầy xưa, khi sang sông hãy nhớ những người đưa đò với tình cảm và kỷ niệm đẹp nhất của tuổi trẻ - đã được lan tỏa đến các thế hệ học trò.
Ca khúc “Người thầy” trong Âm nhạc 11, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống
* Những năm gần đây liên tục có những thông tin về mối quan hệ bất hòa giữa thầy trò ở một số trường học, anh có mong tác phẩm của mình được vang lên nhiều hơn nữa để nhắc nhớ về tình cảm thầy trò không?
- Đó thật sự là những tin không vui, nhưng tôi vẫn nghĩ đây là những trường hợp cá biệt, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong số triệu triệu giáo viên và học sinh ở các trường học. Điều này không biết nói sao, tôi nghĩ cuộc sống sẽ luôn có nhiều trường hợp bất như ý xảy ra, kiểu như trong gia đình đôi khi có những đứa con bất hiếu, hoặc có những cha mẹ không tốt, thì thầy cô và học sinh cũng vậy.
Có thể, những trường hợp cá biệt ấy đang gặp các vấn đề khó khăn riêng nên có cư xử không đúng mực, nhưng tôi tin từ từ mọi thứ sẽ được điều chỉnh. Cuộc sống sẽ luôn thay đổi và hướng tới điều tốt đẹp hơn, theo lẽ tự nhiên là như vậy.
"Tôi cố ý viết ca khúc Người thầy bằng kỹ thuật đơn giản, dùng hợp âm la thứ - hợp âm rất căn bản, phải gọi là sơ đẳng - và phát triển giai điệu cũng đơn giản, âm vực không quá rộng, nên gần như ai cũng có thể hát được, thậm chí tôi đã thấy các bé tiểu học hát cũng được luôn" - nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy.
Giai đoạn chiêm nghiệm nhiều
* Ngoài tình thầy trò, anh còn khá nhiều ca khúc về tình cảm gia đình. Hình ảnh người cha người mẹ cũng được khắc họa cảm động. Anh có chia các thể loại: tình cảm gia đình, nhạc tình yêu, tình cảm thầy trò... thành những không gian sáng tác rõ ràng và cân bằng không?
- Trong sáng tác, tôi không vạch ra mục đích, không có suy nghĩ rằng vào thời điểm nào thì sẽ viết đề tài gì, mà khi cảm xúc đến thì tôi viết thôi. Chẳng hạn, tôi viết bài Tình mẹ là cảm xúc lúc tôi đứng trên sân khấu nhận giải thưởng Làn sóng Xanh.
Khi đứng trên sân khấu, cầm bó hoa, bất giác tôi lại nhớ hình ảnh mẹ cầm bó rau, lúc mình được tung hô là lúc mẹ lặng lẽ lặt rau nấu cơm cho con ăn, hai hình ảnh rất đối lập ấy đã khiến tôi cảm động.
Nguyễn Nhất Huy hát cùng những ca sĩ thân thiết Cẩm Ly, Lam Trường, Đan Trường trong đêm nhạc của mình. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
Còn ca khúc Nghĩ về cha được viết lúc cha tôi đang bệnh, tự nhiên bật lên trong đầu giai điệu này: "Từng ngày tháng sống gian nan mà thiết tha/ Cuộc đời biết tên con vì có cha".
Còn những bài Người về cuối phố, Đêm cô đơn, Bờ bến lạ, Thương nhớ người dưng… viết lúc đang yêu hoặc chia tay... Nói chung có nhiều hoàn cảnh để mình sáng tác và đang mang cảm xúc nào thì tôi viết bài hát đó, vậy thôi.
* Nghe nói anh đang ấp ủ mong muốn tổ chức các đêm nhạc cho những nhạc sĩ tài năng để họ thấy rằng mình được ghi nhận đúng thời điểm, chứ không quá muộn. Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về ý tưởng này và đã bắt đầu thực hiện chưa?
- Tôi thấy các nhạc sĩ đàn chú, đàn anh bị thiệt thòi nhiều lắm, nhiều người tài năng, nhưng đến khi mất rồi mới có một đêm nhạc. Hồi giữa năm 2023, tôi đã làm được đêm nhạc ở Đà Lạt để kỷ niệm 30 năm sáng tác của mình, rất cảm động, vì có những người bạn thân: Cẩm Ly, Đan Trường, Lam Trường... chung vui với mình.
Với nhiều khán giả, Cẩm Ly là “ca sĩ ruột” của Nguyễn Nhất Huy. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
Tôi may mắn vì tự tổ chức được đêm nhạc cho mình. Và, điều này lại khiến tôi nghĩ về những tiền bối, đôi khi vì những điều kiện khác nhau, mà họ không làm được đêm nhạc cho mình, dù rất muốn, nên tôi đề cập điều này như một gợi ý rằng, cá nhân hoặc đơn vị nào làm được thì cố gắng thực hiện khi tác giả còn sống, chứ đừng để mất rồi mới làm những đêm nhạc tưởng niệm, như vậy rất buồn.
Mọi thứ đang được lên kế hoạch, tôi sẽ tiết lộ với khán giả khi mọi thứ đã sẵn sàng.
* Không chỉ sáng tác nhạc, anh từng làm thơ và viết sách. Cơ duyên để anh viết sách và cảm hứng của anh khi viết về những chuyện hậu trường showbiz? Anh có đặt cho mình những giới hạn rằng sẽ tiết lộ đến đâu về chuyện hậu trường không?
- Trước khi viết nhạc, tôi đã viết báo, làm thơ từ hơn 30 năm trước, đăng trên các tạp chí Sóng nhạc, Mực tím, Áo trắng... Sau một thời gian viết nhạc, tôi thấy âm nhạc dễ đến với công chúng hơn, nên tập trung vào đó. Sách và báo thì tôi vẫn viết, ký dưới nhiều bút danh, có khi là tên những người yêu cũ (cười).
Về giới hạn, khi viết về chuyện hậu trường showbiz và những người bạn của mình, thật khó nói một cách rành mạch rằng đâu là giới hạn cần thiết, nhưng tôi nghĩ rằng khi mình viết bằng cái nhìn tôn trọng mọi người - nhân vật cũng như khán giả của mình - thì sẽ ít đem lại phiền toái cho họ.
Đây là giai đoạn tôi chiêm nghiệm nhiều hơn, nên sẽ viết sách nhiều hơn, xem như một giai đoạn làm mới mình. Dĩ nhiên, bên cạnh những việc vừa kể, tôi vẫn viết nhạc.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.
30 năm viết tình khúc
Sau một thời gian vắng bóng, đêm nhạc 30 năm tình khúc Nguyễn Nhất Huy tại Đà Lạt vào giữa năm 2023 đã đánh dấu sự trở lại của anh.
Nguyễn Nhất Huy sinh năm 1975 tại Cà Mau, hiện đang sống và làm việc tại TP.HCM.
Các giải thưởng: Nhạc sĩ yêu thích nhất Làn sóng Xanh 2000; Nhạc sĩ có ca khúc yêu thích nhất Làn sóng Xanh 2001 - 2002; Giải A Sài Gòn tình ca 2002 của HTV, với ca khúc Bên em chiều Sài Gòn; giải Mai vàng năm 2002 của báo Người lao động, với ca khúc Bến vắng do ca sĩ Cẩm Ly trình bày…