happenning-10-10-1read-only-16654544729251272417618.png

Anamaria Vartolomei (vai Anne) trong phim Happening - Ảnh: IMDb

Năm 1963 tại Pháp, Anne - một nữ sinh viên khoa văn học 23 tuổi - đã tự mình dùng cây kim đan len của mẹ để phá thai nhưng không thành. Sau đó, cô phải tìm cách phá thai bất hợp pháp thêm hai lần, khiến suýt chết vì mất máu. Người khắc họa cô sinh viên đó là Annie Ernaux, nữ văn sĩ Pháp, vừa giành giải Nobel văn chương.

Đó là một phân cảnh trong bộ phim Happening (tựa tiếng Pháp: L'Événement, 2021) của nữ đạo diễn Pháp Audrey Diwan đã giành giải Sư tử vàng tại LHP Venice năm 2021. 

Phim chuyển thể từ tiểu thuyết "tự truyện xã hội" (auto-socio-biographique) cùng tên (xuất bản năm 2000) của Annie Ernaux. Hai nữ tác giả đồng hương cùng đón nhận những giải thưởng danh giá bậc nhất thế giới của điện ảnh và văn chương, từ một ký ức cá nhân kinh hoàng...

Nỗi đau đớn từ truyện đến phim

Happening lấy bối cảnh tại Pháp những năm 1960, thời điểm mà việc phá thai còn bị xem là bất hợp pháp, và có nguy cơ bị bỏ tù. Anne (Anamaria Vartolomei thủ vai) - một sinh viên khoa văn học 23 tuổi - đã mang thai sau một lần qua đêm với một chàng trai cô gặp tại tiệm sách. 

Anne là một sinh viên giỏi giang có tương lai xán lạn với sự nghiệp giáo sư, nhưng mọi thứ có nguy cơ tan tành khi cô phát hiện mình đã mang thai được 3 tuần.

Từ lúc đó, cái kết của một cuộc đời tươi đẹp mà Anne hằng mong muốn bắt đầu đếm ngược. Cô nói với giáo sư của mình là cô bị bệnh, "một căn bệnh chỉ nhắm vào phụ nữ và biến họ thành nội trợ". Còn bác sĩ thì cảnh báo "Mỗi tháng đều có những cô gái thử vận may của mình và cuối cùng phải ra đi trong cơn đau đớn cùng cực".

Phim có một mở đầu tươi sáng như nhiều bộ phim lấy bối cảnh học đường khác. Anne và bạn bè đang trải qua giai đoạn đẹp đẽ nhất của tuổi trẻ, họ ăn diện và cùng nhau tới những bữa tiệc đại học cuối tuần nơi họ có thể say xỉn và tán tỉnh những anh chàng điển trai. 

Những phân cảnh này gợi nhớ đến một thời lãng mạn đã qua, thời đại mà chỉ có sự tương tác trực tiếp giữa người với người chứ không qua bất kỳ món đồ công nghệ nào khác. Tuy nhiên, đó là năm 1963, thời điểm mà nữ giới sẽ bị xem là tội phạm vì đã ưu tiên tương lai của mình hơn một bào thai.

Mở đầu bộ phim bằng những hình ảnh tích cực như thế, đạo diễn Diwan giúp người xem thêm thấm thía việc mang thai ngoài ý muốn đã biến cuộc sống tươi đẹp của Anne trở thành địa ngục như thế nào. Cô phải thốt lên với vị bác sĩ: "Một ngày nào đó cháu sẽ muốn sinh con, nhưng cháu sẽ không hy sinh cuộc đời mình để làm vậy. Cháu có thể ghét bỏ đứa trẻ đó vì điều này".

Đơn độc đối mặt với gánh nặng

Happening ra đời sau những phim nghệ thuật có cùng đề tài phá thai bất hợp pháp như 4 Months 3 Weeks and 2 Days (Bốn tháng, ba tuần và hai ngày, 2007), Portrait of a Lady on Fire (Bức chân dung bị thiêu cháy, 2019) hay Never Rarely Sometimes Always (Lạc bước tuổi mười bảy, 2020). 

Đến thời điểm hiện tại, cảnh các nhân vật nữ quằn quại đau đớn tại những nơi tăm tối bất hợp pháp khi những vật kim loại lạnh lẽo được đưa vào sâu bên trong họ đã không còn gây hiệu ứng mạnh mẽ như ban đầu.

Song, điều khiến Happening khác biệt so với các bộ phim kể trên là sự cô độc của nữ chính trong hành trình đau đớn này. 

Trong 4 Months 3 Weeks and 2 Days (giải Cành cọ vàng tại LHP Canes 2007), Gabita có người bạn thân Otilia, hay trong Never Rarely Sometimes Always, Autumn có người chị họ Skylar, và trong Portrait of a Lady on Fire, Sophie có cả sự đồng hành của Marianne lẫn Héloïse. 

Còn trong Happening, Anne đơn độc đối mặt với gánh nặng. Khi Anne nói ra sự thật với hai người bạn khá thân thiết là Brigitte và Hélène, họ tỏ ra sốc và dần chuyển sang tức giận khi biết ý định phá thai của cô. Còn anh chàng bạn cùng lớp Jean thì lợi dụng thể xác của Anne, bởi cô đang mang thai rồi sẽ không sợ bị dính bầu nữa!

Happening là một bộ phim khó xem, tràn đầy sự đồng cảm cũng như sự thật trần trụi đớn đau của số phận phụ nữ. Bộ phim, lẫn tiểu thuyết của Ernaux, như một lời nhắc nhở khẩn khoản về nhu cầu được bảo vệ quyền tự quyết cơ thể mình của nữ giới.

Khi một thế giới được trị vì bởi chế độ phụ quyền

3109579921082358089114256963586241285494419n-2read-only-16654545663211250883338.jpg

Nhà văn Annie Ernaux - Ảnh: Reuters

Phiên bản phim Happening và tiểu thuyết cùng tên có một vài điểm khác biệt nổi bật, trong đó đáng kể nhất phải nói là cách kể chuyện của nhà văn Ernaux và đạo diễn Diwan.

Trong sách, câu chuyện được kể thông qua các sự kiện năm 1963 xen lẫn với thời điểm viết sách là vào những năm 1990, khi Annie Ernaux đã là một nhà văn trưởng thành và nổi tiếng.

"Tôi tin rằng mọi trải nghiệm, bất kể bản chất của chúng, đều có quyền được ghi chép lại. Không có thứ gì gọi là sự thật "ít thật" hơn cả. Hơn nữa, nếu tôi thất bại trong việc truyền tải trải nghiệm này, tôi sẽ mắc tội cướp đi tiếng nói của các số phận phụ nữ và nhắm mắt làm ngơ một thế giới được trị vì bởi chế độ phụ quyền", Ernaux xác quyết.

Trong khi đó, đạo diễn Diwan chỉ kể độc nhất sự kiện trong quá khứ của Anne trẻ thay vì lồng vào đó lời tự sự của một Anne trưởng thành. Bởi "Nếu tôi thêm chi tiết tác giả nhìn vào những chuyện đã xảy ra thì tôi đã trói buộc cố định bộ phim này vào thời quá khứ".

Đây là một hướng đi đúng đắn vì luật cấm phá thai vẫn đang có hiệu lực tại nhiều quốc gia (và mới đây, 14 tiểu bang tại Mỹ đã tuyên bố cấm phá thai hoàn toàn và một bang cấm phá thai sau sáu tuần) cùng với vấn nạn tử vong do phá thai bất hợp pháp.

phim-y-moi-viec-roi-se-on-3read-only-16652832971391947777726-crop-1665283477045988907336.jpgĐiện ảnh Ý đương đại: Những 'tiếng cười trong bóng tối'

TTO - Bảy bộ phim được trình chiếu tại LHP Ý năm 2022 tại Việt Nam cho thấy nền điện ảnh Ý đương đại vẫn đầy sức hấp dẫn và quyến rũ người xem qua những tiếng cười, lúc trào lộng, lúc chua cay hoặc trong những tình huống khó ai ngờ tới.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022