Quảng cáo sai sự thật - mức phạt kỷ lục và hệ lụy niềm tin
"Chỉ một ngày, răng trắng sáng rõ" - câu slogan quảng cáo bắt tai của diễn viên Từ Hy Đệ (Tiểu S) cho sản phẩm kem đánh răng Crest từng thu hút nhiều sự chú ý tại Trung Quốc. Tuy nhiên, năm 2015, Cục Quản lý Công Thương Thượng Hải công bố án phạt kỷ lục: hơn 6,03 triệu NDT (tương đương 21 tỷ đồng) đối với nhãn hàng này vì hành vi quảng cáo sai sự thật.
Theo kết quả điều tra, hình ảnh răng trắng bật tông trong đoạn quảng cáo hoàn toàn là sản phẩm của photoshop, không phản ánh hiệu quả thực tế khi sử dụng. Cơ quan chức năng xác định đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng quy định về tính trung thực trong quảng cáo. Ông Miêu Quân, Trưởng phòng Quảng cáo của Cục Công Thương Thượng Hải, cho biết mức xử phạt được tính dựa trên tỷ lệ chi phí quảng cáo vi phạm, theo đúng quy định trong Luật Quảng cáo hiện hành tại nước này.

Từ Hy Đệ trong quảng cáo kem đánh răng khiến nhãn hàng bị phạt tiền kỷ lục.
Các chuyên gia cũng khẳng định: "Mục đích chính của kem đánh răng là làm sạch, có thể hỗ trợ chống ê buốt hoặc mòn men răng, nhưng để làm trắng rõ rệt chỉ sau một ngày là điều gần như không thể". Theo quy chuẩn tại Trung Quốc, mọi công dụng được tuyên bố trong quảng cáo sản phẩm đều phải đi kèm báo cáo kiểm nghiệm cụ thể.
Ông Miêu nhấn mạnh việc sử dụng kỹ xảo trong quảng cáo là chấp nhận được ở mức độ nhất định - chẳng hạn như làm trời xanh trong quảng cáo xe hơi. Tuy nhiên, khi chỉnh sửa nhằm đánh lừa công dụng thật của sản phẩm thì đó là hành vi gian lận, cần bị xử lý nghiêm khắc.
Dù Từ Hy Đệ không bị truy cứu trách nhiệm pháp lý trong vụ việc, theo Luật Quảng cáo Trung Quốc, người nổi tiếng đại diện quảng cáo không thể đơn giản phủ nhận trách nhiệm bằng cách nói “tôi không biết”. Dự thảo sửa đổi luật còn quy định rõ: nếu người đại diện biết hoặc buộc phải biết thông tin sai sự thật mà vẫn xác nhận và truyền bá, thì cũng có thể bị xử lý hành chính.
Phó Hiệu trưởng Trường Nhân văn và Truyền thông - Đại học Sư phạm Thượng Hải, từng nhận định: “Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng coi quảng cáo là nguồn thu chính, nhưng lại không kiểm chứng sản phẩm kỹ càng, thậm chí biết sai vẫn hợp tác vì lợi nhuận. Cần có 'vòng kim cô' pháp luật đủ chặt để việc quảng cáo trở nên nghiêm túc và có trách nhiệm hơn".
Hàng loạt ngôi sao quốc tế vướng bê bối quảng cáo sai - Cảnh báo cho người tiêu dùng
Không chỉ tại Trung Quốc, tình trạng người nổi tiếng quảng bá sản phẩm sai sự thật đã và đang trở thành vấn nạn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến lòng tin người tiêu dùng.
Tại Anh, chiến dịch quảng cáo sản phẩm trị mụn Proactiv với sự góp mặt của Katy Perry và Justin Bieber đã bị cấm do sản phẩm được bán tại Anh có thành phần khác với phiên bản mà các nghệ sĩ từng sử dụng ở Mỹ, gây hiểu nhầm nghiêm trọng.
Năm 2018, Kim Kardashian bị chỉ trích dữ dội khi đăng tải hình ảnh quảng bá kẹo giảm cân “appetite suppressant lollipops” trên Instagram, bị xem là truyền đi thông điệp lệch lạc về hình thể và ăn uống.
Tại Hàn Quốc, ngôi sao chương trình Single’s Inferno - Song Ji Ah - phải công khai xin lỗi sau khi bị phát hiện sử dụng và quảng bá hàng hiệu giả trên truyền thông và mạng xã hội.




Nhiều nghệ sĩ, KOLs bị lên án vì bán hàng giả, quảng cáo sai sự thật.
Không chỉ dừng ở mỹ phẩm và thời trang, các vụ quảng cáo sai sự thật còn lan rộng sang cả thực phẩm và y tế. Streamer nổi tiếng Viya bị xử phạt hơn 500.000 NDT vì quảng cáo sai thông tin về thực phẩm và mỹ phẩm. Xinba - hot streamer khác - bị phát hiện bán yến sào giả (thực chất là nước đường) và phải chịu án phạt hơn 130.000 USD, đồng thời bị cấm livestream trong 60 ngày.
Tại Trung Quốc, từng có những tên tuổi lớn như Thành Long và Vương Phi bị chỉ trích khi quảng cáo dầu gội chứa chất có thể gây ung thư. Diễn viên Đường Quốc Cường bị “vạ lây” khi hình ảnh của ông được sử dụng để quảng bá cho bệnh viện phóng đại hiệu quả điều trị, khiến nhiều bệnh nhân thất vọng.
Những vụ việc này không chỉ ảnh hưởng đến danh tiếng của người nổi tiếng mà còn gây thiệt hại trực tiếp đến sức khỏe, tài chính và niềm tin của người tiêu dùng.
Lời cảnh tỉnh
Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng tỉnh táo nhưng cũng dễ bị cuốn theo hào quang của thần tượng, trách nhiệm của người nổi tiếng trong các chiến dịch quảng cáo càng cần được nhấn mạnh. Việc kiểm chứng sản phẩm, hiểu rõ thông tin, cũng như đặt yếu tố đạo đức nghề nghiệp lên hàng đầu là điều không thể thiếu.
Các chuyên gia cho rằng nếu không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ và chế tài nghiêm minh, tình trạng “quảng cáo vì tiền, bất chấp hậu quả” sẽ còn tiếp diễn. Người nổi tiếng không thể chỉ là “bộ mặt đại diện” mà phải là người đồng hành có trách nhiệm với sản phẩm và người tiêu dùng.
Việc siết chặt pháp lý không chỉ bảo vệ người tiêu dùng mà còn giúp chính nghệ sĩ giữ gìn hình ảnh và sự nghiệp bền vững - điều mà không một khoản thù lao quảng cáo nào có thể bù đắp khi uy tín đã mất.