phim-elvis-2-7-1read-only-16568146916131960207031.jpg

Austin Butler hóa thân thành vua nhạc rock 'n' roll Elvis Presley trong bộ phim Elvis - Ảnh: Warner Bros

Điều đó đồng nghĩa với việc làm phim tiểu sử về Elvis luôn quá khó, bất cứ ai dám chạm tới Elvis cũng xứng đáng với một tràng pháo tay.

Bộ phim Elvis của đạo diễn Baz Luhrmann đang được công chiếu tại Việt Nam đã nhận được 12 phút vỗ tay khi công chiếu ở Cannes năm nay.

12 phút vỗ tay cho điều gì?

Trong 12 phút vỗ tay ở liên hoan phim quốc tế Cannes, có lẽ ba phần là dành cho lòng can đảm của đạo diễn, ba phần là dành cho thiết kế bối cảnh quá đỗi lộng lẫy (như những bộ phim của Luhrmann vẫn vậy), phần còn lại là dành cho màn trình diễn đầy adrenaline của Austin Butler - người vào vai Elvis. 

Nhưng chắc là không phần nào dành cho kịch bản của bộ phim cả.

Elvis đã bắt đầu với một lời hứa hẹn hay ho từ Colonel Tom Parker (do Tom Hanks thủ vai, người có đôi mắt quá đỗi chính trực khi vào vai tay quản lý cáo già, lưu manh và lắm chiêu trò gầy dựng nên đế chế Elvis). Y bảo y có thể bảo vệ Elvis khỏi tất cả mọi thứ, trừ tình yêu.

Thế nhưng, suốt 2 tiếng 40 phút dài dằng dặc của bộ phim, cái mà nhà làm phim kể cho ta nghe là tất cả mọi thứ, từ từng show diễn, từng chương trình mà anh góp mặt, tới cả cái chết của những người dù liên quan hay không liên quan như Bobby Kennedy, Martin Luther King và thậm chí cả... Sharon Tate, nhưng lại rất thiếu tình yêu.

Sự dàn trải của bộ phim đôi khi khiến ta ngỡ như mình đang đọc một cuốn truyện tranh tóm tắt cuộc đời danh nhân lỗi lạc, vừa rất đầy đủ mà cũng lại đầy lỗ hổng, cố gắng ôm gom mọi tình tiết nhưng chẳng tình tiết nào kể thật sâu, cứ mỗi lần lật trang là nhân vật đã khác đi: đùng một cái, anh hôn Princislla (người vợ tương lai); đùng một cái, anh nghiện chất kích thích; đùng một cái, anh nổi tiếng khắp đất nước; đùng một cái, anh rơi vào cảnh bê tha.

Cảnh đầu tiên khi Elvis xuất hiện, đạo diễn đã thử nghiệm một trò chơi "trốn tìm" bằng máy quay, khi để ống kính đóng vai con mắt của Colonel Tom Parker, cố gắng nhận diện anh chàng trẻ tuổi với những bản ghi âm đang nổi như cồn ở vùng nông thôn nước Mỹ là ai. 

Mới đầu, ta chỉ được thấy bóng chàng, lưng chàng, tóc chàng, phải mất một lúc để ta được diện kiến dung nhan Elvis. Sự chờ đợi khiến ta càng háo hức. Nhưng khi gương mặt Elvis của Austin Butler xuất hiện, ta đã có dự cảm không lành về nhân vật của anh, dù đúng là đôi mắt anh rất đẹp.

Elvis trailer 

Với Elvis, bắt chước là chưa đủ

Austin Butler hẳn đã nỗ lực gấp 300% để vào vai Elvis và xứng đáng với cơn mưa lời khen. Những cú lắc hông thương hiệu của Elvis, cái xương chậu như có phép thuật của Elvis, đôi chân dẻo như cao su của Elvis, tất cả đều được Butler tái hiện thuần thục, huy hoàng và mãn nhãn. 

Mãn nhãn đến mức đạo diễn liên tục chĩa máy quay vào tiêu điểm đó, để rồi quên mất rằng, Elvis có nhiều hơn thế.

Sinh thời, Elvis từng nói: "Tôi không cố để trở nên quyến rũ". Có lẽ đó là chìa khóa về anh, người đàn ông mà mọi cử chỉ, dù là khi anh cười phá lên trong lúc hát một bản nhạc, đều như được tẩm sẵn bùa yêu hay ngải tình. 

Đáng tiếc, Austin Butler thiếu đi phẩm chất duy nhất giải thích được tại sao những người hâm mộ nghe Elvis hát mà như lên đồng: sức hút tự nhiên không cần gắng công, và vì vậy khi xem Elvis, ta cảm thấy không thật khả tín khi những cô gái điên cuồng ném cả quần lót lên sân khấu của anh.

Elvis Presley trong phim đôi khi giống với... một thần tượng K-pop, nhảy từ bài nọ qua bài kia không phút giây ngơi nghỉ, nhưng giọng hát của anh đã đi đâu mất rồi? 

Một nhà sản xuất âm nhạc nổi tiếng thời ấy từng nhận định, tuy giọng hát của Elvis có sức mạnh và sự thoải mái khi lên những nốt cao, nhưng điều làm nên sự khác biệt của nó là "anh có tâm hồn, anh hát từ trong tim".

Ta không thấy điều đó ở Elvis của Austin Butler. Hai diễn viên có từ tính âm nhạc lớn nhất trong phim là người vào vai Little Richard và người vào vai Sister Rosetta Tharpe, hai nghệ sĩ da màu. 

Những phần đoạn rock ‘n’ roll trong phim làm kỹ bao nhiêu thì những bản nhạc trữ tình lại bị làm lơ bấy nhiêu, chúng nếu không bị đem làm nền với bản phối kỳ quặc thì cũng sẽ bị hát một cách rệu rã, chán chường, không thần sắc.

May thay, vào những phút cuối cùng, Luhrmann đã áp dụng công thức của Bohemian Rhapsody, đó là khép lại phim bằng cơn thác âm nhạc đỉnh cao để cuốn bay mọi lỗi lầm trước đó. 

Nếu như Bohemian Rhapsody tái hiện 20 phút trên sân khấu Live Aid huyền thoại của Queen, thì Luhrmann dùng chính thước phim thật trong buổi diễn cuối cùng của Elvis.

Đó là lần duy nhất trong phim ta được thấy một Elvis hát với từng tế bào trong tim. Và dù anh lúc này đã béo bệu và sưng húp, nhưng khi giọng anh vút lên: "Em có còn thuộc về anh chứ?", ta vẫn lặng người như được tắm trong phúc âm. 

Khoảnh khắc đó, ta biết, đây chính là Elvis mà ta "không thể không ngã vào tình yêu" (xin mượn tên ca khúc Can’t help falling in love). Ta biết ta yêu anh không vì bất cứ điều hào nhoáng gì, ta yêu anh vì anh là Elvis.

Vào khoảnh khắc Elvis từ giã trần thế, thật trái ngang khi đạo diễn lại để anh thốt lên một câu thoại gắn liền với... Trương Quốc Vinh: "Tôi từng nghe về một loài chim không chân. Chúng cứ bay, bay mãi và nép mình vào cơn gió khi mệt. Loài chim ấy chỉ đáp xuống đất một lần, đó là khi nó chết."

Dù gì đi nữa, ngôi sao Hong Kong là hậu nhân của Elvis, và Elvis xứng đáng với một khoảnh khắc ciné nguyên bản của riêng anh.

screen-shot-2022-02-18-at-180800-1645182490702739133164-crop-16451825077331267091065.pngPhim về Elvis Presley tung trailer; game nổi tiếng BioShock sắp lên phim

TTO - Câu chuyện về cuộc đời và âm nhạc của ông hoàng rock 'n' roll Elvis Presley sẽ được giới thiệu với khán giả yêu thích màn ảnh rộng vào mùa hè năm nay. Trò chơi điện tử nổi tiếng BioShock được chuyển thể thành phim viễn tưởng.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022