Trấn Thành là cái tên không còn lạ lẫm với khán giả đại chúng khi cùng lúc kiêm nhiệm nhiều vai trò: nghệ sĩ hài, MC truyền hình, diễn viên… Năm 2021, nam nghệ sĩ gây bất ngờ khi thử sức với vai trò đạo diễn điện ảnh. Bố Già - phim đầu tay của Trấn Thành trong vai trò đồng đạo diễn ra rạp vào tháng 3/2021 và thu về tới 420 tỷ đồng từ phòng vé toàn cầu. Đây là con số cao chưa từng thấy trong lịch sử điện ảnh Việt Nam.
Một năm sau Bố Già, Trấn Thành tiếp tục ra mắt phim điện ảnh thứ hai nhan đề Nhà Bà Nữ . Phát hành vào mùa phim Tết Quý Mão 2023, Nhà Bà Nữ từng được các chuyên gia dự đoán sẽ rời rạp với mức doanh thu dao động quanh mốc 200 tỷ đồng - con số rất cao so với mặt bằng chung các phim điện ảnh do Việt Nam sản xuất. Thế nhưng, chỉ sau chưa tới 10 ngày phát hành, Nhà Bà Nữ đã vượt 266 tỷ đồng và nhiều khả năng sẽ chạm ngưỡng 300 tỷ trong những ngày tới.
Công thức trăm tỷ của Trấn Thành
Bố Già của Trấn Thành xoay quanh Ba Sang (Trấn Thành) - một người đàn ông trung niên nghèo khó sống cảnh gà trống nuôi con. Ông Ba Sang có hai người con là Quắn (Tuấn Trần) và Bù Tọt (Ngân Chi). Quắn làm nghề sáng tạo nội dung, lớn đầu nhưng vẫn còn bồng bột. Anh luôn mơ mộng về một cuộc “đổi đời” toàn diện cho gia đình.
Thế nhưng mong muốn này lại vấp phải sự phản đối của ông Sang, dẫn đến chuỗi xung đột không hồi kết giữa hai người đàn ông - một đã rệu rã sau bao năm gánh vác vai trò trụ cột gia đình, một sắp phải cáng đáng vai trò đầy áp lực ấy. Câu chuyện được kể qua điểm nhìn của Ba Sang, với tất cả những lắng lo, sự bất lực và cả nỗi cô đơn, sợ hãi mà một người đàn ông phải trải qua khi đã ở bên kia con dốc cuộc đời.
Sang tới Nhà Bà Nữ, khán giả lại được dẫn dắt bước vào thế giới bên trong gia đình của bà Ngọc Nữ (Lê Giang) - chủ tiệm bánh canh cua nức tiếng tại Sài Gòn. Thời trẻ, bà Nữ bị chồng bỏ rồi sinh ra thái độ thù ghét đàn ông. Dưới bàn tay chăm sóc của bà, hai cô con gái Như (Khả Như) và Nhi (Uyển Ân) lớn lên mỗi người một tính. Cô Như giống mẹ ở thói ác khẩu nhưng giỏi kiếm tiền.
Cô tự ý lấy một người chồng lù khù tên Nhuận (Trấn Thành). Còn cô con út tên Nhi bị mẹ o bế từ tấm bé, giàu mơ mộng và hừng hực tinh thần phản kháng. Ba người phụ nữ như ba con hổ cùng sống trên một quả núi, không ngày nào là không to tiếng cãi vã, chửi bới lẫn nhau nhằm giành quyền kiểm soát cuộc đời mình, và cả cuộc đời đối phương.
Bố Già (trên) và Nhà Bà Nữ (dưới) có nhiều điểm trùng lặp về ý tưởng làm phim, mô-típ nhân vật cũng như nhiều gương mặt diễn viên (Ảnh: Trấn Thành Town)
Nếu đặt chồng cốt truyện của Nhà Bà Nữ lên cốt truyện của Bố Già, khán giả dễ nhận ra những điểm trùng lặp. Ta có một khu lao động bên lề những khu phố sầm uất của Sài Gòn, có một gia đình tam đại đồng đường cùng chia sẻ một không gian sống chật hẹp. Rồi sự chật hẹp trong không gian sống ấy mở ra những gò bó trong tư tưởng của mỗi người. Cha mẹ áp đặt mong muốn của mình lên con cái, con cái từ chối thỏa hiệp và cái kết không thể tránh khỏi là gia đình xào xáo, cãi lộn, chửi bởi, đập bát, lật bàn.
Nhân vật to tiếng tranh cãi, thậm chí chửi bởi, ném vào mặt những người rõ ràng họ đang vô cùng thương yêu những lời đao kiếm. Rồi đổ vỡ, mất mát, sầu khổ, tuyệt vọng… dẫn lối cho những hàn gắn trong muộn màng. Đó chắc chắn không phải cái kết “và họ sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi” mà là một tàn cuộc nơi người ta cuối cùng cũng phải ngộ ra cách để dàn xếp ổn thỏa với chính mình.
Không chỉ tương đồng về cốt truyện, hệ thống nhân vật trong hai bộ phim cũng không có nhiều khác biệt: ta có những người đàn ông nhẫn nhục và cam chịu, những người phụ nữ ngang ngược, những bậc cha mẹ đơn thân sầu muộn, đám thanh niên “trứng khôn hơn vịt” ương bướng…
Dàn nhân vật này hợp với nhau thành những cặp mâu thuẫn kinh điển: chồng nhu vợ cương, cha mẹ con cái khắc khẩu, người này là dầu người kia như lửa, khiến xung đột cứ leo thang không điểm dừng. Đây chính là công thức làm phim của đạo diễn Trấn Thành: kể những câu chuyện rất “đời”, tái hiện trên màn ảnh những lát cắt từ cuộc sống với tất cả bộn bề, lộn xộn và gai góc như nó vốn thế.
Trấn Thành đi guốc trong bụng khán giả
Trong sáng tạo nghệ thuật, người ta luôn tối kỵ sự lặp lại chính mình. Các diễn viên hàng đầu luôn nỗ lực làm mới bản thân qua từng vai diễn, các đạo diễn danh tiếng luôn đau đáu những ý tưởng và cách thể hiện mới cho tác phẩm tiếp theo.
Do đó, Trấn Thành có thể coi như một “ca hiếm” của điện ảnh Việt khi ra mắt liên tiếp trong hai năm hai bộ phim điện ảnh tương đồng về ý tưởng, chung một thông điệp và gần như trùng lặp ý tưởng mà vẫn thành công vang dội.
Thống kê một cách tương đối, đến nay, anh đã kiếm được tổng cộng gần 800 tỷ đồng chỉ bằng cách tái hiện những lục đục trong nội bộ một gia đình lên màn ảnh rộng.
Các bộ phim của Trấn Thành luôn ăn điểm vì đánh trúng những vẫn đề khúc mắc trong tâm lý của nhiều người Việt (Ảnh: Trấn Thành Town)
Giữa lúc nhiều đạo diễn và biên kịch phải đau đầu với câu hỏi làm gì để kéo khán giả ra rạp, để phim của họ không thua lỗ, thì Trấn Thành vẫn lãi to dù “bán” cho khán giả cùng một ý tưởng đến hai lần. Vì sao lại thế? Có phải vì sức hút từ cái tên Trấn Thành quá lớn, tới độ mọi thứ mà anh tạo ra sẽ đều được tung hô nhiệt liệt?
Đáp án xem chừng không phải vậy, hoặc ít ra không hoàn toàn là vậy. Giờ đã không còn là thời đại thiếu thốn các phương tiện truyền thông, giải trí để cả xã hội cùng “lên đồng” vì một vài người nổi tiếng như hiện tượng Beatlemania hồi thập niên 1960. Trấn Thành có thể được yêu thích, có lực lượng người hâm mộ hùng hậu, nhưng sự đóng góp của họ chắc chắn không thể tạo nên con số 420 tỷ hay 266 tỷ đồng doanh thu phim ta chứng kiến thời gian qua.
Khi uy tín của “người bán” chỉ xếp ở vị trí thứ hai (hoặc ba), thì ngôi đầu chắc chắn phải thuộc về chất lượng sản phẩm. Bởi khán giả thấy hài lòng với Bố Già, họ tin tưởng vào tay nghề làm phim của Trấn Thành và quyết định lựa chọn Nhà Bà Nữ khi phim ra rạp vào gần một năm sau đó, còn chất lượng phim hạ hồi phân giải.
Với Nhà Bà Nữ, không thể phủ nhận uy tín của Bố Già đóng vai trò quan trọng trong việc lôi kéo lớp khán giả đầu tiên tới rạp. Rồi từ đây, hiệu ứng truyền miệng sẽ làm nốt phần việc còn lại - thu hút thêm gấp nhiều lần con số khán giả đầu tiên ấy tới rạp thưởng thức tác phẩm.
Sự thành công về doanh thu của Bố Già trong năm 2021 và Nhà Bà Nữ năm 2022 cũng chứng minh một sự thật: Trấn Thành đi guốc trong bụng các khán giả của anh. Khi đảm nhận vai trò diễn viên trong bộ phim của một đạo diễn khác, Trấn Thành có thể hòa mình vào những câu chuyện giả tưởng diễm tình màu hồng. Thế nhưng, khi đạo diễn bộ phim của riêng mình, lựa chọn của anh đến lúc này vẫn khá nhất quán: Trấn Thành kể những vấn đề sát sườn với những người lao động ở thành thị, theo những cách bình dân nhất mà khán giả của anh dù không tự mình trải qua cũng ít nhiều chứng kiến đã diễn ra đâu đó quanh mình.
Mỗi bộ phim của anh lại tái hiện một góc nhỏ bộn bề của Sài Gòn mà khán giả nếu không trải qua cũng từng trông thấy ở đâu đó (Ảnh: Trấn Thành Town)
Phim của Trấn Thành có thể ví như trà đá vỉa hè - khó có cửa trong những mâm cao cỗ đầy sang trọng, quá xoàng xĩnh nếu đem so với trà đạo nhưng lại là thứ quà bình dân ai cũng có thể thưởng thức. Giữa trưa hè nắng nôi, người ta ắt sẽ muốn một vại trà đá giải nhiệt tức thời chứ không phải ly trà mạn ấm nóng được pha chế cầu kỳ. Áp dụng lý thuyết ấy vào Bố Già hay Nhà Bà Nữ, ta thấy Trấn Thành đã chạm được vào thứ - mà như nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm từng nói đến trong một bài viết của mình - là những “vết thương kiểu vô thức tập thể”.
Con dao hai lưỡi
Yếu tố cuối cùng đóng góp cho thành công thương mại của Nhà Bà Nữ và Bố Già chính là những tranh cãi từ hàng ghế khán giả. Nếu trước đây, nhà làm phim rất sợ các phản hồi tiêu cực về phim của mình, thì giờ họ chấp nhận nó như một phần tất yếu. Nếu một bộ phim không làm dấy lên những tranh luận, không gây tranh cãi, tức là nó không có đời sống trong lòng khán giả, không ai cảm thấy nó có gì lấn cấn hay đáng nhớ.
Trấn Thành là một nghệ sĩ có tài, anh được yêu mến, nhưng bên cạnh sự yêu mến ấy có cả chỉ trích, bài xích và ghét bỏ. Điều này đúng cả với những bộ phim anh đạo diễn. Trấn Thành ưa những thứ thô và thật trong phim của mình. Nhưng khán giả của anh không phải ai cũng vậy. Xem phim Trấn Thành, có người thấy đồng cảm, có người lại thấy như được giải tỏa, nhưng không thiếu khán giả bực tức vì thấy như bị tát vào mặt vì cả phim toàn những cự cãi, chửi bới.
Phim của Trấn Thành chạm được vào nỗi đau của khán giả, nhưng chưa chỉ cho họ thấy con đường thoát ra khỏi những rối rắm ấy (Ảnh: Trấn Thành Town)
Những bình luận bày tỏ sự thất vọng sau khi xem phim có thể khiến một bộ phận khán giả chùn bước quay đầu, nhưng chắc chắn nó cũng khiến không ít người khác phải băn khoăn, tò mò và mua vé đi xem với tâm lý “Để xem cái phim bị chê bôi này thực hư nó như nào”.
Trong số khán giả này, chắc chắn sẽ có những người hài lòng và những người không, tạo ra một vòng lặp bất tận. Tuy nhiên, phải luôn nhớ, dư luận cũng giống như con dao hai lưỡi. Khi số lượng bình luận tích cực và tiêu cực duy trì ở thế cân bằng, hoặc nghiêng về hướng tích cực, Trấn Thành vẫn sẽ có thêm khán giả. Trò chơi chỉ thực sự kết thúc khi 10 bình luận về phim của Trấn Thành thì có tới 8 cái chê bai.
Trong một bài phỏng vấn trước đây, Trấn Thành từng tiết lộ anh còn đang ấp ủ nhiều kịch bản phim xoay quanh các mâu thuẫn gia đình. Tất nhiên, không có gì sai khi Trấn Thành tiếp tục khai thác đề tài thế mạnh của mình.
Nhưng hãy nghĩ đến một tương lai xa hơn, khi gia tài đạo diễn điện ảnh của anh không còn gói gọn trong hai bộ phim Bố Già và Nhà Bà Nữ. Khi ấy, chắc chắn anh sẽ không thể tiếp tục lặp lại công thức làm phim kiểu “giải khát uống liền” của mình.
Như ông bà ta đã dạy quá tam ba bận, Nhà Bà Nữ cùng một công nghệ với Bố Già nhưng vẫn thắng lớn, tác phẩm thứ ba của Trấn Thành nếu có bổn cũ soạn lại có thể vẫn sẽ thành công nhờ vào quán tính của hai phần phim trước. Tuy nhiên, tương lai doanh thu từ bộ phim thứ tư trở đi sẽ là một dấu hỏi lớn nếu anh không có những thay đổi.
Trên thế giới, đạo diễn lừng danh James Cameron cũng không dám tự tin khi nói về doanh thu các phần phim tiếp theo trong loạt Avatar dù hai phim đầu thành công rực rỡ. Tại châu Á, Châu Tinh Trì từng kiếm bộn với phong cách làm phim hài châm biếm sâu cay của mình, nhưng kể từ sau Tuyệt Đỉnh Kungfu (2004), những ý tưởng làm phim của anh ngày càng khó lấy được tiếng cười từ khán giả, cùng với đó là doanh thu phòng vé sụt giảm. Thời thế thay đổi, cũng giống như thị thiếu của khán giả.
Trấn Thành đã thành công khi chạm tới nỗi đau, những tổn thương không nói lên lời của họ. Nếu không nghiêm túc nghĩ về sự thay đổi từ lúc này, Trấn Thành có thể sẽ lạc nhịp với người xem của chính mình khi họ nhìn vào bộ phim tiếp theo của anh và hỏi “Giờ tôi phải làm sao để hàn gắn những tổn thương của chính mình?”.