
Gia đình McNamara
Tập 2 Cuộc đọ sức của ý chí mới lên sóng VTV3, kể lại hành trình của ông Craig McNamara trở thành một người phản chiến, phản đối cuộc chiến tranh mà chính cha mình - cựu bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara - làm "kiến trúc sư trưởng".
Tập phim chất chứa nhiều suy nghĩ phức tạp, dằn vặt, đau đớn giữa hai cha con trong một gia đình nói riêng cũng là câu chuyện của nhiều gia đình Mỹ lúc đó.
Xem phim có thể hiểu Craig là một người yêu cha sâu sắc. Nhưng sự thật vẫn là sự thật, những điều mà cha ông đã làm "không thể sửa chữa".
Ông đau đớn vì điều đó nhưng điều đó cũng giúp ông đối diện quá khứ với những vết thương chưa lành. Qua bộ phim, ông muốn thay cha gửi lời xin lỗi tới toàn thể người dân Việt Nam.
Bi kịch của một đứa con yêu cha
Một ngày, Robert McNamara báo cả nhà sẽ chuyển tới Washington DC, ông sẽ phục vụ tổng thống mới đắc cử John Kennedy và nhận chức bộ trưởng Quốc phòng. Với Craig, đây là quyết định thay đổi cuộc đời cha, ông, nước Mỹ và thế giới vĩnh viễn.
Năm 1965, trong một chuyến công tác đến Việt Nam, Robert mang về một lá cờ của quân giải phóng.
Sau này Craig mới hay người lính mang lá cờ đó đã bị sát hại. Ông đã treo lá cờ đó trong phòng mình và nhen lên ý nghĩ phản chiến.
Tới cấp 3, một lần Craig đã gọi điện cho cha để hỏi ông có thể gửi tài liệu giải thích lý do quân đội Hoa Kỳ có mặt ở Việt Nam. "Nhưng không có gì được gửi đến", Craig nhớ lại.
Năm 1965, cùng với sự leo thang chiến tranh ở Việt Nam, ngọn lửa phản chiến được nhen nhóm trong lòng nước Mỹ. Có một nhóm người theo chủ nghĩa hòa bình đã tìm đến nơi ở của gia đình Robert McNamara để bày tỏ quan điểm phản đối chiến tranh.
"Lúc đó tôi muốn hỏi cha những quyết định ông đưa ra trong những ngày đen tối nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam nhưng không có câu trả lời nào", ông nhớ lại.
Tới tháng 11-1965, một sự việc chấn động nước Mỹ: Norman Morrison lái xe cùng con gái nhỏ đến Lầu Năm Góc, ngay dưới văn phòng Robert McNamara và tự tẩm dầu hỏa lên người rồi tự thiêu. Nguyên nhân được cho bắt nguồn từ những đứa trẻ vô tội chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến tại Việt Nam.

Norman Morrison tự thiêu ở Lầu Năm Góc gây chấn động dư luận Mỹ - Ảnh chụp màn hình
Trong cuốn hồi ký In Retrospect, Robert nói đó là một trong những ngày đen tối nhất của cuộc đời ông.
Craig đau lòng và khó hiểu khi cha không chia sẻ về sự kiện này. Chính sự im lặng đó mang lại bi kịch cho Craig: "Cha ơi, sao cha không nói với con về điều đã khiến cha đau đớn đến vậy? Khi cha im lặng, cha đã khiến con phải đau nhiều hơn".
"Đó là giai đoạn khiến gia đình tôi rơi vào khủng hoảng. Tôi không muốn nhắc điều này", ông McNamara từng nói trong phim tài liệu The Fog of War (Sương mù chiến tranh) đoạt giải Oscar năm 2004 của đạo diễn Errol Morris.
Năm 1969, Crai McNamara học năm nhất đại học, cũng là lúc phong trào phản chiến lên cao. Khi tham gia biểu tình chống chiến tranh, Craig bị những người xung quanh nhổ nước bọt, ghét bỏ, lăng mạ và nguyền rủa. Họ coi cha ông như hiện thân của cái ác, một kẻ hiếu chiến, "kiến trúc sư trưởng" của cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Craig quyết định rời khỏi Mỹ. Ông đến Nam Mỹ, làm việc với nông dân, tham dự buổi phát biểu của Fidel Castro ở Chile và kết bạn với những người cộng sản.

Ông McNamara được gọi là kiến trúc sư trưởng cuộc chiến tranh Việt Nam - Ảnh chụp màn hình
Bức tường ngăn cách cha con McNamara
Trong Sương mù chiến tranh, ông Robert McNamara nói "tôi tự hào về những gì đã làm được nhưng tôi cũng rất tiếc vì đã mắc sai lầm trong hành trình đó".
Những điều cả thế giới biết ấy thì Craig chưa từng được tiết lộ. Ông đã phải tìm hiểu về cha mình cả đời qua báo chí, sách vở hoặc những người khác.
Craig nói "dường như có một bức tường vô hình giữa hai cha con. Còn chúng tôi không thể xuyên qua bức tường để đến gần ông hơn".
Năm 1971, giữa lúc sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam đang chìm sâu trong bế tắc, một "quả bom" làm rúng động nước Mỹ.
"Người đàn ông nguy hiểm nhất nước Mỹ" Daniel Ellsberg, một chuyên gia phân tích quân sự Mỹ, đã làm điều không ai dám làm: sao chép và công bố 7.000 trang tài liệu tối mật (còn gọi là hồ sơ Lầu Năm Góc), tạo nên làn sóng phản đối chiến tranh tại Việt Nam mạnh mẽ chưa từng có.
Đây là bản tổng kết toàn diện về cuộc chiến tranh tại Việt Nam mà người đã ra lệnh biên soạn bộ tài liệu mật này là Robert McNamara.

Phong trào phản chiến dâng cao ở Mỹ - Ảnh chụp màn hình
Craig nói theo tìm hiểu không có nhà lãnh đạo nào cấp bậc như cha ông lại yêu cầu một việc như thế. Nhà tâm lý học Robert Rosenthal cho đây là điều thú vị từ góc độ tâm lý học, cho thấy Robert McNamara rõ ràng biết đã có những sai lầm.
Qua trò chuyện với Daniel Ellsberg, Craig hiểu thêm về cha mình, nhận ra cha đã đưa ra những quyết định khiến chiến tranh leo thang, nhưng cũng từng cố gắng kìm hãm Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, những người muốn đẩy cuộc chiến lên cao hơn nữa.
Lúc đó dù rời nhiệm sở ba năm, Robert McNamara vẫn bị cuốn vào tâm bão khi hồ sơ Lầu Năm Góc được phơi bày. Dẫu vậy "vẫn không có một cuộc đối thoại nào giữa hai cha con", Craig lấy làm buồn vì điều đó vì ông yêu cha mình.
Craig chia sẻ: "Tôi đoán ông đã cảm thấy xấu hổ sâu sắc vì có lẽ ông từng tin rằng mình đứng về phía công lý, về phía sự thật rồi lại đánh mất quyền kiểm soát và cuối cùng không thể làm điều đúng đắn nữa. Tôi tin ông đã mang trong lòng một niềm ân hận sâu thẳm đến mức không thể nào thổ lộ điều đó với tôi".
Ông kể trong những ngày cuối đời, Robert đã nói với con trai ông cảm thấy "Thượng đế đã bỏ rơi mình".

Cha con McNamara
Chúng ta không ngừng tìm kiếm hòa bình
Trong chuyến thăm Việt Nam để quay Cuộc đọ sức của ý chí, Craig đã đi nhiều tỉnh, thành, thăm lại chiến trường cũ của cha. Ông cũng gặp những cựu chiến binh giai đoạn đó cũng như nhiều người dân Việt Nam, nghe về chiến dịch Ranch Hand - phun hóa chất khai quang của không quân Mỹ xuống Việt Nam từ năm 1962 đến 1971.
Ông tự hỏi: "Liệu thời điểm đó ông ấy có hiểu mức độ độc hại của những chất này? Cha có biết rằng hành động của mình sẽ để lại những hệ lụy độc hại cho thiên nhiên, cho con người, cho sự sống?".
Craig kể nỗi đau ấy quá sâu sắc và nghẹn ngào, đến mức 8 năm trước, ông thậm chí "không thể thốt lên hai tiếng Việt Nam mà không bật khóc".
Trong chuyến đi này ông cũng về thăm lại làng Sơn Mỹ, nơi diễn ra thảm sát Mỹ Lai. "Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy thách thức. Bài học từ Mỹ Lai giúp chúng ta tìm kiếm hòa bình cho thế giới", ông nói.



Cuộc gặp ở thung lũng Ia Đrăng - Ảnh chụp màn hình
Ông cũng mang theo lá cờ năm xưa, trao lại cho những đồng đội của người chiến sĩ đã hy sinh ấy.
Hai cựu chiến binh Việt Nam và người con của kẻ thù ở bên kia chiến tuyến trước đây, giờ ôm nhau khóc sau nửa thế kỷ ngay tại thung lũng Ia Đrăng (Gia Lai) - nơi diễn ra trận đánh la Đrăng tháng 11-1965.
"Ở bất cứ nơi nào tôi đến trong những ngày qua, tôi đều cảm nhận được một tinh thần chung đó là khát vọng hòa bình, là sự sẵn lòng cùng nhau hàn gắn, là sự sẵn lòng bước đi cùng nhau", ông Craig McNamara nói "đó là một món quà quý giá".
Với ông, thông điệp quan trọng nhất mang về Mỹ là sự tha thứ, là người Việt Nam sẵn sàng tha thứ. Và cuối cùng ông cũng phải học cách tha thứ cho chính mình và "tôi tha thứ cho cha tôi", Craig nói.