Năm 1986, ban nhạc rock huyền thoại Metallica đã tái định nghĩa dòng thrash metal với một ca khúc vượt qua khuôn khổ hiểu biết của mọi người về một đề tài như thế: Con người không có khả năng làm chủ mình. Đó là Master Of Puppets (Chủ nhân của những con rối).
Kéo căng sáng tạo
Sau thành công vượt bậc của Ride The Lightning năm 1984, các chàng trai Metallica - ca sĩ/guitar James Hetfield, guitar Kirk Hammett, bass Cliff Burton và trống Lars Ulrich - tìm thấy mình ở một vị trí kỳ lạ. Rạo rực tham vọng và những ý tưởng sáng tác cao vời, vào mùa Hè năm 1985, họ bắt đầu phát triển theo hướng thrash đầy hiệu quả, ngay đúng tại thời điểm dòng nhạc này bùng nổ. Tuy vậy, họ sẽ không bao giờ từ bỏ gốc rễ của mình, luôn hướng tới mục tiêu thúc đẩy bản thân và cả dòng nhạc tiến về phía trước.
Metallica một lần nữa đẩy giới hạn sáng tạo với “Master Of Puppets”
Album thứ ba của nhóm sẽ là lò luyện, trong đó, họ rèn cả tốc độ và sự hung hãn trong hai phát hành đầu với những giai điệu mang rung cảm mới, ca từ và riff sắc bén hấp dẫn tới mức như muốn dính vào cuống họng người nghe. Ngày nay, album Master of Puppets được xem như đỉnh cao toàn năng cho một ban nhạc mà sự nghiệp của họ diễn ra như một chuỗi những đỉnh cao - và không có gì thể hiện xuất sắc một cách hoàn hảo như ca khúc chủ đề cho album.
Đó là mùa Hè năm 1985, chính xác là ngày 13/7, cả nhóm đang tu tập quanh TV để xem sân khấu huyền thoại Live Aid từ bàn tiệc của họ ở nơi trú ngụ tạm thời - thị trấn bình yên El Cerrito, California. Họ đã xem loạt diễn của Black Sabbath, Status Quo và Led Zeppelin và ngày hôm sau, rút về ga-ra - nơi họ gắng hết sức cho những bản demo đầu tiên mà sau này sẽ trở thành album mới. Những nhạc cụ thô mộc rồi sẽ sớm bị quay vòng, kéo giãn, bơm đầy những đoạn riff và solo cùng ca từ choáng ngợp trong một ca khúc có tên Master Of Puppets - mà họ sẽ sớm thông báo là ca khúc chủ đề cho album sắp tới của nhóm.
Tới tháng Chín, Metallica đến phòng thu Sweet Silence ở Copenhagen để thu âm album mới với nhà sản xuất Flemming Rasmussen. Với ca khúc chủ đề, họ đã đi tới tận cùng của nó.
Qua nhiều thập kỷ, “Master Of Puppets” vẫn là ca khúc được khán giả cực kỳ ái mộ:
Chiều dài “xa hoa”: gần 9 phút
Xây dựng quanh phần riff chính, ban nhạc thêm vào ma trận quay mòng mòng của đổi nhịp, solo, hiệu ứng đám đông và lời bài hát cho tới khi ổn định hình thức cuối cùng. Theo bản năng, họ nhận ra rằng mình đã chạm vào thứ gì đó rất sâu sắc và với bản năng săn mồi, phải bám theo cho bằng được. “Tất cả là để cho nó thêm chặt chẽ” - Ulrich nói năm 2017 - “Nó phải thật chặt chẽ! Mỗi phần thu guitar này phải hoàn toàn chặt cẽ với những phần thu guitar khác!”
Thật vậy, đối với một ca khúc được xây dựng trên nền guitar bị bóp méo nặng, các đoạn riff của nó bị kéo căng, đè nén và cực khó kiểm soát. Để mang tới cho các đoạn riff cảm giác nghiêng về tấn công, nhà sản xuất Rasmussen còn triệu tập một số thủ thuật phòng thu, yều cầu bạn nhạc điều chỉnh nhạc cụ của họ thấp hơn một chút để khi ghi âm với băng chuyển động nhanh, bản nhạc thu sẽ đúng điệu. “Chúng tôi nện tơi bời vài lần và quyết định lần nào mang tới cảm giác tốt nhất” - nhà sản xuất nói với Rolling Stone - “bởi vì họ phải chơi live mà”. Tất nhiên, “live” không có nghĩa là “đơn giản”.
Bao gồm bốn chương riêng biệt và kéo dài tới tám phút ba mươi lăm giây, Master Of Puppets bắt đầu với đoạn riff - hợp âm căng, méo - theo sau là ba hợp âm sắc, giảm dần trước khi phi mã vào đoạn nhịp 4/4 gây hưng phấn. Từ đó, nó lao vút với sự hung hăng không ngừng trong định dạng phiên khúc/điệp khúc cho tới khi tắt dần với vọng âm “Master!” ở ba phút rưỡi và tan vào hòa âm xoắn ốc, phức tạp của chương tiếp theo.
Ở chương hai, gây ấn tượng mạnh với vẻ đẹp nội tại u sầu, phần solo được xây dựng thành bản song ca thứ hai khi hai cây guitar kết hợp với nhau trong một cuộc vây hãm mạnh thấu xương, theo sau là một cú đổi khóa nhạc và phiên khúc mới. Tiếp đến là chương ba với thêm một màn solo rực lửa khác. Tới đây, theo thiết kế rock đương đại, ban nhạc nên đánh điệp khúc hai lần rồi mờ dần về kết, nhưng Metallica đã viết nên quy tắc mới.
Sau gần 7 phút trôi qua, không ai ngờ, họ giới thiệu một phiên khúc mới, chồng lên đoạn tiền điệp khúc rồi bước chạy nước rút vào điệp khúc. Thật hợp lý, ca khúc kết thúc bằng đoạn riff và dư vị là vọng âm hoang dã tiếng cả nhóm cười cùng bóng ma tiếng guitar đảo ngược.
“Master Of Puppets” là ca khúc được diễn live nhiều nhất của Metallica
Với thời lượng gần 9 phút - dài gần gấp đôi so với hầu hết các ca khúc rock phổ thông ngày đó - ca khúc chẳng được các đài phát thanh liếc mắt tới (và do đó, không có được thứ hạng trên các BXH). Nhưng chiều dài xa hoa này chính là sức mạnh nội tại của nó khi các phần riêng biệt kết hợp với nhau làm nên sự hùng vĩ đậm chất điện ảnh, với khoảnh khắc gây hấn điên cuồng được cân bằng bởi sự mong manh tê tái. Đó là một bước đi táo bạo của một ban nhạc bạt mạng, nổi tiếng với việc pha chế âm nhạc nhanh nhất, mạnh nhất thời đó. Nhưng nó càng nhấn mạnh tư duy không được tù hãm của Metallica: họ không thích sự dễ dãi; càng khó càng tốt.
Trong cuốn tiểu sử Metallica của Mick Wall, Enter Night, Lars giải thích: “Trước đó, chúng tôi đã làm phiên bản thô cho ca khúc và khi về nhà, tôi bấm giờ thấy: Nó chỉ mới bảy phút rưỡi. Tôi nghĩ: Mẹ kiếp, chúng ta phải đặt thêm vài đoạn riff nữa vào đây. Nếu chúng ta có thể cho con số kéo dài hơn chút nữa, thú vị hơn chút nữa và vẫn hiệu quả, thì tại sao lại không?”.
Kiệt tác số 1 của Metallica