Tắt tiếng đi không ai nghĩ là phim Việt
Không có hiện vật cổ phục để soi chiếu, cũng không có một ghi chép cụ thể nào về trang phục của từng thời kỳ… Tất cả những hạn chế về tư liệu cổ phục đã khiến phim cổ trang hoặc phim có yếu tố lịch sử ở Việt Nam không có chuẩn mực để định hình.
Tuy không có chuẩn mực, nhưng hầu hết các phim cổ trang đều bị khán giả “phát giác lỗi trang phục”. Ngay cả các bộ phim được đầu tư lớn, có đội ngũ cố vấn lịch sử và cổ phục uy tín, cũng khó tránh khỏi điều tiếng.
Phim “Người vợ cuối cùng” của Victor Vũ là một ví dụ, dù đội ngũ thiết kế đã tốn hàng nghìn mét vải, cắt đi cắt lại hàng trăm bộ trang phục. Bộ phim được nhiều người khen là trang phục đẹp, có nghiên cứu công phu nhưng vẫn bị bắt bẻ ở “cái cúc áo”.
Nói đi cũng phải nói lại, không phải những soi mói của khán giả là hoàn toàn vô lý. Ở nhiều bộ phim, nhà làm phim đã sai lầm ngay từ khâu chọn trang phục. Trong phim “Thái Tổ Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long” dù được khen nhiều về bối cảnh cũng như dàn diễn viên, nhưng phần phục trang lại bị chỉ trích “giống phim Trung Quốc”.
“Tấm Cám - chuyện chưa kể” cũng là bộ phim dính nhiều sạn trang phục khi cách tân, sáng tạo quá đà làm mất đi nét đẹp vốn có của áo tứ thân truyền thống. Thời điểm xảy ra tranh cãi, ê-kíp làm phim giải thích rằng, phim cổ xưa không nhất thiết cứ phải là áo yếm, mấn, tứ thân, mà còn có nhiều loại trang phục khác. Hơn nữa, phim thuộc thể loại giả tưởng, lấy cảm hứng từ truyện Tấm Cám, vốn không thuộc bất cứ triều đại nào.
Năm 2015, hãng phim Giải Phóng chi tới khoảng 16 tỷ đồng để sản xuất phim cổ trang “Mỹ nhân”, nhưng chiếu xong chỉ thu về được 500 triệu đồng tiền vé. Lý do thất bại rất đơn giản và dễ hiểu khi nhà làm phim mắc sai lầm ngay từ khâu trang phục, thiếu tìm hiểu khi thiết kế phục trang một vị quan lại có hình vua sư tử, các họa tiết lại theo khuôn mẫu phim Trung Quốc.
Giống phim nước ngoài đã là một chuyện mà khán giả khó chấp nhận, nhưng gần như phim cổ trang của Việt Nam rất dễ đi theo vết xe đổ. Thực tế đó đã khiến nhiều khán giả bình luận rằng, “tắt tiếng đi thì không ai biết đó là phim Việt”.
Phim “Kiều” của đạo diễn Mai Thu Huyền ra mắt năm 2021 cũng không thoát khỏi số phận bị chê na ná giống phim cổ trang Hồng Kông. Sau đó, đạo diễn đã phải giải thích: Không định làm bộ phim Việt Nam nói về Trung Quốc và cũng không định bê nguyên “Truyện Kiều” lên phim, mà chỉ lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều”.
Ảnh hưởng từ phim cổ trang Trung Quốc đối với giới làm phim Việt Nam là rất rõ. Tuy nhiên cũng có thể thấy, làm phim cổ trang nhưng mang phong cách Việt Nam không phải dễ.
Ngay cả một cái yếm cũng có thể trở thành chủ đề tranh luận không chỉ của khán giả mà còn cả giới thời trang. Thời xưa, phụ nữ chưa có coóc-xê nên sử dụng yếm, nhưng yếm dày hay mỏng, nhuộm nâu hay để trắng… thì vẫn là câu chuyện không hồi kết.
Người già nói yếm phải dày và được nhuộm nâu, giới thời trang lại khẳng định yếm cần mỏng mới gọi là cách điệu, vì phim phải có tính nghệ thuật chứ không thể bê nguyên xi cuộc sống vào.
Chiếc yếm trong phim 'Mỹ nhân kế' từng gây tranh cãi vì hở hang và cách điệu không giống thực tế.
Không dám mạo hiểm vì sợ… chê
Theo đạo diễn Lương Đình Dũng, cái khó của giới điện ảnh Việt Nam là nghiên cứu tài liệu ở đâu là chính xác để biết mà tìm kiếm. Hiện tại khi bắt tay vào làm phim lịch sử thì việc tìm kiếm trang phục thường sẽ dựa trên các tài liệu, các bức tượng, tranh hoặc những vật liệu mà có thể nhìn thấy được rõ nhất.
Nhận định của ông Dũng không phải không có lý khi nguồn sử liệu về trang phục các thời đại ở Việt Nam gần như không được ghi chép. Cho đến nay, duy chỉ có cuốn sách “Ngàn năm áo mũ” của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức nghiên cứu về trang phục cổ Việt Nam giai đoạn từ thế kỷ thứ 10 – 19. Tuy nhiên, những ai đọc cuốn sách cũng dễ thấy những khoảng trống để có thể phục dựng một bộ cổ phục thật chính xác.
Vì là khoảng trống lớn nhất trong hệ thống tư liệu lịch sử nên không chỉ với điện ảnh, mà ngành thời trang cũng phải loay hoay trong các thiết kế trình diễn bởi không có “điểm tựa”. Khi không có chuẩn mực để soi chiếu thì sáng tạo là cần thiết, nhưng sáng tạo như thế nào để thuyết phục được khán giả thì khó hơn… lên giời!
Trước khi làm phim “Phượng khấu”, các nghiên cứu liên quan trang phục thời Nguyễn được tiến hành, toạ đàm giữa các nhà nghiên cứu lịch sử cũng được tổ chức.
Tổng số trang phục được sử dụng là gần 300 bộ, chiếm khoảng 1/3 kinh phí làm phim, nhà thiết kế Nguyễn Đức Lộc - người sáng lập Ỷ Vân Hiên phụ trách phục trang. Phim được giới chuyên gia khen hay, phục trang đẹp nhưng người xem vẫn thấy những gờn gợn và cuối cùng cũng không tránh khỏi số kiếp gây tranh cãi.
Điểm lại phim cổ trang hoặc có yếu tố lịch sử, thật hiếm có bộ phim Việt nào tránh khỏi tranh luận tiêu cực. Nội dung phim khó một thì phục trang khó mười, đẹp nhưng phải đúng, đúng nhưng phải “hợp mắt” khán giả thì mới mong không bị… chê.
Đạo diễn phim “Kiều” Mai Thu Huyền từng chạnh lòng mà rằng: “Sau phim Kiều, tôi bị tuột cảm xúc nên chưa dám bắt tay vào dự án phim cổ trang nào khác”.
Đồng cảm với đạo diễn phim “Kiều”, giới làm phim cho rằng những tranh luận tiêu cực về cổ phục trong phim cổ trang khiến họ phải dè dặt, không dám mạo hiểm đầu tư vào phim cổ trang và vì thế, phim cổ trang Việt khó có cơ hội tiến xa.
Đạo diễn Lương Đình Dũng – người đang bắt tay thực hiện dự án phim “Anh hùng” về danh nhân Nguyễn Trãi thẳng thắn nói: “Khi đã chấp nhận làm phim thì cũng không nên bày tỏ sự thương hại hay thông cảm của khán giả, vì như thế ai cũng hiểu là tìm cách để lấy tiền của khán giả mà thôi. Đó không phải là cái chất của nhà làm phim để đối diện với những nội dung lớn”.
"Làm phim thời nào cũng đều "đứng giữa hai lằn ranh", là tính hấp dẫn của phim và nhân vật trong phim. Nếu bộ phim có sử dụng một câu chuyện lớn thì yếu tố hấp dẫn giới tính có thể giảm đi, ngược lại phải tăng tính hấp dẫn giới tính qua trang phục, nếu không thì khán giả cũng không thích khi xem phim.
Tuy nhiên, tuỳ từng đề tài, nếu bộ phim lấy thời điểm lịch sử được ghi chép rõ ràng thì phải bám sát tính xác thực, nếu chỉ là câu chuyện hư cấu thì có thể được sáng tạo thêm" - Đạo diễn Lương Đình Dũng.