Chúng ta đang ở trong mùa mua sắm sôi động nhất trong năm, và đến hẹn lại lên cứ mỗi dịp ngày đôi như 11/11, 12/12 thì các sàn thương mại điện tử tung ra các chương trình khuyến mãi kích cầu. Tuy nhiên, năm nay không khí không được tưng bừng như trước. 

Thực tế xu hướng cắt giảm chi phí đã khiến cuộc cạnh tranh quảng cáo, marketing giữa các sàn kém sôi động hơn. Khi mà bối cảnh vĩ mô thách thức thì cuộc cạnh tranh trên thương mại điện tử cũng ngày càng khó, đòi hỏi các nhà bán hàng đầu tư tâm sức nhiều hơn.

"Sau 5 năm kinh doanh vợ chồng mình thất bại rồi mọi người ơi. Có những thời điểm huy hoàng khi phiên live có khi đến 100 triệu của vợ chồng mình. Còn bây giờ thì giảm hơn 10 lần không đủ để duy trì doanh nghiệp. Sức mua của người tiêu dùng thì giảm dần, mà phiên live thì đang bị hạn chế nữa mọi người ơi. Nên hầu như nhân viên của bọn mình chỉ ngồi chơi thôi không có đơn mà làm luôn", lời tạm biệt khi quyết định đóng cửa gian hàng bán thực phẩm trên TikTok Shop của vợ chồng anh Vũ Đình Tôn Sơn, Chủ tiệm bánh Sơn Trang (quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh).

Các chồng hộp carton để đóng hàng từng gói theo hy vọng sẽ bán chạy hàng gấp 3, gấp 4 ngày thường trong dịp cao điểm khuyến mãi cuối năm chưa biết khi nào mới dùng hết. Đây là một trong những minh chứng cho bài học "sớm nở chóng tàn" khi kinh doanh online.

"Gia tăng đơn hàng quá nhanh nhưng sụt giảm cũng rất nhanh chóng. Làm cho tụi mình xoay xở không kịp luôn. Lên cao, xuống nhanh, mình gọi là bị vỡ vận hành", anh Sơn cho biết.

screenshot-2023-12-16-at-094845-1702694935736284796742-1702714400535-17027144008211162428986.png

Tình trạng trả mặt bằng, rời bỏ thị trường không chỉ đang xảy ra với các cửa hàng kinh doanh trực tiếp, mà với cả các gian hàng trực tuyến nữa. Theo số liệu trong quý III vừa qua, gần 50.000 nhà bán hàng thương mại điện tử đã dừng hoạt động.

Theo giới chuyên gia, một phần nguyên nhân là do sai lầm của các nhà bán khi chưa tìm hiểu kĩ thị trường, chưa kiểm soát chặt chẽ chi phí vận hành. Trong khi thương mại điện tử đang ngày càng chuyên nghiệp hóa.

"Như ngày trước chúng ta chỉ cần đưa lên Facebook, Google lấy được các từ khóa. Bây giờ không phải đơn giản như vậy. Bây giờ chúng ta bị bóp tương tác, phải trả tiền quảng cáo, phải đấu thầu cho những từ khóa để chúng ta mới phát triển được", ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết.

Cục diện cạnh tranh giữa các sàn thương mại điện tử cũng khốc liệt không kém. Bối cảnh vĩ mô khó khăn, tiêu dùng thắt chặt đã khiến các sàn dùng mọi cách để cắt chi phí và tăng doanh thu. Tín hiệu tích cực là các sàn tập trung đầu tư hơn cho những yếu tố cốt lõi như cải thiện chi phí vận đơn, đẩy nhanh tốc độ giao hàng.

"Hiện nay cho thị trường TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội, tỷ lệ giao trong vòng 24 giờ đã tăng hơn 80% số đơn hàng. Đó là tín hiệu rất tốt về đáp ứng nhu cầu khách hàng, đặc biệt trong mùa mua sắm cuối năm này, khi nhu cầu mua sắm tăng lên", ông Đặng Anh Dũng, Phó Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam cho biết.

Dù còn nhiều thách thức, ngành thương mại điện tử Việt Nam vẫn tăng trưởng 11% so với năm ngoái vẫn là thị trường hấp dẫn hàng đầu khu vực trong mắt giới đầu tư.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022