Cách đây 2 tuần, chị Trần Vân Anh (35 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) rất háo hức khi đăng ký cho con trai tham gia trại hè kéo dài 7 ngày, cách Hà Nội khoảng 100 km. Trại hè được giới thiệu đưa trẻ về với thiên nhiên, chú trọng trải nghiệm và rèn luyện kỹ năng sống, chi phí 8,5 triệu đồng.
Mức giá không rẻ, nhưng chị tin rằng đây là cơ hội tốt để con rời xa điện thoại, sống tự lập và khám phá thế giới bên ngoài lớp học.
"Cứ đến hè là cả nhà lại quay cuồng tìm chỗ gửi con. Ở Hà Nội không có nhiều lựa chọn, gửi về quê thì ông bà không trông được, để con ở nhà ôm điện thoại từ sáng tới tối, tôi không yên tâm. Trại hè là lựa chọn duy nhất với gia đình tôi", nữ phụ huynh nói.
Thế nhưng, chỉ vài ngày trước khi con lên đường, tâm trạng háo hức ban đầu trong chị Vân Anh bỗng nhường chỗ cho sự hoang mang. Trên mạng xã hội, hàng loạt bài viết chia sẻ trải nghiệm tiêu cực từ trại hè Làng Háo hức lan truyền chóng mặt.


Những dòng nhật ký của các em nhỏ sau khi tham gia trại hè Làng Háo Hức. (Ảnh chụp màn hình)
Đặc biệt những dòng nhật ký của trẻ từng tham gia trại hè Làng Háo Hức như "ghét trại hè", "không bao giờ muốn quay lại", "muỗi đốt đầy người", "bể bơi toàn sỏi sắc"…, khiến chị chùng lòng.
"Đọc những lời của chính bọn trẻ thì đau lòng lắm. Mình gửi con đi là để vui, trải nghiệm, học được gì đó, không phải chịu đựng” , chị Vân Anh lo lắng.
Từ lúc đọc được những dòng tâm sự ấy, đêm nào chị Vân Anh cũng trằn trọc. Nữ phụ huynh không khỏi hình dung ra viễn cảnh con xa nhà giữa nơi thiếu tiện nghi, thậm chí không được tắm rửa sạch sẽ hay bị muỗi đốt cả đêm.
“Tôi không cần trại hè phải hoành tráng, chỉ cần vệ sinh đảm bảo, có người chăm lo chu đáo và môi trường tôn trọng trẻ nhỏ. Tôi không thể đi theo để kiểm chứng, mà con thì còn quá nhỏ để tự bảo vệ mình”, nữ phụ huynh thở dài.
Điều khiến chị Vân Anh thêm bối rối là khoản tiền trại hè đã chuyển từ tuần trước, giờ muốn rút lại cũng không được vì ban tổ chức nói đã chuẩn bị xong toàn bộ, không hoàn tiền. Dù vậy chị và chồng đều thống nhất cho con ở nhà đi học thêm, chấp nhận mất tiền vì không muốn biến kỳ nghỉ hè của con thành "học kỳ đi đày".
Chị Trần Thu Hải (40 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, suốt cả tháng 6 vừa rồi, chị mất ăn mất ngủ vì chưa tìm được nơi nào phù hợp để gửi con đi trại hè.
"Con trai tôi 10 tuổi, nghỉ hè ở nhà với bà nội cả ngày. Con mê game, ít vận động, cũng không chơi với ai. Tôi rất muốn gửi con đi trại hè để có môi trường giao tiếp, rèn kỹ năng sống, nhưng giờ lên mạng đọc thấy không ít vụ việc như trại hè Làng Háo Hức, sợ đến mức chẳng dám bấm đăng ký nữa" , nữ huynh nói.

Trẻ tham gia trại hè Làng Háo Hức. (Ảnh: Làng Háo Hức)
Chị từng nhắm đến một chương trình trại hè 9 ngày ở ngoại thành Hà Nội, có giới thiệu học kỹ năng sinh tồn, làm việc nhóm, trải nghiệm thiên nhiên... “Nhìn hình ảnh long lanh lắm, nhưng sau vụ trại hè Làng Háo Hức, tôi bắt đầu nghi ngờ, liệu ảnh có đúng, điều kiện ăn ở ra sao, con có bị muỗi đốt hay không? nếu con bị bắt nạt thì có ai phát hiện ra không và con bị thương thì ai chịu trách nhiệm?...”, vô vàn băn khoăn được chị đặt ra.
Cuối cùng, chị Hải quyết định hoãn lại kế hoạch trại hè. "Tôi chọn cho con học lớp kỹ năng gần nhà, đi về trong ngày. Không nhiều hoạt động bằng trại hè, nhưng yên tâm hơn. Ít nhất tôi còn biết hôm nay con ăn gì, có vui hay không”, nữ phụ huynh nói thêm.
Không riêng hai nữ phụ huynh trên, sau vụ việc tại trại hè Làng Háo Hức, nhiều bậc cha mẹ khác cũng rơi vào tâm trạng bất an khi nhắc đến hai chữ "trại hè". Thay vì háo hức chuẩn bị balo cho con lên đường, họ bắt đầu đắn đo, lo sợ. Những chuyến đi trước đây từng được kỳ vọng sẽ giúp trẻ trưởng thành, rèn kỹ năng và trưởng thành hơn khi sống xa gia đình giờ lại khiến cha mẹ ngần ngại.
Thạc sĩ tâm lý Lê Hiểu Phụng (Hà Nội) cho biết, từng tiếp nhận cả chục ca trẻ bị vấn đề tâm lý sau trại hè. Năm ngoái một cậu bé 15 tuổi tham gia trại hè quân sự hai tuần. Trong thời gian đó cậu bé bị bạn cướp đồ, bắt nạt. Bé chống lại bằng cách gây hấn, đập phá đồ đạc. Mọi chuyện vượt quá tầm kiểm soát và bố mẹ phải đón con về giữa chừng. Tuy nhiên, từ đó bé liên tục phát triển những hành vi như lấy trộm đồ, uống rượu, bỏ học và cào cấu người xung quanh và bản thân. Chuyên gia tâm lý phải can thiệp 6 tháng những hành vi này mới tạm dừng.
ThS Phụng cho rằng, trước khi bố mẹ xác định cho con đi trại hè cần đưa ra rõ mục tiêu rằng con đi để đạt được trải nghiệm gì, có thêm kỹ năng gì và cùng đi đến thống nhất về kế hoạch hè. Các con sẽ làm tốt khi hiểu rõ và sẵn sàng tham gia.
"Mùa hè là các con được nghỉ ngơi, nhưng nếu chỉ để con xả hơi thì phí vì trong suốt cả năm học các con hiếm khi được học thêm kỹ năng, tham gia trải nghiệm dài ngày", bà nói.
Vụ việc tại trại hè của Làng Háo Hức gây xôn xao trên các nền tảng mạng xã hội khi một phụ huynh đăng tải bài viết thể hiện sự buồn bực sau khi cho con trai 10 tuổi tham gia trại hè 8 ngày, 7 đêm tại Làng Háo Hức (Thái Nguyên).
Vị phụ huynh này cho biết, con gặp nhiều vấn đề sức khỏe da liễu như mẩn ngứa, viêm da, đồng thời tiết lộ con trai bị ảnh hưởng tâm lý do bạn bắt nạt. Nhiều phụ huynh khác cũng đồng loạt lên tiếng sau bài đăng của chị L., chia sẻ khi con trở về nhà, có dấu hiệu bị côn trùng cắn với lưng nổi sần, mặt xuất hiện các vết sưng đỏ. Số khác phản ánh tình trạng cơ sở vật chất và điều kiện vệ sinh tại trại rất kém: nhà vệ sinh không sạch sẽ, bể bơi có bọ gậy, nhiều muỗi, màn bị thủng, chỗ ngủ không đệm, chăn mỏng không đủ dùng.