Tâm lý nạn nhân là một thuật ngữ trong tâm lý học để chỉ một loại tư duy rối loạn chức năng. Những người mang tâm lý nạn nhân thường tin rằng cuộc sống này thật bất công và luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc người khác khi mọi thứ không diễn ra đúng như mình mong muốn.
Những người mang tâm lý nạn nhân thường cảm thấy như thể những điều tồi tệ liên tục xảy ra với họ và như tất cả mọi người đang chống lại mình, cho dù đó là người bạn đời, bạn bè, gia đình hay đồng nghiệp.
Những người có tâm lý nạn nhân thường có 3 niềm tin:
- Những điều tồi tệ đã xảy ra trong quá khứ sẽ tiếp tục xảy ra.
- Những người khác khiến tôi bất hạnh
- Những gì đã xảy ra rồi thì có cố gắng thế nào cũng vô nghĩa.
Đối với những người mang tâm lý nạn nhân, có vẻ như việc chìm đắm vào tiêu cực dễ hơn là cố gắng cứu lấy bản thân. Thậm chí, họ còn ép buộc suy nghĩ nạn nhân này lên người khác.
Dấu hiệu của tâm lý nạn nhân
Nếu bạn không chắc là bản thân hay những người xung quanh có tâm lý nạn nhân hay không, thì đây là một vài dấu hiệu cần chú ý:
- Bạn liên tục đổ lỗi cho người khác về cuộc sống của bạn.
- Bạn cảm thấy như cả thế giới đang chống lại mình.
- Bạn gặp khó khăn khi đối mặt với những thất bại.
- Bạn có thái độ tiêu cực trong hầu hết các tình huống.
- Bạn cảm thấy khó thay đổi cuộc sống của mình.
- Bạn cảm thấy mình thiếu sự hỗ trợ từ người khác.
- Bạn thiếu tự tin.
- Bạn thiếu sự đồng cảm với những vấn đề của người khác.
- Bạn nghĩ rằng cuộc sống này không công bằng và mọi chuyện tồi tệ liên tục xảy ra với bạn.
- Bạn thường xuyên có cảm giác bất lực.
- Bạn không mong đợi bất kỳ điều gì về tương lai.
- Bạn giận dữ hoặc bực bội về vận may của người khác.
- Bạn kể đi kể lại những câu chuyện tiêu cực hoặc quá khứ tổn thương của mình.
- Tự thương hại chính mình.
- Nhạy cảm với những lời chỉ trích.
- Bạn bận tâm với những tổn thương trong quá khứ.
- Bạn cực kỳ không thích rủi ro.
- Bạn bị ám ảnh về những tình huống tiêu cực, nhưng lại không muốn giải quyết chúng.
- Không bao giờ nhận trách nhiệm về cá nhân.
- Cảm thấy vấn đề của bản thân như thể trời sập và phản ứng dữ dội.
- Từ chối những góc nhìn khác.
- Bạn luôn mong nhận được sự đồng cảm của người khác, nhưng khi không nhận được lại buồn hoặc tức giậ.
Nguyên nhân nào khiến bạn “đóng vai nạn nhân”?
Không ai sinh ra đã là nạn nhân. Tâm lý nạn nhân là một hành vi đã được học trong quá khứ.
Bạn có thể học được cách đóng vai nạn nhân vì bạn đã quan sát những người lớn xung quanh mình làm vậy. Chắc hẳn trong chúng ta không ít người khi còn bé bị ngã xuống sàn và mẹ hoặc bà sẽ ngay lập tức đổ lỗi cho chiếc sàn đã làm bạn đau. Hoặc một số người có thể liên tục nghe những lời phàn nàn và những lời chỉ trích về những người đã làm sai với bố mẹ/ông bà/anh chị của mình.
Bạn có thể học cách đóng vai nạn nhân qua mối quan hệ phụ thuộc với cha hoặc mẹ của mình và cảm thấy có trách nhiệm đối với cuộc sống của họ. Có thể là bạn đã chăm sóc cha mẹ bị bệnh hoặc được dẫn dắt để tin rằng bạn đang chịu trách nhiệm về cuộc sống của họ.
Bạn cũng có thể học được cách đóng vai nhân vì đó là cách để bạn sống sót qua thời thơ ấu. Khi còn nhỏ, tất cả chúng ta đều đòi hỏi sự yêu thương và quan tâm. Nếu như chúng ta không thể có được nó một cách tự nhiên, chúng ta sẽ tìm cách để nhận về sự yêu thương. Và có lẽ trong mái ấm gia đình bạn, cách duy nhất để có được sự quan tâm và yêu thương là khi bạn bị ốm, hay khi bạn tỏ ra yếu đuối hoặc để chuyện tồi tệ xảy đến với mình.
Nhưng hơn thế nữa, nhiều người sống và đóng vai nạn nhân có thể đã phải chịu sự lạm dụng khi còn nhỏ. Đây thường có thể là lạm dụng tình dục, lạm dụng thể xác, lạm dụng tâm lý hay lạm dụng cảm xúc. Sự bất lực mà một đứa trẻ có thể cảm thấy kết hợp với sự xấu hổ khi bị lạm dụng gây ra, khiến bạn lớn lên mà thiếu lòng tự trọng và coi thế giới này là một nơi nguy hiểm.
Lấy lại cuộc sống của bạn trong tay của bạn
Mặc dù có thể hiểu được tại sao bạn lại trở thành một người mang tâm lý nạn nhân sau khi đã trải qua những sự kiện đau buồn, nhưng sự thật là luôn có nhiều yếu tố liên quan đến bất kỳ tình huống xấu nào.
Mặc dù bạn có thể không kiểm soát được những gì đã xảy ra với mình trong quá khứ, nhưng bạn vẫn có thể kiểm soát được một mức độ nào đó đối với những gì xảy ra với mình ở hiện tại và tương lai.
Không sao cả khi bạn cảm thấy tồi tệ về những gì đã xảy ra, nhưng bạn cần chấm dứt sự tự thương hại và nỗ lực hướng tới sự thay đổi và chữa lành. Nếu không, cảm giác trở thành nạn nhân và bất lực sẽ theo bạn đến hết cuộc đời.
Sự thật là cuộc sống sẽ không bao giờ ngừng mang đến cho bạn những thử thách, và nếu bạn cảm thấy mình không thể làm gì khác được, thì bạn sẽ phải bước vào một trận chiến khó khăn trong suốt phần đời còn lại của mình.
Đúng là bạn đã gặp những chuyện tồi tệ và bạn không đáng bị như vậy. Bạn xứng đáng có được sự đồng cảm và lòng trắc ẩn, và cả sự thấu hiểu. Và bạn biết không, bạn có thể trao những thứ này cho chính mình mà không cần đợi ai khác đưa chúng cho bạn.
Nguồn: Verywellmind