Câu chuyện về một nữ đại gia họ Châu 42 tuổi còn độc thân, tiết kiệm được 3,2 triệu NDT (gần 11 tỷ đồng) được người cháu tiết lộ đã gây ra tranh cãi trên mạng xã hội Trung Quốc. Mức lương hàng năm của người phụ nữ này lên tới 450.000 NDT (~1,5 tỷ đồng) nhưng chỉ mua quần áo 200 NDT (~600.000 đồng), áo khoác mặc đi mặc lại nhiều năm.

Giầy dép cũng toàn lựa hàng giảm giá, không bao giờ mua mới theo mốt. Mỹ phẩm cả năm chỉ tiêu hết 3.000 NDT (~10 triệu đồng). Điện thoại của cô Châu cũng có giá chưa đến 10 triệu đồng, hỏng màn hình thì đem đi sửa chứ không mua mới. Thậm chí công ty thưởng cô một chiếc iPhone mới vì thành tích xuất sắc, người phụ nữ này lại đem đi bán. Vậy là cô Châu chỉ tiêu khoảng 3.000 NDT/tháng, tiết kiệm 90% thu nhập.

Người cháu cô Châu cảm thấy cô mình sống như vậy quá tằn tiện, không biết tận hưởng cuộc sống. Cư dân mạng cũng bày tỏ nhiều ý kiến trái chiều về lối sống tiết kiệm của những người giàu. Vậy tiêu bao nhiêu tiền mỗi tháng mới là biết “hưởng thụ”?

Cách sống mỗi người đều khác nhau

Có người cho rằng khi giàu có nên mua quần áo hàng hiệu, ăn ở nhà hàng cao cấp, trải nghiệm dịch vụ đắt đỏ mới là hạnh phúc. Nhưng cũng có nhiều người không yêu cầu cao về cuộc sống vật chất, thay vào đó những thứ rẻ tiền lại khiến họ hài lòng hơn, khi rảnh rỗi chỉ cần đọc sách, trồng cây, uống trà vỉa hè với bạn bè là đủ vui vẻ.

5036121orig-1681556172079-16815561728812062839130-1681635801273-16816358016541496815296.jpg

Ảnh minh họa

Trên thực tế, mức chi tiêu của cô Châu là trung bình với người bình thưởng ở thành phố, không quá tằn tiện như mô tả của người cháu. Mỗi thế hệ, hay mỗi cá nhân đều có lựa chọn cách sống khác nhau. Chủ nhân bài đăng thấy khó hiểu với cuộc sống “lương cao nhưng keo kiệt” là bởi quen với lối sống của nhiều người trẻ hiện nay.

Lương của họ có thể không cao nhưng sẵn sàng chi cả tháng lương cho chiếc túi sang trọng, nửa tháng lương cho đôi giày hiệu nổi tiếng, hay đam mê trải nghiệm tại những quán cà phê sang trọng. Trong những năm gần đây rất phổ biến cụm từ “nghèo sang chảnh”, ám chỉ những người có vẻ ngoài hào nhoáng, ăn nên làm ra nhưng số dư tài khoản gần như bằng 0.

Đó là khi bạn rơi vào bẫy của chủ nghĩ tiêu dùng, chạy theo đủ loại xu hướng và tự nhủ rằng tiêu tiền mua sắm là tốt cho bản thân. Dù lương không đủ đáp ứng thói chi tiêu này thì bạn vẫn sẵn sàng vay nợ, dùng thẻ tín dụng để duy trì cuộc sống sung túc. Chính vì tiềm lực tài chính mong manh như vậy nên chỉ cần một chút biến cố hay khó khăn bất ngờ, cuộc đời ai cũng có thể rơi vào ngõ cụt bất cứ lúc nào.

photo-1681556192528-16815561927901346681602-1681635805698-16816358066271337834464.jpeg

Ảnh minh họa

Giống như nhân vật nữ chính Rebecca trong phim "Lời thú tội của một tín đồ mua sắm", chỉ cần là món đồ cô ấy thích, Rebecca có thể quẹt thẻ bằng bất cứ giá nào. Vẻ bề ngoài cô gái này cực kỳ sang chảnh, cuộc sống thảnh thơi  nhưng hoàn toàn không có khả năng chống chọi rủi ro. Vậy nên khi công ty của Rebecca đóng cửa, hồ sơ xin việc của cô tại công ty mới không được chấp nhận, cô gái gánh trên vai khoản nợ khổng lồ và bế tắc vì mất đi nguồn thu nhập duy nhất.

Làm thế nào để giàu có và hạnh phúc dù sống giản dị?

Nhiều người vẫn nghĩ rằng càng tiết kiệm thì càng nghèo, không muốn tiêu tiền thì làm sao có động lực kiếm tiền. Vậy nên họ chọn cách tiêu xài phóng túng, để rồi rơi vào vòng xoáy “vay nợ - kiếm tiền - trả nợ”, suốt nhiều năm không tiết kiệm được đồng nào. Vậy làm thế nào để dù lương cao thấp thế nào vẫn có thể làm giàu?

Nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Thái Lôi Lôi từng đề cập đến 3 yếu tố để giàu có: cơ hội, may mắn và biết tích luỹ tài sản. “Bạn có thể may mắn vì nhận khoản tiền lớn từ bố mẹ. Bạn cũng có thể có cơ hội thăng tiến, tăng lương thông qua khả năng hay nhờ đầu tư, tích luỹ mà giàu có. Ngoại trừ may mắn thì còn lại đều nằm trong tay bạn, nhiều của cải hơn thì cũng đồng nghĩa với việc bạn càng có cơ hội để giàu hơn nữa”, Thái Lôi Lôi nói.

Chỉ bằng cách tích luỹ tài sản, bạn mới có nhiều lựa chọn hơn trong cuộc sống, ngay cả khi khốn khó vẫn xuất hiện nhiều hơn 1 lối thoát cho bạn. Trong khi việc tiêu dùng để thoả mãn ham muốn nhất thời làm tương lai trở nên lung lay, khó đoán định. 

photo-1681556200206-16815562011651075099683-1681635811613-16816358119071725462565.jpeg

Ảnh minh họa

Tất nhiên bạn vẫn cần tìm ra niềm vui và tiêu tiền cho nó, nhưng hãy tự đặt ra những giới hạn phù hợp với bản thân, đừng “vung tay” chỉ để đuổi theo cách tiêu tiền của người khác. Tư duy thực sự của người giàu là biết cách kiểm soát ham muốn tiêu dùng, có khả năng tiết kiệm, học cách đầu tư và tận dụng cơ hội.

Ngay cả những người giàu nhất hành tinh cũng là những người có thói quen tiết kiệm nhưng cuộc sống vẫn hạnh phúc. Warren Buffett sống trong căn nhà khiêm tốn giá vài chục nghìn USD suốt 65 năm, bữa sáng chưa bao giờ quá 4 USD dù người đàn ông này sở hữu đến cả trăm tỷ USD. Bill Gates đeo đồng hồ chỉ 70 USD hay Mark Zuckerberg nổi tiếng với gu ăn mặc giản dị, lái xe ô tô khiêm tốn và dùng đồ bình dân. Họ không cần tiêu tiền để phô trương sự giàu có, nhưng quan trọng là họ biết đâu là nơi để “đổ tiền” vào một cách khôn ngoan và hài lòng vì được làm việc mình thích.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022