Sau đây là 3 câu chuyện của 3 người phụ nữ Trung Quốc đã về hưu nói về hành trình bắt đầu cuộc sống mới của họ.
1. Lý Đông Cúc, 65 tuổi, đã nghỉ hưu 21 năm
Bà Lý Đông Cúc nghỉ hưu ở tuổi 46, sau vài năm bị chồng phản bội. Vì quá trầm cảm với chuyện ly hôn nên bà đã xin nghỉ việc sớm.
Nhớ lại quãng thời gian đó, bà cảm thấy gần như mình đã trở thành một người khác, thường xuyên cáu gắt và không muốn tiếp xúc với ai, bị mất ngủ trầm trọng. Thậm chí, bà còn từng vào bệnh viện tâm thần. Để cải thiện tình trạng sức khỏe của mình, bà quyết định sẽ ra ngoài giao lưu với mọi người, bà muốn xem thế giới bây giờ như thế nào.
Lúc đó, Lý Đông Cúc chỉ với một chiếc xe đạp cũ đã tham gia một cuộc thi đạp xe dài hơn 100km và giành được vị trí thứ 2. Sau cuộc thi, bà không nhớ được mình đã đi đâu, nhìn thấy những gì. Vậy nên khi về đến nhà, bà đã suy nghĩ lại về mục đích thật sự của việc đạp xe. Bà bắt đầu đạp xe một cách chậm rãi, vừa đạp vừa chú ý quan sát cảnh vật bên đường. Điều này giúp đầu óc bà thư thái, giải tỏa áp lực và không còn thời gian mà nghĩ về những chuyện buồn trong quá khứ nữa.
Năm 2014, lần đầu tiên Lý Đông Cúc tham gia cuộc đua xe đạp đường dài với một số người bạn đến từ Đông Nam Á. Vì không có nhiều kinh nghiệm nên bà đã dừng chân ở trạm dừng đầu tiên tại Việt Nam và về nước sớm.
Năm 2016, sau khi đã có kinh nghiệm hơn, bà tiếp tục những chuyến đi ra nước ngoài bằng xe đạp. Bà đã đến Nga và Sri Lanka, 4 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và đạp xe một mình đi khắp Thái Lan trong 44 ngày. Chỉ trong năm 2019, Lý Đông Cúc đã đến 6 nước Châu Âu và Châu Úc.
Trong quá trình đạp xe ra nước ngoài, Lý Đông Cúc đã học được rất nhiều điều mới mẻ, chẳng hạn như cách tìm vé máy bay giảm giá, cách đăng ký xe đạp và cách sử dụng thị thực để lên kế hoạch cho các tuyến đường. Ngoài ra việc đi nhiều nước khác nhau cũng giúp bà có những hiểu biết khác nhau về những nền văn hóa và có cái nhìn mới về thế giới.
Đạp xe mang lại cho Lý Đông Cúc niềm vui, giờ đây tâm trí của bà đã linh hoạt hơn, chứng trầm cảm cũng giảm đáng kể khi bà được tiếp xúc với nhiều người.
Có thể nói, đạp xe đã làm thay đổi cuộc đời Lý Đông Cúc, ước mơ của bà là được đi du lịch vòng quanh thế giới và viết một cuốn sách về những trải nghiệm của bản thân.
2. Bà Đổng, vừa nghỉ hưu ở tuổi 50
Bà Đổng từng làm trong một doanh nghiệp nhà nước với vị trí khá cao, điều kiện tài chính tương đối ổn định. Vào năm 45 tuổi, khi đang gặp khủng hoảng ở nơi làm việc do công ty thay đổi cơ cấu và bị giáng chức, bà Đổng đã gặp lại một người bạn cũ của mình. Được biết người bạn này đã theo chồng sang Mỹ định cư, hai người con của cô vừa mới vào đại học nên cô cũng quyết định tiếp tục học lên tiến sĩ ngành luật.
Bà Đổng cảm thấy rất khâm phục người bạn của mình, bà nghĩ rằng con người ít nhất phải được làm những gì mình muốn một lần trong đời. Thay vì dành thêm 5 năm cho công việc đã quá nhàm chán, tại sao không dành thời gian theo đuổi ước mơ?
Từ khi còn trẻ, bà Đổng đã mong muốn theo đuổi hai ngành "Truyền thông quảng cáo" và "Trị liệu tâm lý" nhưng không có cơ hội thực hiện. Tình cờ, bà Đổng biết được có một bộ phận tư vấn tâm lý gọi là chuyên gia tư vấn trị liệu hôn nhân và gia đình. Ngành này vẫn chưa phổ biến ở Trung Quốc nên bà đã suy nghĩ về việc sẽ đi du học nước ngoài. Sau khi nói chuyện với chồng và con gái, gia đình đều rất ủng hộ và đồng ý bán nhà một căn nhà nhỏ cho bà đi du học.
Bà xin nghỉ việc và tập trung vào việc học, thi TOEFL. Sau đó, bà nộp đơn vào đại học Northwestern, một trường thuộc top 10 nước Mỹ và đã được nhận. Việc học bằng tiếng Anh đối với người trung tuổi không hề đơn giản nhưng bà Đổng không hề nản chí. Thay vào đó bà thấy phấn khởi vì được làm công việc mình yêu thích. Những môn học về tâm lý cũng khiến bà nhìn nhận và hiểu chính mình hơn. Trước kia bà luôn có tâm lý làm hài lòng mọi người, đánh giá bản thân qua cái nhìn của người khác. Giờ đây, bà Đổng đã học được cách khẳng định giá trị bản thân qua sự nhìn nhận của chính mình. Bên cạnh đó, cũng đã giải quyết được nhiều vấn đề trong cuộc hôn nhân của mình thông qua những bài học trên lớp, mối quan hệ vợ chồng thậm chí còn tốt hơn khi bà còn ở Trung Quốc.
Sau khi tốt nghiệp, bà bắt đầu mở phòng khám và làm việc, công việc diễn ra khá suôn sẻ, mỗi tuần đều đón từ 15 đến 20 khách. Bà giúp họ giải quyết những vấn đề trong hôn nhân và tâm lý, nhìn thấy sự giúp đỡ của mình có thể khiến người khác hạnh phúc hơn, bà Đổng cảm thấy rất vui vẻ.
3. Naomi, 53 tuổi, đã nghỉ hưu 3 năm
Hồi còn trẻ, Naomi rất có hứng thú với các ngành nghệ thuật và hội họa nhưng bị gia đình ngăn cản, vì để chiều lòng bố mẹ, bà đã từ bỏ ước mơ để theo học chuyên ngành máy tính sau đó vào làm trong một doanh nghiệp nhà nước.
Năm 35 tuổi, do cải cách của doanh nghiệp, Naomi bị công ty sa thải. Bà không những không buồn mà còn cảm thấy may mắn. Naomi coi đó như một cơ hội để làm những việc mình yêu thích. Nhưng ưu tiên hàng đầu lúc bấy giờ vẫn là kiếm tiền nuôi sống gia đình. Bà đọc được thông tin tuyển dụng tư vấn tâm lý trên báo và đi thi chứng chỉ chuyên môn, sau đó tự mở phòng tư vấn của mình ở quê nhà.
Bà làm công việc này suốt 17 năm, kiếm tiền cho con gái học đại học. Được kế thừa ước mơ của mẹ, con gái Naomi đã theo học thiết kế trang sức và tự mở thương hiệu riêng cho mình ngay sau khi tốt nghiệp vào năm 2020. Khi bắt đầu kinh doanh riêng, con gái Naomi rất muốn có mẹ ở bên hỗ trợ nên bà đã đóng cửa phòng khám và đến Thâm Quyến lập nghiệp cùng con.
Bà tham gia vào tất cả những việc liên quan đến thương hiệu, chẳng hạn như hoạt động truyền thông mới, lên kế hoạch thiết kế và lựa chọn đá quý, gặp gỡ khách hàng, đàm phán với nhà cung cấp. Mỗi ngày đều bận rộn nhưng cả hai mẹ con đều cảm thấy rất hạnh phúc. Thỉnh thoảng, con gái Naomi đăng ảnh chụp chung với mẹ lên mạng, việc này còn giúp bà nhận được nhiều lời mời hợp tác chụp quảng cáo, biểu diễn catwalk từ những thương hiệu quần áo thời trang. Đây là những trải nghiệm mà trước đây Naomi chưa từng có.
Naomi chia sẻ, một số người bạn của bà cũng dần dần biến sở thích thành công việc chính sau khi nghỉ hưu, thay vì nghỉ ngơi, ai cũng tràn đầy năng lượng tiếp tục đam mê của mình. Bà nói: "Thứ mà tôi lo lắng không phải tuổi tác mà là thời gian và cuộc sống có hạn. Khi còn trẻ, tôi luôn cảm thấy vẫn còn rất nhiều thời gian và cơ hội, bây giờ tôi không muốn lãng phí thời gian quý báu của mình, cuộc sống vẫn còn rất nhiều điều tươi đẹp và tôi thực sự muốn trải nghiệm chúng nhiều hơn".