Nhiều người nuôi thú cưng thường không thể chấp nhận cái chết của những chú chó, mèo,... yêu quý. Một mặt họ đã nảy sinh tình cảm gắn bó sâu sắc với chúng, mặt khác họ có thể cảm thấy tội lỗi vì không thể chăm sóc tốt hơn cho thú cưng của mình.
Vì vậy họ chọn cách tổ chức tang lễ chỉn chu cho thú cưng sau khi chúng qua đời, như một lời từ biệt và cầu nguyện cho người bạn đặc biệt. Đây cũng là cách để những người nuôi thú cưng cố gắng buông bỏ muộn phiền và dần dần chấp nhận sự thật rằng chú chó cưng, mèo cưng đã không còn nữa.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế này, dịch vụ an nghỉ cho thú cưng đã ra đời và được hội “con sen” đón nhận. Vậy quy trình thực hiện một lễ an nghỉ cho thú cưng được diễn ra thế nào? Chi phí ra sao? Người làm công việc này có tâm sự gì?
Quy trình và chi phí của dịch vụ an nghỉ cho thú cưng
Với những người yêu thú cưng, Tề Đồng Vật Ngã (Hà Nội) không phải là cái tên xa lạ. Đây là nghĩa trang thú cưng do bác Nguyễn Bảo Sinh (sinh năm 1940) thành lập năm 1969, trên mảnh đất 2000m2.
Tề Đồng Vật Ngã được xem là nơi đầu tiên trên cả nước cung cấp dịch vụ an nghỉ và các nghi lễ cầu siêu, phóng sinh,... dành cho thú cưng. Tính đến hiện tại, đây là nơi an nghỉ của hàng chục nghìn chú chó, mèo. Mới nhất, Bí - cún cưng của Châu Bùi qua đời do gặp tai nạn trên chuyến bay ra Hà Nội dịp Tết vừa qua cũng được làm lễ an nghỉ tại đây.
Bia ảnh của thú cưng được đặt ở nghĩa trang thú cưng
Liên lạc với Trà (sinh năm 1998) - quản lý tại Tề Đồng Vật Ngã, cô cho biết quy trình dịch vụ an nghỉ cho thú cưng được diễn ra như sau:
“Khi chó mèo được đưa đến đây, đi qua đền sẽ thắp hương. Sau đó các bạn được đưa vào chính điện để làm các thủ tục... Hình thức an nghỉ là hoả táng sau đó địa táng hoặc thuỷ táng, tùy theo mong muốn của chủ. Trong lễ an nghỉ của thú cưng, thời gian làm lễ chỉ dài khoảng 15 - 20 phút. Còn thời gian hỏa táng sẽ kéo dài tùy vào cân nặng của từng bạn, có thể 1 - 2 tiếng đồng hồ” .
Hiện tại, mỗi ngày Tề Đồng Vật Ngã đón từ 3 - 5 thú cưng được chủ mang đến làm lễ an nghỉ. Tính trung bình, con số có thể lên đến hàng trăm thú cưng mỗi tháng.
Trà (bên phải)
Về chi phí, Trà cho biết không có con số cố định mà có rất nhiều mức khác nhau, tùy vào điều kiện và nguyện vọng của người nuôi thú cưng. Thậm chí nhiều bạn sinh viên nuôi thú cưng mà không đủ chi phí thực hiện dịch vụ, bác Sinh còn miễn phí và cho thêm tiền để bắt xe về. Ngoài ra, khác biệt về số lượng các loại nghi lễ cũng là nguyên nhân tạo nên sự chênh lệch chi phí dịch vụ.
Nếu như Tề Đồng Vật Ngã đã hoạt động được hơn nửa thế kỷ thì Tiệm hoả táng Shinigami (Hà Nội) lại là cái tên mới hơn. Tiệm được thành lập từ năm 2020, cũng là nơi chuyên cung cấp dịch vụ an nghỉ cho thú cưng với thông điệp “Nơi thú cưng của bạn được an nghỉ và bắt đầu chặng đường mới”.
Kể về quy trình hoạt động, Phúc - chủ tiệm chia sẻ: "Khi thú cưng qua đời, nếu chủ không tự đưa đến được thì tụi mình sẽ đến tận nhà đón. Đầu tiên là tổ chức lễ tưởng niệm cho bé, chuẩn bị sẵn bình đựng tro cốt, thẻ tên của bé rồi cuối cùng, bé được hỏa táng. Khi hỏa táng kết thúc, tro cốt của bé được đưa vào lọ và gắn thẻ tên, chủ có thể đưa về hoặc gửi lại để tụi mình chăm sóc” .
Ở Tiệm hoả táng Shinigami, chi phí cho mỗi lần thú cưng cũng hàng triệu đồng. Con số cũng không cố định mà tuỳ vào vào trọng lượng thú cưng và yêu cầu mua thêm đồ vật đặc biệt của chủ mà có thể thay đổi.
Một bạn cún được làm lễ tại Tiệm hoả táng Shinigami
Chủ khóc đến ngất đi, không dám đến thăm lại thú cưng ở nơi an nghỉ
Năm 2016, từ khi vẫn còn là sinh viên, Trà đã vừa đi học vừa làm thêm tại Tề Đồng Vật Ngã và khoảng vài năm trở lại đây, cô chính thức làm full-time. Trong ngần ấy thời gian, Trà đã chứng kiến rất nhiều tình huống xúc động và đáng nhớ của chủ với thú cưng.
“Có một câu chuyện mà mình nghĩ sẽ không bao giờ quên. Nó khiến mình nhớ mãi vì là một trong những trường hợp đầu tiên mà mình trực tiếp tham gia và giống như cú sốc của mình khi mới đến với công việc này.
Bạn cún đó tên là Nấm, giống Poodle màu nâu và qua đời vì bị tai nạn ngay trước mắt chủ. Nhà chị chủ này ở khu biệt thự, hôm đó Nấm chạy ra ngoài thì bị một chú chó to trong khu đó cắn. Nấm Nấm bị giằng xé ngay trước mặt chị ấy mà chị ấy không làm được gì. Lúc mang Nấm đến đây, chị ấy buồn và khóc đến mức ngất đi. Dường như thấy có lỗi với Nấm nên trong vòng 49 ngày sau khi Nấm mất, chị ấy không dám đến thăm, chỉ có giúp việc và con gái xuống. Đến bây giờ mộ của Nấm vẫn còn ở đây” .
Với Phúc, kỷ niệm đặc biệt đến từ vị khách đầu tiên của tiệm là chú cún tên Đốm: “Dù đã quen nhưng lần nào nhìn chủ vuốt ve, thì thầm với bé lần cuối tụi mình đều rất xúc động. Kỷ niệm đặc biệt có lẽ là vị khách đầu tiên tới tiệm là bạn Đốm. Những cảm xúc lần đầu khi ấy, lúc nhìn bé nằm như đang ngủ, tụi mình đã bần thần rất lâu rồi mới sẵn sàng đưa bé vào hỏa táng" .
Chia sẻ về chuyện làm việc với khách hàng là người nổi tiếng, Trà tâm sự: “Ở đây bọn mình đối xử với tất cả khách hàng như nhau. Người nổi tiếng hay người bình thường, người sẵn sàng chi tiền hay người hơi khó khăn về tài chính,... khi đã đến đây đều chỉ là người yêu chó mèo. Bọn mình vẫn sẽ làm các thủ tục cho thú cưng tốt nhất có thể, dựa trên mong muốn của chủ nhà.
Một số người nổi tiếng không thích quay chụp hay đưa thông tin về họ và bọn mình cũng không có nhu cầu như thế. Dù gì đây cũng là chỗ đau thương, không phải là chuyện gì vui vẻ để bọn mình thể hiện sự ưu ái với ai đó hay mượn sự nổi tiếng của ai đó để PR” .
Từ người làm dịch vụ: Có áp lực nhưng tin chắc nghề sẽ còn phát triển
Công việc nào cũng có áp lực riêng, dịch vụ an nghỉ cho thú cưng nói riêng và làm ngành thú cưng nói chung không ngoại lệ. Tuy Trà không gặp áp lực khi tiếp xúc với chó mèo nhưng cô vẫn có những lo lắng về chuyện đã cẩn thận và chỉn chu trong từng nghi lễ với các bạn thú cưng hay chưa.
“Ngoài ra mình cũng cần chú ý nét mặt và biểu cảm khi nói chuyện với khách hoặc có mặt khách. Nhiều lúc người ta đang rất buồn còn mình lại vô tình vui vẻ vì việc riêng mà không may khách nhìn thấy thì có thể bị hiểu lầm. Vì vậy khi có việc riêng, mình đều đi ra chỗ khác” - Trà nói.
Cả Trà và Phúc đều nhận định ngành dịch vụ thú cưng sẽ ngày càng phát triển trong tương lai.
"Mình nghĩ chắc chắn trong tương lai, dịch vụ dành cho thú cưng sẽ còn phát triển hơn nữa. Bởi lẽ thú cưng là cầu nối giữa con người và thế giới tự nhiên, giúp phát triển đời sống tinh thần con người. Về hỏa táng thú cưng nói riêng, tụi mình luôn mong các bé sẽ sống một cuộc đời thật đẹp, thật lâu bên cạnh chủ của mình. Đến một ngày đẹp trời, bạn ấy già và ra đi trong vòng tay chủ thì khi đó tụi mình sẽ ở đây chăm sóc bé nốt quãng đường còn lại" - Phúc bày tỏ.
Trong khi đó Trà chỉ ra sự khác biệt của trước đây và hiện tại: “Ngày xưa người ta cũng yêu chó mèo nhưng kinh tế khó khăn, đến người còn không đủ ăn thì không thể dành nhiều sự chăm sóc cho chó mèo được. Bây giờ kinh tế đi lên, cuộc sống đủ đầy rồi thì người ta có nhiều điều kiện để lo cho thú cưng hơn nên em nghĩ càng về sau sẽ càng phát triển.
Dễ hình dung hơn, mình thấy khoảng 10 năm trước, dịch vụ cho thú cưng chỉ ở mức số 0 thì bây giờ đã lên được mức 3 - 4 và sẽ tiếp tục đi lên. Sau này có thể sẽ có người chi nhiều tiền hơn, có mảnh đất rộng hơn để làm nghĩa trang thú cưng chứ không chỉ riêng Tề Đồng Vật Ngã. Thậm chí, các đền chùa cũng có thể có hoạt động an nghỉ cho thú cưng.
Một lý do nữa, nước mình đang phát triển thì sẽ có những điều đi theo các nước đã phát triển và dịch vụ thú cưng là một trong số đó. Hiện tại các nước đó đã có quyền động vật rất chặt chẽ rồi nên mình tin trong tương lai, chúng ta cũng thế” .