Chị T.L, công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thuộc diện F2 của bệnh nhân 21 nhiễm Covid-19. Những ngày cách ly, chị ở nhà tập trung viết bài nghiên cứu và... nhận quà do bạn bè gửi tới. Từ giỏ hoa đẹp tưng bừng đến nem thính, trâu khô gác bếp... “Tình trạng hiện tại, công dân Hà Nội cách ly gương mẫu trăn trở làm sao ăn hết đồ tiếp tế mà không bị béo. Giờ đây đã quen với việc nhận được tin nhắn: Ra cửa lấy đồ nha”, chị T.L chia sẻ một cách hài hước trên Facebook.
Gạo an tâm, học yên lòng, cỗ cưới giải cứu
Chỉ sau ngày 7.3 “náo loạn” vì người mua gạo, cửa hàng Gạo Hồng 72 Nguyễn Lương Bằng (Đà Nẵng) của bà Bùi Thị Hồng đã có một tấm biển to trưng lên. Tấm biển ghi rõ: “Gạo Hồng, khuyến cáo. 1- Đất nước Việt Nam ta không thiếu gạo, do vậy mỗi gia đình nên mua vừa đủ lượng gạo để dùng như thường ngày, không nên dự trữ quá nhiều dẫn đến việc lo lắng quá mức, ảnh hưởng đến tình hình chung. 2- Cam kết bán đúng giá, đảm bảo số lượng cung cấp, để góp phần bình ổn giá thị trường”.
Chủ cửa hàng, bà Bùi Thị Hồng (67 tuổi) là cán bộ Sở Công thương đã về hưu, cho biết ngay trong đêm bà đã bảo cháu mình viết tấm biển đó để dán lên. “Mình góp phần nhỏ cho bà con hiểu, để chung tay nhau chống vi rút. Lợi dụng chi lúc ni. Tôi già rồi, làm răng để có ý nghĩa với mọi người chứ”, bà nói.
Tiếp tế thực phẩm ở khu vực cách ly Trúc Bạch, Hà Nội Ảnh: Giang Ngọc |
Tâm thế này của bà khác hẳn với việc tiểu thương đẩy giá khẩu trang và thực phẩm ở nhiều nơi khác. Bà Hồng cũng cho biết chưa bao giờ thấy có đợt mua bán trong sợ hãi như thế. “Cả cuộc đời tôi chưa bao giờ thấy như vậy. Hồi xưa giờ có đâu. Nhưng thực sự tôi giải trình cho người ta biết, làm sao mà hết gạo được. Giờ chỗ tôi ổn rồi. Tôi tin tưởng mọi người trước sau cũng đến chỗ tôi thôi”, bà Hồng chia sẻ.
Một khóa học về an toàn cảm xúc cũng được nhà tâm lý Phương Hoài Nga tổ chức trên ứng dụng Zoom. Ở đó các thành viên dự lớp được nghe hướng dẫn cách để trở nên bình tĩnh và giữ an toàn cảm xúc. “Rau an toàn, thịt an toàn, khẩu trang an toàn... Chúng ta cũng nhớ an toàn cảm xúc và thông tin chính xác là vô cùng quan trọng”, cô Nga chia sẻ. Thành viên tương tác với cô trên mạng cũng cho biết đôi lúc mình bị thông tin về dịch làm cho phát hoảng.
Trong khi đó, nhóm cựu học sinh Trường Hà Nội - Amsterdam (HAO) lại ngay lập tức có chương trình Ams training miễn phí dành cho con của các cựu học sinh trường này. Trong nhóm, có nhiều thầy cô giáo của nhiều môn học và nếu một thầy cô đăng ký dạy online 1 buổi/tuần thì các em cũng sẽ học được nhiều kiến thức. Một thành viên của nhóm cũng đã chia sẻ tài khoản dạy online để tiết kiệm chi phí khi dạy học. Ngay lập tức, đã có nhiều thành viên trong nhóm đăng ký dạy và học. Hiện tại chương trình đã có các buổi học toán và hóa.
Rau và thịt được cung cấp đầy đủ cho khu cách ly Ảnh: Giang Ngọc |
Đám cưới của chị Nguyễn Thị Hậu ở Phù Ninh (Hải Phòng) tuy phải hoãn nhưng chuyện giải cứu cỗ của chị còn vui hơn tết. Dừng tổ chức vì có liên quan đến bệnh nhân nhiễm Covid-19, chị đã nghĩ đến chuyện gói ghém cỗ cho mỗi người qua chơi một ít mang về còn lại thì thuê tủ đông để trữ. “Nhưng hàng xóm rẽ qua, ngồi chơi, dọn rau dọn cỏ hộ. Các bác bảo thế thì mỗi người mua một ít. Lúc đầu chỉ bốn năm người, dần dần nhiều người biết, đến mua. Mỗi người cứ 1 kg, 2 kg rồi cũng hết. Mọi người trêu, bảo như tết thời bao cấp, cùng mua với nhau”, chị nói.
Vì cần bên nhau
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trương Quý cho biết chính những ngày nhiều người bị cách ly sẽ cho người ta cảm giác cần giao tiếp hơn, cần cộng đồng hơn. Có thể trước đó họ không nhận ra điều đó và chỉ nghĩ cuộc sống online trên mạng là đủ rồi, nhưng điều này sẽ thay đổi khi không được tiếp xúc trực tiếp người với người. “Tôi nghĩ mọi người sẽ hiểu đúng hơn về các giao tiếp offline, khao khát gặp nhau tận mặt hơn”, ông Quý nói.
PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, cho rằng cuộc chiến với Covid-19 sẽ phơi bày hết những thói quen xấu của nhiều người.
“Chúng ta sẽ thấy hết những thói ngồi lê đôi mách, ích kỷ, rồi cả những thói quen mất vệ sinh như khạc nhổ bừa bãi, ít chịu rửa tay, sở thích ăn động vật hoang dã... Mọi người cứ quen gọi đó là căn tính xuề xòa, tiểu nông. Bình thường những thói quen đó vẫn có, nhưng khi dịch bệnh đến nó sẽ lộ rõ, tai hại hơn. Và những tác động tiêu cực sẽ khiến ta phải nhìn lại và sửa lại bản thân mình”, ông Sơn nói.
Đồng thời, cũng theo ông Sơn, tình người chống dịch Covid-19 là một trong những điều sẽ đọng lại khi dịch bệnh này qua đi. “Dịch bệnh Covid-19 là sự kiện hiếm gặp và đang được giải quyết tốt. Chúng ta đang được quốc tế đánh giá cao. Trong khó khăn, bài học về lòng tốt, đối phó với nguy cấp cũng trở thành những kinh nghiệm để chúng ta phát triển đất nước, xây dựng con người. Điều chúng ta có thể làm tốt là đoàn kết, không lo lắng. Nó không chỉ là khẩu hiệu mà là cần hành động”, ông Sơn nói.
Người ở quê chỉ có tấm lòngCả nhà tôi 4 người đều dương tính với Covid-19. Tâm lý ban đầu bị bệnh cũng hơi hoảng loạn, nhưng chủ yếu là sợ mang đến những điều không hay cho những người hàng xóm xung quanh. Những ngày gia đình tôi ở viện, hàng xóm thay nhau sang nhà, người dọn dẹp nhà cửa, người cho bò cho gà ăn, coi như mình vẫn đang ở nhà.
Hầu như ngày nào bà con cũng nhắn tin, gọi điện hỏi han tình hình, động viên gia đình tôi yên tâm điều trị. Người quê chỉ có tấm lòng, tôi thật sự biết ơn những người hàng xóm tốt bụng đã giúp đỡ gia đình tôi lúc khó khăn. Ông N.V.V, bệnh nhân thứ 16, Vĩnh Phúc
Thu Hằng (ghi)
|
Ở Phan Thiết, Bình Thuận, Chủ tịch UBND P.Đức Thắng Nguyễn Đức Thuận cho biết ngày 14.3 có rất nhiều người dân ở phường tự nguyện đem rau tươi, gạo, trái cây, mắm muối đến nhờ lực lượng chức năng để ở cửa các hộ bị cách ly. Thậm chí một người dân ở cảng Phan Thiết còn đem cá ngừ, cá thu ngày 2 lần cho các gia đình bị cách ly.
Quế Hà
|