Đúng là lựa chọn nào cũng có "mặt này, mặt kia". Ở chung cư, có nhiều "cái được" trong vấn đề sinh hoạt, tiện ích; nhưng đổi lại là cũng rất lắm khi bực mình mà chẳng biết phải làm sao ngoài bấm bụng chịu đựng.

Mới đây, những cư dân đang sinh sống tại một dự án chung cư ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã phải "thở dài" vì hàng xóm sửa nhà, hết nhà này lại tới nhà khác, nên thành ra không có lúc nào được yên!

Ám ảnh những tiếng khoan đục "đập vào đầu"

Phần lớn các chung cư - dù ở đâu đi chăng nữa, đều có quy định về khung giờ thi công cho những hộ có dự định tân trang nhà cửa. Biên bản đã nộp, đã được ban quản lý chung cư cấp thuận trong khung giờ quy định, nhưng chẳng phải ai cũng có ý thức tuân thủ.

Bằng chứng chính là những tin nhắn "gào" lên trong bất lực dưới dây.

untitled-design-43-17438451686181698409707-1743853202165-17438532076931192436656.png

Thế là "đi tong" một ngày cuối tuần, con không ngủ được vì tiếng ồn, bố mẹ cũng mệt theo (Ảnh: NVCC)

untitled-design-41-17438451686751336450817-1743853208465-17438532085801734131625.png

Ban ngày thì không nói, nhưng đằng này, 11h đêm vẫn lịch kịch... (Ảnh: NVCC)

untitled-design-42-17438451686711862861222-1743853209276-1743853209396859116739.png

Nóng lòng mong tới ngày hàng xóm hoàn thiện công trình... (Ảnh: NVCC)

Chị Tuyết Mai - Người đang sinh sống tại chung cư, và cũng từng trải qua không ít lần bị "gõ vào đầu" lúc nửa đêm vì hàng xóm sửa nhà, cho biết: "Quy định giờ giấc thi công thì có, họ cũng không cho người khoan đục ngoài giờ quy định, nhưng vấn đề là họ dọn dẹp bất chấp nửa đêm. Quét dọn, kê đồ cứ thùm thụp trên đầu, không sao mà chịu nổi".

Anh Hoàng Dũng - Hiện đang ở một dự án chung cư tại quận Thanh Xuân cũng có chia sẻ tương tự: "Nhà này sửa xong thì lại đến nhà khác, không phải căn "ngay trên đầu" mình nhưng vẫn bị ảnh hưởng vô cùng. Ban ngày họ làm, mẹ và con mình ở nhà kêu đau đầu suốt vì ồn quá, bà dỗ mãi cháu mới chịu vào giấc thì lại khoan, lại đập nên lại giật mình. Cả nhà mệt theo, vợ chồng mình đi làm cũng không yên tâm được".

Tựu trung lại, cảm giác mệt mỏi, bực mình đến mức ám ảnh là vấn đề không của riêng ai, khi ở chung cư mà hàng xóm tầng trên sửa nhà. Nhà nào có trẻ con thì lại càng ám ảnh hơn nữa. Nhưng phần lớn mọi người cũng chỉ biết bấm bụng cố chịu, có kêu than với ban quản lý, thì cũng chỉ đỡ được vài hôm, rồi đâu lại hoàn đấy.

"Có lần tầng trên đập thông 2 căn, thi công gần 2 tháng mới xong. 2 tháng đó gia đình mình mệt mỏi không từ nào mà diễn tả được. Mình với con phải khăn gói về ngoại lánh nạn, chứ lúc đó con mới được 4 tháng, ở nhà mà ồn như vậy, mình không rèn nếp ngủ cho con được, thức trắng gần như 2 ngày" - Chị Tuyết Mai chia sẻ.

Quy định về sửa chữa chung cư?

Việc sửa chữa căn hộ chung cư phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định hiện hành nhằm bảo đảm không gây ảnh hưởng tiêu cực đến kết cấu chung, an toàn của toàn bộ tòa nhà và quyền lợi chính đáng của các cư dân khác. 

8ca4a552520ace081c43a805e924cf43-17438460521781668382810-1743853210291-1743853210385378026497.jpg

Ảnh minh họa

Theo đó, một số trường hợp sửa chữa cần phải được sự chấp thuận của chủ đầu tư hoặc ban quản lý, và thậm chí, có thể phải yêu cầu xin giấy phép xây dựng sửa chữa, đặc biệt là khi có sự thay đổi kết cấu chịu lực như tường, cột, dầm, sàn bê tông, hoặc khi thay đổi kiến trúc mặt ngoài của tòa nhà. Việc chuyển đổi công năng sử dụng căn hộ cũng có thể bị hạn chế hoặc cần được phê duyệt. 

Ngược lại, các hoạt động sửa chữa nhỏ, mang tính chất trang trí và không ảnh hưởng đến kết cấu hay hệ thống chung thường không cần xin phép nhưng vẫn cần được thông báo đến ban quản lý. 

Quy trình sửa chữa thường bao gồm việc thông báo kế hoạch, xin phép nếu cần, có thể ký quỹ để đảm bảo tuân thủ quy định, tuân thủ thời gian thi công được quy định, giữ gìn vệ sinh và an toàn trong quá trình thi công, đồng thời hạn chế tối đa tiếng ồn. Chủ sở hữu căn hộ có quyền thực hiện sửa chữa bên trong phần sở hữu riêng nhưng đồng thời có nghĩa vụ tuân thủ các quy định pháp luật, quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư và các thỏa thuận với ban quản lý, chịu trách nhiệm về các thiệt hại do việc sửa chữa không đúng quy định gây ra. 

Do đó, trước khi tiến hành bất kỳ hoạt động sửa chữa nào, việc liên hệ và làm việc chặt chẽ với BQL tòa nhà là vô cùng cần thiết để được hướng dẫn cụ thể và đảm bảo tuân thủ đúng các quy định áp dụng.

Các trường hợp không tuân thủ quy định về sửa chữa chung cư liệu có bị xử phạt?

Đối với chủ sở hữu căn hộ, nếu không tuân thủ các quy định về sửa chữa, cải tạo chung cư theo quy định của ban quản lý và pháp luật, có thể bị xử phạt tùy theo từng cấp độ.

hoan-thien-chung-cu-xay-tho-1743846257156495032744-1743853210988-17438532110971307103569.jpg

Ảnh minh họa

Bị nhắc nhở, yêu cầu dừng thi công: Ban quản lý hoặc chủ đầu tư có quyền nhắc nhở, yêu cầu chủ căn hộ dừng ngay việc sửa chữa nếu phát hiện vi phạm quy định của tòa nhà hoặc pháp luật.

Bị xử phạt hành chính: Theo Nghị định 16/2022/NĐ-CP, các hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư, bao gồm cả việc sửa chữa không đúng quy định, có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với cá nhân và gấp đôi đối với tổ chức cho một số hành vi như:

- Gây thấm, dột cho căn hộ khác.

- Sử dụng màu sắc sơn, trang trí mặt ngoài không đúng quy định.

- Tự ý thay đổi kết cấu chịu lực hoặc thiết kế phần sở hữu riêng gây ảnh hưởng đến kết cấu chung. Mức phạt cho hành vi này có thể cao hơn, từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với tổ chức.

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu: Chủ căn hộ có thể bị yêu cầu khôi phục lại hiện trạng ban đầu của căn hộ nếu việc sửa chữa gây ảnh hưởng đến kết cấu, kiến trúc chung hoặc quyền lợi của các cư dân khác.

Bị cắt các dịch vụ tiện ích: Trong một số trường hợp nghiêm trọng, BQL có thể tạm ngừng cung cấp một số dịch vụ tiện ích (điện, nước,...) cho đến khi khắc phục xong vi phạm.

Bị lập biên bản vi phạm và xử lý theo quy chế của tòa nhà: Quy chế của từng tòa nhà có thể có các hình thức xử lý bổ sung như cảnh cáo, phạt tiền theo quy định nội bộ (nếu được pháp luật cho phép và cư dân đồng ý).

Phải bồi thường thiệt hại: Nếu việc sửa chữa gây ra thiệt hại cho các căn hộ khác hoặc phần sở hữu chung, chủ căn hộ vi phạm phải có trách nhiệm bồi thường.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022