Mỗi năm vào dịp Tết Trung thu, Thuỳ Dương (29 tuổi, quê tại Tuyên Quang) hiện đang sinh sống và làm việc tại TP. Hà Nội sẽ tạm gác công việc làm bánh kem, bánh mì thường ngày để nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng. Trong thời gian này, cô gái trẻ tranh thủ lên ý tưởng và tạo ra chiếc bánh Trung thu có 1 - 0 - 2 để ghi lại kỉ niệm này. 

Dương vẫn thường trêu đùa “đến hẹn lại lên”, mỗi năm cô cho ra lò một mẫu bánh độc đáo mang nét cổ truyền dân tộc. Cũng chính vì điều này, nhiều khách hàng trung thành, độc giả quý mến cũng như giới báo chí truyền thông lại nóng lòng đón chờ tác phẩm mới. Khi thì Dương đưa tranh Đông Hồ dân gian vào bánh, lúc cô lại tạo hình những con vật là bạn của nhà nông,...

Còn năm nay, Dương khiến CĐM trầm trồ bởi chiếc bánh Trung thu giống mô hình tiểu cảnh tái hiện nếp nhà xưa ở Đồng bằng Bắc Bộ. Hiện những dòng chia sẻ, những bức hình mà cô đăng lên một group về bếp núc, nấu nướng đã đạt hơn 40 nghìn lượt yêu thích, 6 nghìn lượt bình luận và 2,5 nghìn lượt chia sẻ. Bài viết “viral”, được đông đảo mọi người quan tâm.

trung-thu-07-1724297866241357006823-1724300862348-1724300862572238563507.jpg

Mỗi năm, Thuỳ Dương đều điêu khắc nghệ thuật để tạo nên những chiếc bánh độc lạ. Tuy nhiên năm nay, cô thợ bánh hạnh phúc, tự hào khi “đứa con tinh thần” “viral”, chạm đến cảm xúc của mọi người. Mọi người sẵn sàng chia sẻ tâm trạng dưới phần bình luận khiến cô xúc động vô cùng. Đó là câu chuyện của những người con xa xứ lập nghiệp, những người sinh sống tại nơi “đất khách quê người” ít có điều kiện về Việt Nam hay những bạn trẻ mới ra trường, đang nhiều lắng lo với cuộc sống mưu sinh.

Cô thợ làm bánh 9x bật mí, chiếc bánh Trung thu năm nay được sáng tạo, điều chỉnh phù hợp trong quá trình, chứ không hề theo nguyên mẫu nào. Ban đầu, cô dựa vào tranh ảnh, trí nhớ của bản thân về khung cảnh làng quê. Nhưng trong quá trình thực hiện phát sinh nhiều vấn đề như chi tiết không phù hợp, chi tiết không thể đứng vững trên bánh,... bắt buộc khiến cô phải thay đổi.

trung-thu-03-17242975918851346823806-1724300863362-1724300863473855557953.jpg

Không chia sẻ sẽ không ai biết khu tiểu cảnh là chiếc bánh Trung thu có thể thưởng thức được. Mọi nguyên liệu, chất liệu làm bánh đều thông dụng, quen thuộc giống như bao chiếc bánh khác. Vậy mà qua khối óc sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo của Thuỳ Dương và đội ngũ đã tạo nên kiệt tác nghệ thuật.

“Căn nhà bánh” gồm 3 gian - mẫu nhà thiết kế quen thuộc của làng quê Bắc Bộ gồm: 1 nhà chính với cột ở phía trước bậc tam cấp, manh nứa để che nắng; 1 nhà phụ dùng làm bếp; cuối cùng là nơi để chăn thả gia súc, gia cầm. Dương còn tỉ mỉ nghiên cứu, đưa cả khung cảnh thôn quê vào tạo hình, chẳng hạn như cây cau thường được trồng ở phía cổng vào, cây mít và các loại cây cổ thụ khác được trồng phía sau. Khu nhà ở còn có nơi trồng rau, chỗ đặt giếng nước, nơi để chum vại hứng nước mưa,...

Thuỳ Dương bồi hồi chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng làng quê Bắc Bộ - nơi những mái ngói, sân gạch, bờ tường rêu phong, cây cau trước nhà,... đã trở thành hồi ức không bao giờ quên được. Dù cho quá khứ cơ cực thế nào, có thiếu thốn trăm bề ra sao thì tôi vẫn sẽ mãi giữ những kỷ niệm đó, và sẽ dùng chút sức nhỏ bé để lưu giữ mãi về sau”.

Trong thời buổi hiện đại, sức cạnh tranh trong nghề lớn, đặc biệt là với nghề làm bánh khi liên tục phải cập nhật mẫu bánh mới, chất liệu mới. Còn Dương lại chọn đưa nét cổ xưa, cổ truyền dân tộc vào bánh bởi cô nghĩ mỗi người sẽ có sở thích khác nhau, có người thích truyền thống, cũng có người lại thích nét hiện đại.

trung-thu-08-1724297866245530657213-1724300866160-17243008662581740732450.jpg

Chiếc bánh Trung thu độc bản tạo hình căn nhà Bắc Bộ xưa được làm trong 5 ngày do 4 người thực hiện, nặng gần 30kg. Thuỳ Dương là người lên ý tưởng, trực tiếp làm chính, các thợ còn lại phụ những công đoạn đơn giản. Dương sẽ làm mẫu từng phần, thợ phụ bắt chước theo mẫu hoặc giúp cô hoàn thiện những phần còn dang dở trong quá trình.

Chẳng hạn khi cô làm phần mái ngói, sẽ có người đi lát gạch nền sân; khi cô tô màu, sẽ có người pha màu theo đúng tỷ lệ để màu sắc lên chuẩn,... Mỗi người một công đoạn giúp rút ngắn thời gian đáng kể.

Vỏ bánh bên ngoài làm bằng bột thông thường, nhân bánh làm từ đậu xanh, phần lá cây trang trí từ giấy gạo. Bên cạnh đó, bánh được làm từ nhiều nguyên liệu hiện đại khác nên hương vị sẽ không giống với bánh Trung thu cổ truyền.

trung-thu-04-1724297591888593768635-1724300866754-172430086688883040783.jpg

“Tôi cố gắng mô tả sao cho giống căn nhà cổ nhất. Chẳng hạn như gạch sân đâu có thẳng hàng thẳng lối, sẽ có viên nứt, viên vỡ. Hay phần mái nhà nhìn trông mới quá, sẽ cần làm cho nó nứt hơn, cổ kính hơn. Vì nước mưa rơi xuống phần kẽ ở mái sẽ tạo nên lớp rêu phong ẩm mốc, tôi cứ mường tượng và làm từng chút.

Chưa ai từng làm chiếc bánh này, chúng tôi là những người đầu tiên thực hiện nên cứ vừa làm vừa mày mò. Chúng tôi phải thử nhiều phương pháp, cách thức, nguyên liệu khác nhau,... mới ra được kết quả cuối”, Thuỳ Dương kể.

Cô gái Tuyên Quang cho biết, công đoạn khó nhất là tạo hình. Bởi cô phải căn chỉnh sao cho giống với mô hình thực tế, đòi hỏi người làm có năng khiếu tạo hình. Bánh được làm không dựa trên nguyên mẫu cụ thể nên dĩ nhiên không thể đo được kích thước nên cô phải làm dựa theo kinh nghiệm thực tế.

Trong quá trình nướng bánh ở nhiệt độ cao, sẽ có phần bánh nở phình quá nhiều hoặc co lại, méo mó khiến Dương phải làm lại nhiều phần. Có những phần làm “5 lần, 7 lượt” mới thành công. Mỗi phần lại có cách xử lý khác nhau, không có công thức chung đòi hỏi người thợ phải tỉ mẩn quan sát, kiên trì chỉnh sửa. Chẳng hạn như bức tường có 2 bên, Dương phải cắt giũa từng viên gạch, dùng bột nhúng nước dính lại rồi mang đi sấy khô.

trung-thu-05-1724297591866733145464-1724300868333-17243008684381451424020.jpg

Cô thợ bánh 9x tiếp tục chia sẻ: “Trong quá trình làm bánh, tôi có mặt tại đây để điều chỉnh liên tục. Chẳng hạn mái nhà lắp lệch, lắp không đều, tôi yêu cầu thợ phụ tháo ra sửa ngay, sửa đến khi nào thành công. Tôi giám sát tổng thể mới có thể cho ra kết quả như mong muốn. Thợ phụ cũng rất thích tạo mẫu truyền thống nhưng sẽ không thể quan sát chi tiết được hết.

Tôi cũng chưa từng học qua lớp làm tiểu cảnh, chỉ tự học trên mạng qua vài video rồi thao tác. Đây đơn giản là câu chuyện làm nghề, phần đặc biệt mới là ý tưởng”.

Cô nàng còn bật mí thêm một điều thú vị, trước khi làm bánh Trung thu tái hiện căn nhà Bắc Bộ xưa, cô đã có sản phẩm khác gần hoàn thành. Nhưng khi nảy ra ý tưởng mới, cô sẵn sàng huỷ bỏ toàn bộ, gấp rút vào bắt tay tạo mô hình mới. “Thấy điều gì thích hơn thì cần ưu tiên làm trước”, cô bật cười.

trung-thu-09-1724297866248178700151-1724300869164-17243008693031700656886.jpg

Làm bánh từ nhiều năm qua là niềm đam mê của Thuỳ Dương. Với mùa Trung Thu - thời điểm bội thu trong năm, khi hầu như các thợ làm bánh đều tham gia sản xuất thì Dương lại có hướng đi riêng. Cô và đội ngũ của mình chọn cách dành thời gian nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng. Cô dùng quãng thời gian này tập trung cho công việc sáng tạo, chứ không đặt nặng tính thương mại, vì thế cô không cảm thấy áp lực khi làm chiếc bánh gói gọn khung cảnh Bắc Bộ. 

Tiêu chí, mục tiêu ban đầu của Dương là bánh bánh kem, bánh mì và các loại bánh ngọt khác, chứ không bán bánh Trung thu. Kể cả khi mọi người yêu cầu mua hay đặt làm riêng, có nhu cầu muốn học làm, cô thợ bánh cũng nhất quyết không bán, không dạy. Đặc biệt sau khi chiếc bánh Trung “viral” trên MXH, bão tin nhắn, bão đơn hàng kéo tới, cô cũng khéo léo từ chối.

Không ít người liên hệ muốn được học làm bánh Trung thu như vậy nhưng cô không dạy vì mất thời gian. Làm bánh liên quan đến năng khiếu, đặc biệt là những chiếc bánh đặc biệt. Ngay như việc điều khiển màu sắc, cô không thể dạy 1-2 lần là thợ có thể làm thành công. Không đơn thuần làm bánh, họ phải học cả kiến thức mỹ thuật, tạo hình, tạo tiểu cảnh, kiến trúc,...

Vào ngày 29/8, tức là còn khoảng 1 tuần lễ nữa, Thuỳ Dương sẽ mang chiếc bánh đến số 2 Đinh Liệt - địa điểm quen thuộc như mọi năm để trưng bày cho mọi người, đặc biệt là khách quốc tế chiêm ngưỡng nhằm quảng bá nét văn hoá Việt.

trung-thu-06-1724297591882966909257-1724300870057-17243008701781041198676.jpg

Cô hào hứng tâm sự: “Số 2 Đinh Liệt là khu vực sát với phố cổ, Hồ Gươm nên sẽ có nhiều khách du lịch đi qua. Đây cũng là địa điểm nhiều khách biết tới, ghé thăm khi đến với Hà Nội. Vì thế, đặt sản phẩm tại đây sẽ thu hút mọi người.

Vào năm ngoái, những chiếc bánh Trung thu của tôi cũng được đặt ở đó, BTC chia sẻ bánh nhận được phản hồi tốt, có nhiều người ‘check-in’, tò mò xuất xứ,... Không ít người liên hệ riêng muốn tôi làm lại nhưng tôi đều từ chối”.

Thuỳ Dương cũng cho biết thêm, vì bánh không sử dụng chất bảo quản nên việc duy trì thủ công bằng phương pháp sấy khô 2 - 3 ngày/lần. Bánh sẽ giữ được hơn 1 tháng mà không bị mốc hỏng. Đặc biệt, năm nay bánh được đóng khung lồng kính đặt tại Đinh Liệt bởi năm ngoái do chưa bảo quản tốt, mọi người sờ nắn khiến bánh bị biến dạng. Hơn nữa, yếu tố môi trường cũng khiến bánh bị hỏng sớm.

Ngành nghề nào cũng cần có sự học hỏi, rèn luyện, với nghề làm bánh cũng vậy. Thuỳ Dương hiểu điều đó nên cô không ngừng tự nâng cao kiến thức, kỹ năng bằng việc ra nước ngoài học tập, đó là điều rất quan trọng.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022