Vivaso đề nghị không phải thoái vốn khỏi Hãng phim truyện Việt Nam, hứa sẽ sản xuất phim - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Vivaso ngày 6-4 đã gửi văn bản tới Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất giải quyết vướng mắc tại Hãng phim truyện Việt Nam.
Đề xuất này được cho biết là để tháo gỡ thực trạng khó khăn sau mấy năm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn loay hoay chưa thể thực hiện được kết luận của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của Chính phủ về việc cho thoái vốn tại Hãng phim truyện Việt Nam, trả lại tiền cho nhà đầu tư, cùng những vướng mắc khác tại hãng phim.
Hãng phim truyện Việt Nam: Thoái vốn khó khăn không phải vì Vivaso không hợp tác?
Vivaso đưa ra 3 đề nghị.
Một là đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng cho phép Vivaso được đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng đã cũ nát để sản xuất phim, làm văn hóa điện ảnh đúng quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
Ông Nguyễn Danh Thắng - chủ tịch HĐQT, người đại diện theo pháp luật của Cty CP đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam (Hãng phim truyện Việt Nam) - xác nhận với Tuổi Trẻ Online đề xuất này có nghĩa là Vivaso đề xuất không thoái vốn tại Hãng phim truyện Việt Nam như chỉ đạo trước đó của Chính phủ.
Lý do của đề xuất này là bởi việc thoái vốn đang "bế tắc". Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa tìm kiếm nhà đầu tư mới, cũng khó khăn về nguồn vốn để thoái vốn.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online việc thoái vốn gặp khó khăn vừa qua có phải do Vivaso không hợp tác như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ, ông Thắng phủ nhận.
"Bộ yêu cầu tính toán chi phí nhưng không có văn bản pháp luật hướng dẫn nên chúng tôi không biết tính thế nào.
Thoái vốn tức là bán cổ phần trong doanh nghiệp, phải theo giá thị trường, nhưng bộ lại yêu cầu tính toán chi phí. Các cuộc họp giữa bộ và Vivaso là theo hướng thu hồi cổ phần. Chưa có văn bản nào của bộ đề nghị nhà đầu tư đưa ra giá cổ phiếu là bao nhiêu.
Chỉ riêng khoản nhà đầu tư phải trả nợ thuế cho công ty nhà nước và bù lỗ những năm gần đây, theo quy định hiện hành cũng chưa có quy định nhà nước bỏ tiền ngân sách bù lỗ cho doanh nghiệp cổ phần thì bảo chúng tôi tính chi phí thế nào?", ông Thắng giải thích về việc thoái vốn khó khăn thời gian qua.
Nếu vẫn thoái vốn thì doanh nghiệp xin giới thiệu nhà đầu tư mới
Nếu đề nghị thứ nhất được chấp thuận, Vivaso đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cử người đại diện phần vốn nhà nước có đủ chuyên môn kinh nghiệm và uy tín tham gia Hội đồng quản trị.
Vivaso cam kết dùng quyền biểu quyết của mình để bầu người này giữ chức danh tổng giám đốc và cam kết hỗ trợ tối đa tổng giám đốc điều hành doanh nghiệp, sản xuất phim ngay.
Vivaso nói các đề xuất này sẽ giải quyết được nghi ngờ của một số nghệ sĩ và dư luận cho rằng nhà đầu tư không làm phim mà vì mục đích chiếm đất và không có chuyên môn về lĩnh vực sản xuất phim.
Ngoài ra, phương án này cũng giúp nhà nước không phải dùng ngân sách để mua lại cổ phần và đầu tư tiền vào doanh nghiệp đã được cổ phần hóa.
Tuy vậy, Vivaso cũng tính thêm một lối mở khác.
Đó là nếu các đề xuất trên không được Chính phủ chấp thuận, công ty này đề xuất xin được giới thiệu nhà đầu tư mới để chuyển nhượng cổ phần theo đúng kết luận của Thanh tra Chính phủ.
"Thoái vốn cổ phần của tổ chức, cá nhân không phải cổ phần của nhà nước thì có thể thoả thuận giữa bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng. Còn thoái vốn cổ phần thuộc sở hữu nhà nước thì mới phải đấu giá theo quy định hiện hành.
Nếu được chấp thuận chúng tôi sẽ giới thiệu nhà đầu tư có chuyên môn, đáp ứng tiêu chí và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấp thuận" ông Thắng nói.
Vivaso phải nộp 23,2 tỉ đồng tiền thuế vì Hãng phim truyện Việt Nam
Trong văn bản kiến nghị, Vivaso cho biết từ khi chính thức đi vào hoạt động, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển phim truyện Việt Nam phải nộp 23,2 tỉ đồng tiền thuế do Hãng phim truyện Việt Nam nợ ngân sách nhiều năm chuyển sang.
Ông Thắng cho biết Vivaso đã nộp gần hết số nợ thuế này.
Về việc hãng phim đổ nát, người lao động không có việc làm, Vivaso cho biết do phải chờ thoái vốn tại doanh nghiệp, nhà đầu tư không thể tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như đầu tư sản xuất phim như mục tiêu ban đầu khi đầu tư vào hãng phim.
Trước đó hạ tầng của Hãng phim truyện Việt Nam đã xuống cấp.