NSND Thụy Vân tên đầy đủ là Nguyễn Thụy Vân, sinh năm 1940, tại Ninh Bình. Năm 1959, bà theo học lớp diễn viên khóa đầu tiên (khóa 1) của Trường Điện ảnh Việt Nam (tiền thân của Đại học Sân khấu - Điện ảnh Việt Nam), cùng thời với các nghệ sĩ như: NSND Trà Giang, NSND Lâm Tới, NSND Trần Phương...
Tên tuổi của NSND Thụy Vân gắn liền với những bộ phim: Nổi gió, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Sao tháng Tám, Rừng xà nu, Hai bà mẹ, Đứa con nuôi…
Trong đó, bộ phim Nổi gió của đạo diễn, NSND Huy Thành là tác phẩm ghi dấu tên tuổi NSND Thụy Vân với vị trí đặc biệt trong nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam.
Bộ phim cuối cùng bà tham gia là Bí mật thành phố cấm (1991) của đạo diễn Phan Vũ. Không chỉ dừng lại với vai trò diễn viên, bà còn làm đạo diễn phim Cơn lốc đen (1988). Bộ phim nhận giải đặc biệt tại Liên hoan phim Việt Nam 1988. Với những cống hiến cho nghệ thuật, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2019.
Ngày 16/3, NSND Thụy Vân ra đi ở tuổi 83 sau thời gian dài điều trị căn bệnh ung thư trực tràng, để lại niềm tiếc thương cho khán giả và đồng nghiệp.
Liều lĩnh "đốt tay" vì vai diễn
Bộ phim Nổi gió xoay quanh diễn tiến cuộc đời hai chị em ruột ở hai đầu chiến tuyến. Người chị tên Vân (NSND Thụy Vân) theo Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, người em trai tên Phương (NSND Thế Anh) - một trung úy Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Sau khi tận mắt chứng kiến cảnh khổ đau, mất mát của chiến tranh, Phương trở về đứng chung chiến tuyến với chị, đấu tranh cho độc lập, hòa bình.
Vai diễn "Vân" trong bộ phim "Nổi gió" ghi dấu tên tuổi của NSND Thụy Vân trong nền điện ảnh cách mạng Việt Nam (Ảnh: Tư liệu).
Trong phim, Thụy Vân đóng hàng loạt cảnh bị địch đánh đập, tra tấn. Đỉnh điểm là khi nhân vật bị quấn băng gạc tẩm cồn vào 10 đầu ngón tay rồi châm lửa đốt. Trước ngọn lửa cháy rực trên hai bàn tay, ánh mắt cương nghị, gương mặt không chút biến sắc của Vân khiến quân thù sợ hãi.
Dù là vai diễn đánh dấu lần đầu chạm ngõ điện ảnh nhưng NSND Thụy Vân đã gây ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả, khắc họa rõ nét một nhân vật biểu tượng của lòng dũng cảm, can trường, tinh thần hy sinh bất khuất của người phụ nữ Việt Nam.
Sinh thời, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn, NSND Thụy Vân cho biết dù đã đóng nhiều bộ phim, đảm nhận vai trò đạo diễn nhưng bà vẫn không thể vượt qua cái bóng của vai diễn này.
Nhớ lại khi thực hiện phân cảnh châm lửa đốt hai bàn tay, bà vẫn rùng mình, ám ảnh. Theo NSND Thụy Vân, phân cảnh đó không hề được tập dượt trước, mà "quay một đúp ăn luôn" theo yêu cầu của đoàn phim. Khi quay, bà được quấn một lớp gạc vào 10 đầu ngón tay rồi chồng lên một lớp thạch cao, ngoài cùng là lớp bông tẩm dầu, rồi châm lửa đốt.
"Tôi vẫn không hiểu sao hồi đó mình hăng hái đến thế khi chưa hề được tập dượt. Đoàn phim cử một người ôm thùng nước to đứng cạnh tôi, khi đạo diễn hô cắt, tôi lập tức nhúng tay vào đó. Giờ nói diễn lại chắc tôi không làm được", Thụy Vân từng chia sẻ.
Không chỉ thế, Thụy Vân còn phải về Nông trường Quý Cao (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) để học lối sống của người miền Nam tập kết ra Bắc, học cách chèo thuyền, đi cầu khỉ...
Với những nỗ lực hết mình của NSND Thụy Vân cùng dàn diễn viên tên tuổi như NSND Thế Anh, Lâm Tới, Thanh Loan,… bộ phim Nổi gió đã gặt hái được nhiều thành công lớn. Phim giành được giải Bông sen vàng cho hạng mục Phim truyện nhựa tại Liên hoan phim Việt Nam lần đầu tiên. Tác phẩm này cũng là bộ phim đầu tiên trong ba phim đoạt giải Bông sen vàng của đạo diễn Huy Thành.
NSND Thụy Vân - trọn vẹn phẩm chất người nghệ sĩ
PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam xót xa khi nghe tin NSND Thụy Vân ra đi ngay sau ngày kỷ niệm 70 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam. Ông chia sẻ với PV Dân trí: "Hôm nay, khi biết tin chị mất, tôi rất buồn vì trong dịp kỷ niệm 70 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam, chúng tôi dự định mời chị ra dự nhưng được biết chị đang ốm rất nặng. Định rằng sau đợt này, trở về TPHCM, tôi sẽ đến thăm chị nhưng chưa kịp làm điều đó thì chị đã ra đi. Dẫu biết sinh lão bệnh tử là quy luật tự nhiên nhưng khi nghe tin chị mất, tôi thật sự tiếc thương".
NSND Thụy Vân - một trong số những diễn viên thế hệ vàng của điện ảnh cách mạng Việt Nam (Ảnh: Tư liệu).
Trong ký ức của PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, NSND Thụy Vân là một người chị hiền hòa, gần gũi, một người đồng nghiệp dễ thương.
"Chị Thụy Vân sống ở TPHCM, tôi may mắn ở trong đó nhiều năm. Nhà chị và nhà tôi không cách xa nhau lắm, cùng trong một Quận. Chị ở đường Phan Văn Trị còn tôi ở đường Trần Bình Trọng. Hai chị em rất thân thiết. Chị hay quan tâm, hỏi han và tặng tôi những tập thơ chị viết. Đối với anh em nghệ sĩ, chị sống vô cùng khiêm nhường".
Với những đóng góp của NSND Thụy Vân với nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam đánh giá: "NSND Thụy Vân cùng với các nghệ sĩ khóa I trường Trường Điện ảnh Việt Nam như NSND Trà Giang, NSND Lâm Tới, NSND Trần Phương,… là khóa diễn viên rực rỡ của điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Chị Thụy Vân tham gia nhiều tác phẩm kinh điển nhưng vai diễn đóng đinh tên tuổi của chị chắc chắn là trong bộ phim Nổi gió. Đây là vai diễn đặc trưng tính cách của người phụ nữ Nam Bộ. Vai diễn đó đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Những ai đã xem phim Nổi gió sẽ không thể nào quên những phân cảnh chị rèn những hàng lưỡi lê, chị kêu những người lính phải dừng lại. Nhiều người không thể nào quên cảnh bàn tay chị, 10 ngón tay bị châm lửa, bùng cháy trước sự hoảng sợ của kẻ thù".
Có thể về sau, khán giả không còn nhớ rõ chi tiết của phim nhưng hình tượng đó sẽ còn mãi, in đậm trong tâm trí. Đấy là hình tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong phim của đạo diễn, NSND Huy Thành. Hình tượng kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam".
Theo PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, ở những năm cuối đời, dù sức khỏe suy yếu nhưng NSND Thụy Vân vẫn không ngừng đau đáu với nghề.
"Những lần tôi gặp chị, dù tuổi cao, sức khỏe không còn tốt nhưng chị vẫn đau đáu, ham mê với nghề. Chị mong có sức khỏe để tham gia được nhiều tác phẩm, sinh hoạt hội nhiều hơn.
NSND Thụy Vân sống rất nhiệt thành, khiêm nhường, luôn giữ trọn hình ảnh, phẩm chất của người nghệ sĩ trong lòng công chúng cho nên luôn luôn được đồng nghiệp, khán giả yêu mến. Người nghệ sĩ chân chính không chỉ được ngưỡng mộ ở tài năng mà còn phải ở nhân cách. Chị Thụy Vân là một người nghệ sĩ như thế, một nhân cách rất đáng để chúng tôi - thế hệ sau học tập, noi theo", PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú bày tỏ.