* Bài viết tiết lộ nội dung phim

the-elephant-whisperers-tinh-cam-giua-nguoi-va-voi-1679037398.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fZzVmUljfU036Q5opD-CLg
'The Elephant Whisperers' - tình cảm giữa người và voi

Tác phẩm "The Elephant Whisperers" phát hành trên Netflix tháng 12/2022. Một số tư liệu từ dự án "Sacred Bond" được đạo diễn Kartiki Gonsalves phát triển thành phim tài liệu ngắn. Video: Sony India

The Elephant Whisperers là tác phẩm đầu tay của đạo diễn Kartiki Gonsalves, giành giải Phim tài liệu ngắn hay nhất Oscar 2023. Trong bài phát biểu nhận giải, Kartiki nói: "Tôi đứng đây để nói lên mối liên kết thiêng liêng giữa con người và thế giới tự nhiên, vì sự kính trọng của các cộng đồng bản địa và sự đồng cảm với những sinh vật mà chúng ta đang chia sẻ không gian".

Tác phẩm theo chân hai người Kattunayakan Bomman và Bellie chăm sóc Raghu, chú voi mất mẹ khi mới vài tháng tuổi. Bằng tình yêu thương, Raghu lớn lên khỏe mạnh. Một thời gian sau, chính quyền giao cho Bomman một con voi tên Ammu, ba tháng tuổi. Hai con voi chơi đùa quấn quýt, cùng nhau lớn lên. Đến một ngày, Raghu buộc phải chuyển đi nơi khác.

Những phút đầu, phim đưa người xem đến khung cảnh ở trại nuôi voi Theppakadu ở Tamil Nadu (Ấn Độ). Các con voi ở đây đa phần vì mồ côi mẹ hoặc đi lạc, không thể tái hòa nhập với đàn. Người quản tượng chủ yếu thuộc bộ lạc Kattunayakan (nghĩa là thủ lĩnh của khu rừng). Bomman là thế hệ thứ ba trong gia đình có truyền thống chăm sóc voi. Còn Bellie từ một người sợ động vật hoang dã, nhờ tình yêu với Bomman và Raghu, cô trở thành mẹ nuôi của voi.

elephantwhisperers-wide-c51e63-1542-8733-1679038613.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=E2x5ybHd6nNFr4d8oiUGrg

Quản tượng Bomman và voi Raghu trong phim "The Elephant Whisperers". Ảnh: Netflix

Cuộc sống của Bomman và Bellie xoay quanh hai chú voi. Hàng ngày, họ cho ăn, dọn chuồng, chơi đùa và tắm rửa cho chúng. Bomman hay gọi Raghu là "cưng của ta", còn Bellie nói rằng cô xem voi như đứa con ruột. Nhờ công việc này, tình cảm của hai người trở nên khăng khít và quyết định tiến đến hôn nhân.

Sự thông minh của voi thể hiện qua việc Raghu chơi đá bóng, chọn đồ ăn. Raghu và Ammu bày tỏ tình cảm với người bằng hành động quấn vòi vào tay hay lấy vòi xoa đầu quản tượng. Cảnh gây xúc động là khoảnh khắc Raghu chia tay vợ chồng Bomman và voi con Ammu để chuyển đến nơi khác. Nhà quay phim ghi lại khoảnh khắc chú voi nằm xuống không muốn đi. Bomman phải xoa đầu chú trấn an. Lời kể nghẹn ngào của quản tượng giúp người xem thấu hiểu sự chia lìa, mất mát.

Với hiện trạng môi trường sống của voi châu Á đang biến mất nhanh do bị xâm lấn và biến đổi khí hậu, nhà làm phim chọn cách kể câu chuyện tích cực, truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường. Tác phẩm còn đan xen khía cạnh giữ gìn văn hóa, tín ngưỡng trong đời sống người Kattunayakan. Ngoài chăm sóc voi, Bomman còn là tu sĩ Hindu thờ Thần voi Ganesha. "Người Kattunayakan lo cho sự tươi tốt của núi rừng. Đi chân trần trong rừng là cách tỏ lòng tôn trọng. Chúng tôi sinh sống nhờ rừng, đồng thời bảo vệ rừng. Chúng tôi chỉ lấy thứ mình cần", bà Bellie nói.

oscar-winning-the-elephant-whi-2485-3164-1679038613.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9Z2tO7yU1eIYgsIrC1x1MA

Bellie (bìa phải) và Bomman nên duyên vợ chồng trong quá trình chăm sóc hai con voi Raghu và Ammu. Ảnh: Netflix

Âm nhạc góp phần dẫn dắt câu chuyện. Theo NDTV, nhà soạn nhạc Sven Faulconer và đạo diễn Kartiki Gonsalves muốn nhạc trong phim tối giản nhưng phải có chiều sâu. Có lúc những nốt nhạc đem đến không khí tươi vui, lồng ghép với tiếng chim hót mở ra cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. lúc lắng đọng ở cảnh chia tay. Tác phẩm giành đề cử Âm nhạc xuất sắc thể loại phim tài liệu ngắn tại giải thưởng Hollywood Music in Media Awards 2022.

Phim được các nhà phê bình đánh giá cao. Cây bút Andrew Stover của trang FilmThreat viết: "Tác phẩm được xây dựng tinh tế, nâng cao tầm nhìn về sự gắn kết giữa voi và người. Tôi không thể tưởng tượng được một thế giới không có động vật sau khi xem xong". Trang Common Sense Media khen phim: "Dù là phim tài liệu ngắn, tác phẩm vẫn mang cốt truyện sâu sắc về những thăng trầm, khoảnh khắc của cái đẹp và nỗi buồn".

Tác phẩm của Kartiki mất 5 năm để hoàn thành, từ năm 2017 đến tháng 9/2022. Theo Deadline, đạo diễn nói đã gặp Raghu khi chú voi khoảng ba tháng tuổi, cô dành khoảng một năm rưỡi để tiếp xúc với voi trước khi tiến hành dự án. Trại bảo tồn voi Theppakadu cách nhà cô khoảng 30 phút chạy xe.

Thep NPR, Kartiki lớn lên ở miền nam Ấn Độ, trong một gia đình yêu thiên nhiên. Mẹ cô - bà Priscilla Gonsalves - yêu động vật và cha cô Timothy là một nhiếp ảnh gia. Bà cô một nhà tự nhiên học nghiệp dư, thường dẫn học sinh tham quan các khu bảo tồn tự nhiên. Kartiki vốn là nhiếp ảnh gia tài liệu, sau đó chuyển sang quay phim và đạo diễn.

Kartiki-1600x900-1-1116-1679038613.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=SuL0MqZiGDimiOTmShobWg

Đạo diễn Kartiki Gonsalves trong lễ trao giải Oscar 2023. Ảnh: AFP

The Elephant Whisperers là tác phẩm Ấn Độ đầu tiên đoạt giải Phim tài liệu ngắn hay nhất của Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ. Trước đây, hai phim Ấn Độ được đề cử ở hạng mục Phim tài liệu ngắn hay nhất - The House That Ananda Build (1969) và An Encounter With Faces (1979) - đều không giành được cúp.

Sau chiến thắng Oscar, Kartiki vẫn tiếp tục làm phim về sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên. Đạo diễn mong muốn nâng cao nhận thức về những thách thức mà con người và động vật đang phải đối mặt.

Quế Chi

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022