Theo Văn phòng Điện ảnh Thái Lan, trực thuộc Cục Du lịch thuộc Bộ Du lịch và Thể thao, doanh thu của Thái Lan từ sản xuất phim quốc tế đã vượt 6,6 tỷ baht (hơn 200 triệu USD) vào năm 2023. Con số này lập kỷ lục mới, đánh dấu mức tăng gần 2 tỷ baht (61 triệu USD) kể từ năm 2022. Doanh thu tăng trưởng một phần là nhờ Thái Lan đưa ra nhiều ưu đãi lớn hơn cho việc sản xuất phim quốc tế tại xứ sở chùa Vàng. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh Thái Lan hiện phải đối mặt với những thách thức, đặc biệt là sự phối hợp chưa đầy đủ giữa các cơ quan chức năng và tình trạng thiếu nhân sự có tay nghề cao.

pattaya_film_festival_2024._anh_ban_to_chuc_pattaya_film_festival.jpg
Pattaya Film Festival 2024. Ảnh: Ban tổ chức Pattaya Film Festival

Ông Chalermchatri Yukol, Chủ tịch tiểu ban phim của Ủy ban Chiến lược Quyền lực mềm Quốc gia, chia sẻ: “Ngành công nghiệp điện ảnh của Thái Lan đã phát triển nhanh chóng trong vài thập kỷ qua nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Những gì chúng tôi nhận thấy là ngành này đang thiếu một thứ rất quan trọng – một chiến lược toàn diện để gắn kết mọi mắt xích với nhau, từ các hiệp hội, các nhà làm phim, các lĩnh vực liên quan, nhân lực phục vụ ngành… Chúng ta hiện chưa có những chiến lược lớn tổng thể như vậy".

Những bộ phim đáng chú ý được quay ở Thái Lan có thể kể tới “Thirteen Lives” (2022), kể câu chuyện đau buồn về cuộc giải cứu hang Tham Luang, và “The Impossible” (2012), kể lại đầy kịch tính về trận sóng thần năm 2004 ở Phuket. Năm nay, Thái Lan thực hiện 3 tác phẩm lớn, bao gồm những bộ phim bom tấn như White Lotus và Jurassic World.

posters_cac_bo_phim_trinh_chieu_trong_khuon_kho_pattaya_film_festival_2024._anh_ban_to_chuc_pattaya_film_festival.jpg
Posters các bộ phim trình chiếu trong khuôn khổ Pattaya Film Festival 2024. Ảnh: Ban tổ chức Pattaya Film Festival

Các nhà làm phim quốc tế đều bày tỏ sự hài lòng khi phối hợp làm việc với ê-kíp sản xuất của Thái Lan mà họ đánh giá là “chuyên nghiệp”. Thế nhưng giới chuyên gia nhận định rằng Thái Lan hiện đã có chất nhưng vẫn thiếu lượng. Ông Apinat Siricharoenjit – Giám đốc của Living Films - Nhà sản xuất phim quốc tế hàng đầu tại Thái Lan, cho biết họ đang chật vật xoay sở với khối lượng công việc khổng lồ liên quan sản xuất 3 bộ phim bom tấn trong năm nay:

“Hiện chúng tôi đã đảm bảo được chất lượng nhưng lại thiếu số lượng. Tôi không nghĩ những cá nhân làm việc trong ngành công nghiệp này lại có thể dừng lại nghỉ ngơi và chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của chính phủ. Cụ thể, hiện xưởng sản xuất phim của chúng tôi đang thuê những sinh viên chỉ mới tốt nghiệp và đào tạo họ. Chúng tôi cũng mời những chuyên gia có kinh nghiệm của Hãng Disney tới và đào tạo nhân viên địa phương của chúng tôi, giúp họ đạt được những tiêu chuẩn cần thiết.”

thao-luan_-_1_.jpg
Thảo luận "Pattaya trên con đường trở thành trung tâm điện ảnh của thế giới". Ảnh: Ngọc Diệp

Bên cạnh những nỗ lực thúc đẩy song song cả chất và lượng cho ngành công nghiệp điện ảnh nước nhà, Thái Lan cũng không ngừng đưa ra những ý tưởng sáng tạo giúp phát huy hơn nữa các mục tiêu đặt ra. Một trong số này là ý tưởng biến Pattaya, thành phố biển nổi tiếng sôi động về đêm, trở thành thành phố điện ảnh và là trung tâm sáng tạo điện ảnh của thế giới.

Không chỉ dừng lại ở phạm vi trong nước, Thái Lan còn mong muốn biến cạnh tranh thành hợp tác, đưa ngành công nghiệp điện ảnh của toàn ASEAN với nhiều quốc gia có tiềm năng cạnh như Malaysia, Việt Nam, hay Lào.., vươn cao hơn trên trường quốc tế. Về vấn đề này, ông Chalermchatri Yukol, Chủ tịch tiểu ban phim của Ủy ban Chiến lược Quyền lực mềm Quốc gia, cho biết:

“Chúng tôi đang thảo luận vấn đề này với đại diện các cơ quan sáng tạo từ các quốc gia trong khu vực để khám phá thêm nhiều cơ hội hợp tác trong tương lai. Trong vòng 3 - 5 năm tới, đây sẽ là động lực lớn cho tất cả các quốc gia trong khu vực. Tưởng tượng xem nếu một hãng phim muốn quay phim ở toàn bộ khu vực Đông Nam Á, họ có thể được hỗ trợ ở mọi địa điểm trong ASEAN và thu được nhiều lợi ích hơn. Thái Lan cũng sẽ có thể đóng góp nhiều hơn nữa, không chỉ ở phạm vi trong Thái Lan, chúng ta có thể có nhiều trao đổi hơn trong khuôn khổ ASEAN.”

cac_em_nho_tham_gia_cac_hoat_dong_tim_hieu_ve_dien_anh_trong_khuon_kho_pattaya_film_festival_2024._anh_ngoc_diep.jpg
Các em nhỏ tham gia các hoạt động tìm hiểu về điện ảnh trong khuôn khổ Pattaya Film Festival 2024. Ảnh: Ngọc Diệp
mot_buoi_chieu_phim_ngoai_troi_tai_pattaya_film_festival_2024._anh_ban_to_chuc_pattaya_film_festival.jpg
Một buổi chiếu phim ngoài trời tại Pattaya Film Festival 2024. Ảnh: Ban tổ chức Pattaya Film Festival

Để đảm bảo tiếp tục tăng trưởng và duy trì tính hấp dẫn, ngành công nghiệp điện ảnh của Thái Lan cần giải quyết các thách thức hành chính, bồi dưỡng tài năng địa phương và tận dụng lợi thế cạnh tranh của mình. Những bước đi này sẽ giúp duy trì vị thế của Thái Lan là lựa chọn hàng đầu của các nhà làm phim trên toàn thế giới.

Chính phủ Thái Lan đã đưa ra chương trình giảm giá tiền mặt vào năm 2017 nhằm thưởng cho các nhà làm phim nước ngoài đầu tư 50 triệu baht (1,5 triệu USD) trở lên để quay phim ở Thái Lan.

Vào tháng 2/2023, Nội các đã phê duyệt sửa đổi chương trình, tăng mức hoàn tiền mặt lên 20-30% so với 15-20% ban đầu trong 2 năm. Mức trần giảm giá tiền mặt cũng được tăng từ 75 triệu baht lên 150 triệu baht (2,3 – 4,6 triệu USD) cho một lần quay phim. Chương trình giảm giá tiền mặt sửa đổi này đã có hiệu lực từ đầu năm 2024.

Thái Lan cũng đã phê duyệt biện pháp miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 5 năm đối với các diễn viên nước ngoài đóng phim quay ở Thái Lan, với hiệu lực chính thức từ tháng 8/2023.

Số liệu chính thức cho thấy tổng cộng 466 bộ phim được sản xuất tại Thái Lan vào năm 2023 bởi các nhà làm phim từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau.

Năm quốc gia có nhiều phim quay nhất ở Thái Lan là Mỹ, Hồng Kông (Trung Quốc), Trung Quốc, Đức và Hàn Quốc. 10 tỉnh được các nhà làm phim quốc tế yêu thích nhất là Bangkok, Chon Buri, Samut Prakan, Pathum Thani, Phuket, Nonthaburi, Chiang Mai, Nakhon Pathom, Krabi và Ratchaburi. 

Giám đốc Viện lưu trữ phim Thái Lan Chalida Uabumrungjit cho biết liên hoan phim Pattaya lần thứ 2 mới diễn ra vào cuối tháng 8/2024 không chỉ mang tính chất giải trí. Đây là một động thái chiến lược nhằm kích thích đầu tư, tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bằng cách định vị mình là một thành phố thân thiện với điện ảnh, Pattaya dự kiến ​​sẽ thu hút các đoàn làm phim trong nước và quốc tế, thúc đẩy du lịch và cung cấp nền tảng trao đổi văn hóa.

Nỗ lực đưa Pattaya giành danh hiệu Thành phố Điện ảnh UNESCO vào năm 2027 được hỗ trợ bởi một kế hoạch phát triển toàn diện kéo dài từ năm 2023 đến năm 2030, có sự hợp tác với các tổ chức và cơ sở giáo dục quan trọng để thúc đẩy một hệ sinh thái bền vững cho ngành công nghiệp điện ảnh Thái Lan.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022