Vượt qua hàng trăm tác phẩm, phóng sự "Làm giả giấy khám thai" đã nhận được giải Vàng thể loại phóng sự ngắn tại Liên hoan truyền hình lần thứ 41. Lên sóng vào tháng 7/2022, tác phẩm này đề cập tới một trong những vấn nạn đang phố biến trong xã hội hiện nay, đó là làm giả giấy tờ. 

Hiện trạng làm giả ngày càng trở nên phức tạp hơn khi công nghệ làm giả ngày càng tinh vi, các đối tượng làm giả ngày càng nhiều chiêu trò, mánh khóe, từ bằng cấp giả... và giờ là giấy siêu âm thai giả. Tác phẩm do ê-kíp sản xuất thuộc Truyền hình Công an nhân dân (gồm Hoài Thương, Nguyễn Nhung, Quyết Thắng, Huy Tuấn) thực hiện.

Chia sẻ về giải Vàng trong LHTHTQ năm nay, đại diện ê-kíp sản xuất - BTV Nguyễn Nhung - cho biết đây là vinh dự dành cho Ban Chuyên đề, Truyền hình Công an nhân dân.

z4192679312231a6d73e59ab0b5c76250dc84805f5a87a-16791505541021215535815.jpg

"Cảm xúc rất dâng trào và vinh dự cho những người làm báo Công an nhân dân" - nữ BTV tâm sự - "Tôi nghĩ không chỉ với các phóng viên của Truyền hình Công an nhân dân mà với tất cả những người làm nghề thì đây là giải thưởng ý và danh giá. Khi những tác phẩm của mình được công nhận và đánh giá cao, điều đó thúc đẩy chúng tôi tiếp tục làm nghề, dấn thân với nghề".

"Tôi nghĩ với tác phẩm phóng sự ngắn "Làm giả giấy khám thai", tính phát hiện đề tài có lẽ là điều BGK đánh giá cao tác phẩm. Bên cạnh đó là sự dấn thân điều tra của phóng viên trong quá trình tìm ra đường dây làm giả giấy khám thai, cũng như đánh giá được hậu quả của nó đem lại khi những đường dây làm giả này vẫn tồn tại và mua bán một cách dễ dàng", BTV Nguyễn Nhung cho biết.

Nói về quá trình tác nghiệp tạo nên tác phẩm phóng sự ngắn "Làm giả giấy khám thai", điều đầu tiên BTV Nguyễn Nhung chia sẻ là mối duyên đưa cô và đồng nghiệp đến với đề tài này. Nữ BTV kể: "Chúng tôi bắt đầu qua thông tin nhận được từ một số phòng khám, bệnh viện phát hiện giấy tờ của họ bị làm giả. Đó là những bệnh viện, phòng khám có uy tín. Từ thông tin này, chúng tôi quyết tâm phải có biện pháp nghiệp vụ để vào cuộc, thâm nhập và mua được một vài giấy khám thai. 

Chúng tôi cũng tìm được một số nhân vật đã từng mua bán giấy khám thai giả để trục lợi cho bản thân, như làm giả để thanh toán bảo hiểm xã hội, thậm chí là ràng buộc những đối tượng có quan hệ tình cảm…. Đó là một trong những thông tin mà ngay từ ban đầu chúng tôi đánh giá nó có tác động xã hội rất nguy hiểm...".

z41927119832489aaddcec46ecdcea7d4e71eec299c1bc-16791505541041977107863-crop-16791505851401834917540.jpgz4192711768823ba28336ca06a98204c76080f6088edd9-16791505541031352826225-crop-16791505669311992925800.jpg

Theo BTV Nguyễn Nhung, quá trình thực hiện tác phẩm của ê-kíp có nhiều yếu tố thuận lợi. Đó là nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo Truyền hình Công an nhân dân và ê-kíp đồng hành. Còn đối với những áp lực, nữ BTV khẳng định khi vượt qua khó khăn thì cũng là lúc cô và các đồng nghiệp tạo ra được điểm mấu chốt giúp tác phẩm có tính thuyết phục hơn.

"Khó khăn nhất khi thực hiện phóng sự là thuyết phục nhân vật nói về mục đích họ dùng giấy khám thai giả để làm gì" - BTV Nguyễn Nhung nói tiếp - "Bởi lẽ, khi họ đã có mục đích làm giả gì đó thì họ sẽ rất khó để chia sẻ điều ấy với mình. Nhưng rất may là chúng tôi cũng có những chia sẻ gần gũi, kết hơp sử dụng nghiệp vụ báo chí để giúp nhân vật dễ dàng chia sẻ thông tin cùng mình thực hiện tác phẩm này".

"Chúng tôi cho rằng cái gì làm giả cũng đều không tốt cả. Với giấy khám thai, giấy siêu âm giả sẽ gây hệ lụy với xã hội, không chỉ với cá nhân mà còn với một tổ chức. Như nhân vật đã chia sẻ với chúng tôi về việc nhận bảo hiểm xã hội, đó chính là trục lợi bảo hiểm xã hội… Tôi nghĩ tác phẩm cũng là lời cảnh báo với mọi người khi nhận được những giấy tờ tương tự, cần phải kiểm tra hồ sơ giấy tờ một cách kỹ lưỡng", BTV Nguyễn Nhung bộc bạch.

"Thực ra làm báo trước đây đã khó nhưng ở thời đại 4.0 lại càng khó hơn, có rất nhiều thách thức. Các bạn trẻ sẽ có kỹ năng tốt hơn về cập nhật công nghệ, năng động nhưng để có thể làm được những tác phẩm điều tra có sự dấn thân thì yêu nghề và có đạo đức là những yếu tố quyết định để giúp chúng ta có những tác phẩm tốt, vừa gây được tiếng vang vừa giúp xây dựng xã hội tốt đẹp hơn", Nguyễn Nhung kết lại.

Thể loại phóng sự ngắn tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 41 có sự tham gia của 68 phóng sự ngắn và 72 phóng sự ngắn tích cực. Theo đánh giá của BGK, các tác phẩm phóng sự có sự đồng đều về chất lượng, đề tài rất phong phú và đa dạng. Trong đó, số lượng các phóng sự lan toả chiếm hơn 50% tổng số lượng phóng sự gửi dự thi. Đây là một tín hiệu đáng mừng vì các đài đã quán triệt chủ trương lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022