Hôm 6/6, Variety đưa tin Harvey - người Scotland tự nhận là nguồn cảm hứng cho tác phẩm ăn khách Baby Reindeer - yêu cầu nền tảng phát trực tuyến trả hơn 50 triệu USD tiền tổn thương thể chất, 50 triệu USD thiệt hại tinh thần, 50 triệu USD lợi nhuận từ series và 20 triệu USD tiền bồi thường, chưa bao gồm phí pháp lý.

Trong đơn kiện gửi lên Tòa án quận của Mỹ (quận trung tâm California) một ngày trước đó, cô cáo buộc Netflix phỉ báng, cố ý gây tổn thương tinh thần và vi phạm quyền sử dụng hình ảnh cá nhân cho mục đích thương mại.

trailer-baby-reindeer-1717727699.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=vgZXnj9WuQqPhXAECVn5cA
Trailer 'Baby Reindeer'

Trailer "Baby Reindeer", gồm bảy tập, ra mắt hôm 11/4. Tác phẩm thu hút khoảng 60 triệu lượt xem trong tháng đầu tiên chiếu trên Netflix. Video: Netflix

"Những lời dối trá mà bị đơn kể về Harvey cho hơn 50 triệu người trên toàn thế giới, gồm việc tôi là kẻ đeo bám, hai lần bị kết án 5 năm tù và tấn công tình dục Gadd. Họ không bao giờ dừng lại những lời dối trá, vì đó là một câu chuyện hay hơn sự thật và sẽ kiếm được tiền", hồ sơ nêu.

Trong một tuyên bố, đại diện của Netflix cho biết: "Chúng tôi sẽ bảo vệ và ủng hộ quyền kể câu chuyện của đạo diễn Richard Gadd".

Trong một số cuộc phỏng vấn, Gadd cho biết tác phẩm lấy cảm hứng từ cuộc đời anh, thay đổi một số chi tiết về nhân vật Martha ngoài đời thực. Sau đó, nhiều người nhanh chóng tìm ra các tài khoản mạng xã hội của Harvey. Cô thường xuyên tương tác với Gadd trong suốt thời gian ghi hình loạt phim và thậm chí còn chia sẻ các câu thoại của Martha trong kịch bản.

Về phía Harvey, ngay sau khi series ra mắt, cô xuất hiện trên talkshow của Piers Morgan, nói đang xem xét khởi kiện Gadd và Netflix. Cô phủ nhận việc gửi cho Gadd 41.000 email, cho rằng dự án là "tác phẩm cường điệu".

fiona-harvey-jpg-1717728090-3187-1717728252.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=p4khvyu2YubO_TfTLjvljw

Nhân vật Martha (trái) và Fiona Harvey ngoài đời. Ảnh: Netflix/Piers Morgan Uncensored

Baby Reindeer do Richard Gadd sáng tạo kiêm đóng chính, ra mắt toàn cầu hồi tháng 4 và nhanh chóng trở thành loạt phim gây sốt trên Netflix. Gadd thủ vai Donny Dunn, xoay quanh quá trình từ nhân viên pha chế trở thành diễn viên hài. Một ngày, anh vô tình gặp và bắt chuyện với Martha, từ đó cô gửi cho Donny 41.071 email, 350 giờ thư thoại, 744 dòng tweet, 46 tin nhắn trên Facebook và 106 trang thư. Một mặt Donny sợ hãi, nhưng mặt khác anh tận hưởng cảm giác của một người được người khác theo dõi.

Tác phẩm được giới chuyên môn đánh giá cao. Trang IGN cho rằng Baby Reindeer là một trong những loạt phim phải xem trong năm nay, giúp nâng tầm các series gốc của Netflix. Slant Magazine nhận định màn trình diễn của Jessica Gunning (vai Martha) là phần quan trọng tạo nên sự hấp dẫn cho phim. Tạp chí Time viết: "Phim có cái nhìn sâu sắc với nhân vật, từ đó thu hút lượng lớn khán giả". Còn Boston Globes ghi nhận: "Mãnh liệt và hấp dẫn. Không có gì nhẹ nhàng hay đơn giản trong cách Gadd trình bày các sự việc trong bảy tập phim".

Theo đơn kiện, Fiona Harvey có bằng cử nhân luật của Đại học Aberdeen năm 1990, bằng hành nghề luật của Đại học Strathclyde năm 1993 và được cấp chứng chỉ đầu vào của Hiệp hội Luật Scotland năm 1997. Năm 2005, cô lấy bằng tốt nghiệp luật của Đại học Westminster. Giống nhân vật Martha, Harvey là người Scotland, có tóc nâu, thân hình ngoại cỡ và bị kết tội đeo bám người khác.

jessica-gunning-baby-reindeer-1964-9536-1717728251.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RtEwO7SghDOCbX-iDzCbAw

Jessica Gunning thủ vai Martha trong phim "Baby Reindeer". Ảnh: Netflix

Không phải lần đầu Netflix bị kiện. Theo Variety, hôm 4/6, Netflix và Linda Fairstein, cựu công tố viên liên quan đến vụ án "Central Park Five" năm 1989, dàn xếp xong vụ kiện phỉ báng chống lại Netflix về loạt phim tài liệu When They See Us (2019).

Năm 2020, Fairstein đệ đơn cáo buộc cô bị hãng phim miêu tả sai là một kẻ phân biệt chủng tộc, dàn dựng việc kết án năm thanh niên vô tội. Theo một phần của thỏa thuận, Netflix đồng ý quyên góp một triệu USD cho tổ chức phi lợi nhuận Innocence Project (Dự án Ngây thơ), còn Fairstein không nhận được tiền. Netflix cũng đồng ý thêm dòng chữ: "Phim được lấy cảm hứng từ các sự kiện có thật, nhưng một số nhân vật, sự việc, địa điểm, lời thoại và những cái tên được hư cấu cho mục đích kịch tính hóa".

Năm ngoái, vợ chồng vận động viên lặn Francisco Ferreras và Audrey Mestre kiện nền tảng này vì xuyên tạc cuộc đời của cả hai. Năm 2021, kỳ thủ Nona Gaprindashvili đòi hãng bồi thường 5 triệu USD vì một nhân vật trong phim The Queen's Gambit nói bà chưa từng đấu cờ với đàn ông, cho rằng lời thoại phân biệt giới tính.

Quế Chi (theo Variety)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022