tn1

“Nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga

“Nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga (1942- 1978) là biểu trưng của “hồng nhan bạc mệnh”! Mặc dù chỉ tồn tại trên cõi đời 36 năm nhưng tên tuổi của cô mãi là “tượng đài” của nền Sân khấu cải lương nước nhà.

NSƯT Thanh Nga sinh ra tại Tây Ninh, là con của bà bầu Thơ, trưởng đoàn hát Thanh Minh – Thanh Nga nổi tiếng nhất nhì thời bấy giờ. Cô được biết đến là người có sắc đẹp đằm thắm, quyến rũ, quý phái với đôi mắt biết nói và nụ cười “thôi miên” đầy mê hoặc. Riêng lối ca diễn của cô có sức truyền cảm, thu hút đặc biệt làm say đắm lòng người. Mỹ từ “Nữ hoàng sân khấu” do ký giả và người mộ điệu đặt cho cô đã nói lên tất cả.

Trong khoảng 20 năm đứng trên sân khấu, NSƯT Thanh Nga luôn được giao những vai diễn chính, từ các anh hùng
nữ tướng đến những mỹ nhân tài sắc vẹn toàn. Có thể kể đến như: Dương Vân Nga (vở Thái hậu Dương Vân Nga), Trưng Trắc (vở Tiếng trống Mê Linh), Kim Anh (vở Đời cô Lựu), Giáng Hương (vở Sân khấu về khuya), Quỳnh Nga (vở Bên cầu dệt lụa)… Tài sắc là vậy, nhưng hồng nhan đa truân, bạc mệnh! Đời NSƯT Thanh Nga lắm nỗi thăng trầm, chua xót. Cô sớm kết hôn với một công chức, nhưng do ông phạm pháp phải đi tù, sau hai người đành tan vỡ! Rồi “Nữ hoàng sân khấu” cùng “Ông vua không ngai” Thành Được trải qua mối tình đẹp

cả trên sân khấu lẫn ngoài đời. Tuy nhiên, cũng vì sự “tự tôn” cá nhân nên mỗi người một ngả. Sau này, NS Thanh Nga kết hôn với luật sư Phạm Duy Lân, hơn bà đến gần 20 tuổi. Định mệnh cay nghiệt, 23h đêm 26/11/1978, sau khi diễn ở rạp hát Cao Hồng Hưng (quận Bình Thạnh) và trở về nhà, vợ chồng cô bị hai kẻ lạ mặt sát hại.

“Người đẹp Bình Dương” Thẩm Thúy Hằng

nguoiduatin-sfhgrth

NSƯT Thẩm Thúy Hằng (SN 1940), được tôn vinh là minh tinh sáng nhất của điện ảnh thương mại miền Nam Việt Nam giai đoạn cuối thập niên 50 đến cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, với tiền cát-xê lên tới một triệu đồng cho một vai diễn (tương đương 1kg vàng 9999 thời bấy giờ). Tên tuổi của bà không chỉ nổi tiếng tại Việt Nam mà còn vươn đến tầm minh tinh châu Á khi 2 lần nhận giải thưởng Diễn viên xuất sắc Á Châu tại LHP Đài Bắc; Ảnh hậu Á Châu trong LHP Á Châu tổ chức tại Hong Kong và Đài Loan năm 1972 – 1974; Nữ diễn viên khả ái nhất tại LHP Mátxcơva và Tasken tại Liên Xô năm 1982… Bà cũng nằm trong danh sách 12 diễn viên sáng giá của kịch nghệ miền Nam. Thời bấy giờ, hình ảnh của “Nữ hoàng điện ảnh” Thẩm Thúy Hằng đi liền với “Nữ hoàng sân khấu” Thanh Nga thường xuyên xuất hiện trên các bìa báo xuân và lịch tết.

Thẩm Thúy Hằng tên thật là Nguyễn Kim Phụng, sinh tại Hải Phòng nhưng lớn lên ở An Giang. Năm lên 16 tuổi, khi đang học lớp Đệ tứ (lớp 9 bây giờ) tại Sài Gòn, bà đã nức tiếng là một hoa khôi trong giới học sinh. Lúc này, bà lén gia đình tham gia cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh của hãng phim Mỹ Vân và đạt giải nhất của cuộc
thi sau khi vượt qua 2.000 thí sinh khác. Với vai Tam Nương trong phim Người đẹp Bình Dương (ra mắt năm 1958), Thẩm Thúy Hằng đã nổi lên như một ngôi sao điện ảnh. Cái tên “Người đẹp Bình Dương” đã theo Thẩm Thúy Hằng kể từ đó.

Không chỉ điện ảnh, Thẩm Thúy Hằng còn tham gia các lĩnh vực như sân khấu (tham gia cả đoàn Thanh Minh – Thanh Nga), đóng kịch… Chồng bà là Giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, từng làm Phó thủ tướng kiêm Thống đốc Ngân hàng Việt Nam Cộng hòa. Sau 1975, ông là cố vấn kinh tế cho Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

“Minh tinh màn bạc” Kiều Chinh

maxresdefault-4

Diễn viên Kiều Chinh không chỉ nổi tiếng trong làng điện ảnh Việt Nam mà còn là một minh tinh của Hollywood. Mang nét đẹp thánh thiện, nội tâm sâu sắc, thần thái sang trọng hiếm có cùng cách nhập vai xuất thần và vốn tiếng Anh lưu loát đã đem về cho DV Kiều Chinh những giải thưởng danh giá cho riêng mình.

Bà tên thật là Nguyễn Thị Chinh, SN 1937 tại Hà Nội nhưng lưu lạc vào Sài Gòn. Năm 1957, bà vào vai nữ diễn viên chính trong phim Hồi chuông Thiên Mụ và nhanh chóng nổi tiếng từ đó. Ngay thập niên 1960, bà đã xuất hiện trong các cuốn phim của Hoa Kỳ, Ấn độ, Đoài Loan… tiêu biểu như A Yank in Vietnam (1964), Operation CIA (1965), Sài Gòn vô chiến sự (Sài Gòn Out Of War – 1967)… Đặc biệt năm 1970, trong phim Devil Within, Kiều Chinh đã vượt qua hàng loạt những gương mặt xinh đẹp và nổi tiếng của nền điện ảnh Bollywood để vào vai Công chúa Ấn Độ.

Trong sự nghiệp, Kiều Chinh gặt hái hàng loạt những vinh quang như: Năm 1973, bà đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất của Đại hội điện ảnh Á Châu tại Đài Bắc; năm 1996, Viện Khoa học và Nghệ thuật Truyền hình Mỹ đã trao giải Emmy cho phim tài liệu nói về bà có tên Kieu Chinh: A Journey Home; năm 2003, tại Đại hội Điện ảnh Việt Nam Quốc tế (Vietnamese International Film Festival), Kiều Chinh được trao giải thưởng Thành tựu suốt đời. Cũng trong năm 2003, tại Liên hoan phim Phụ nữ (Women′s Film Festival) ở Torino, Ý, Kiều Chinh được trao giải Diễn xuất đặc biệt.

“Kỳ nữ” Kim Cương

kim_cuong_sua_1

NSND Kim Cương (con NSND Bảy Nam) được mệnh danh là “Kỳ nữ” trong giới sân khấu Việt Nam. Bà không chỉ sở hữu nhan sắc mặn mà, nền nã mà còn thành công trên rất nhiều phương diện, cả nghệ thuật lẫn hoạt động xã hội. Bà được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận kỷ lục là “Nghệ sĩ viết nhiều kịch bản kịch nói nhất Việt Nam” với bút danh Hoàng Dũng nổi tiếng với các kịch bản như: Lá sầu riêng, Dưới hai màu áo, Trà hoa nữ, Tôi làm mẹ, Bông hồng cài áo…. Hiện NSND Kim Cương là Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TP.HCM, Thường vụ BCH Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM.❏

Nguyên Pháp

Nguồn: congluan.vn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022