Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư (LS) Nguyễn Minh Cảnh, nguyên thẩm phán TAND TP.HCM, cho biết theo điều 4 luật Quốc tịch Việt Nam năm 2014, về nguyên tắc nhà nước công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, một số trường hợp ngoại lệ công dân Việt Nam vẫn được mang hai quốc tịch.

Những ngoại lệ nào ?

Cụ thể, các trường hợp ngoại lệ gồm: Người được Chủ tịch nước cho phép; trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam; người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn nhập quốc tịch Việt Nam; trẻ em là con nuôi. Ngoài ra, người có vợ chồng, cha mẹ đẻ, con đẻ là công dân Việt Nam thì được nhập quốc tịch Việt Nam và vẫn giữ quốc tịch của họ. “Như vậy, các chủ thể trên được quyền có 2 quốc tịch, được pháp luật Việt Nam thừa nhận”, ông Cảnh nhấn mạnh.
LS Nguyễn Minh Hùng, Đoàn LS TP.Hà Nội, cho biết thêm thực tế rất nhiều công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch khác. Chẳng hạn, khi trẻ em có cha/mẹ là công dân Việt Nam, sinh ra và được khai sinh ở Việt Nam. Tuy nhiên, trẻ em đó đồng thời được cha/mẹ là người quốc tịch khác nhập tịch theo quốc gia cha/mẹ. Như vậy, trẻ em đó là công dân có 2 quốc tịch. Hay công dân Việt Nam được vợ/chồng là người quốc tịch khác bảo lãnh, đáp ứng một số điều kiện nhập tịch của quốc gia vợ/chồng thì sau đó có thêm quốc tịch của quốc gia đó… “Hoặc một số quốc gia thực hiện chính sách thu hút đầu tư cho phép, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân quốc gia khác (trong đó có Việt Nam) nhập quốc tịch nếu đáp ứng một số điều kiện về quy mô đầu tư, ngành nghề đầu tư; công dân Việt Nam có thành tích đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực khoa học, giảng dạy, âm nhạc... được nước sở tại tạo điều kiện nhập tịch”, LS Hùng nêu và nhìn nhận: “Trên thực tế có rất nhiều trường hợp công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch của quốc gia khác mà quốc gia đó không bắt buộc công dân này phải thôi quốc tịch Việt Nam”.
pham_phu_quoc1_qoys.jpg

Vì sao ĐBQH có thêm quốc tịch ngoài Việt Nam dư luận lại xôn xao

Với những quy định và thực tế trên cho thấy, việc công dân Việt Nam có nhiều quốc tịch không phải cá biệt. Vậy vì sao câu chuyện ông Phạm Phú Quốc, đại biểu Quốc hội (ĐBQH), có thêm quốc tịch Cộng hòa Cyprus, ngoài quốc tịch Việt Nam, lại khiến dư luận xôn xao với nhiều ý kiến trái chiều.
Thạc sĩ Lưu Đức Quang, giảng viên Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), dẫn điều 22 luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, nêu 5 tiêu chuẩn của ĐBQH gồm: trung thành với Tổ quốc, nhân dân và hiến pháp...; có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật, có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác; có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ ĐBQH; được nhân dân tín nhiệm; có điều kiện tham gia các hoạt động Quốc hội, và cho rằng “Dựa vào các tiêu chuẩn trên và quy định của luật Quốc tịch Việt Nam thì ông Phạm Phú Quốc đồng thời có 2 quốc tịch là không vi phạm”.
“Tuy nhiên, cần định rõ ông Quốc là ĐBQH, đại diện cho cử tri, nhân dân, quốc gia Việt Nam, nhưng đồng thời có quốc tịch nước ngoài có thể dẫn đến xung đột lợi ích giữa các quốc gia, nhân dân; có thể sẽ không toàn tâm toàn ý vì lợi ích của nhân dân”, ông Quang nhấn mạnh và cho biết trước đây đã có trường hợp Hội đồng bầu cử quốc gia biểu quyết không xác nhận tư cách ĐBQH khóa 14 đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, do bà Hường nhập quốc tịch Cộng hòa Malta là vi phạm luật Quốc tịch Việt Nam. “Có thể từ trường hợp này và nhận thấy ĐBQH ngoài quốc tịch Việt Nam đồng thời có quốc tịch khác là không ổn, nên luật Tổ chức Quốc hội năm 2019 (có hiệu lực từ 1.1.2021) bổ sung tiêu chuẩn “Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam” vào các tiêu chuẩn để trở thành ĐBQH”, thạc sĩ Lưu Đức Quang cho biết.
LS Nguyễn Minh Cảnh đưa thêm góc nhìn khi cho rằng cần xem xét việc ông Phạm Phú Quốc kê khai lý lịch thiếu trung thực. Theo điều 21 Nghị định 78/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Quốc tịch Việt Nam, nêu công dân Việt Nam vì lý do nào đó mà có quốc tịch nước ngoài và chưa mất quốc tịch Việt Nam, thì vẫn có quốc tịch Việt Nam; song trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày có quốc tịch nước ngoài, nếu ở trong nước thì công dân phải thông báo cho Sở Tư pháp nơi cư trú việc có quốc tịch nước ngoài, kèm theo bản sao giấy tờ chứng minh có quốc tịch nước ngoài. Bên cạnh đó, ông Quốc là ĐBQH, là cán bộ thuộc diện hằng năm phải kê khai tài sản, cập nhật lý lịch... Thế nhưng, ông này có thêm quốc tịch Cyprus từ cuối năm 2018 mà đến nay khi dư luận, báo chí phanh phui thì các cơ quan quản lý mới “ngã ngửa” vào cuộc xác minh. “Hơn nữa, dư luận cũng đặt câu hỏi vì đâu ĐBQH này có quốc tịch Cyprus. Bởi, Cộng hòa Cyprus là một trong những quốc gia cung cấp dịch vụ đầu tư đổi quốc tịch. Trong đó, mức đầu tư nhập tịch Cộng hòa Cyprus là hơn 2,5 triệu USD và hơn 355.000 USD để sở hữu visa vàng”, LS Nguyễn Minh Cảnh nói.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022